Nghĩ về ngày tri ân Thương binh liệt sĩ 27-7

Th.S Nguyễn Văn Đổng/TAQS Quân khu 4| 15/07/2017 06:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những đau thương mất mát bởi chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Hàng năm, cứ đến dịp 27/7, nhân dân cả nước lại tưởng nhớ về những người lính đã đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Tinh thần xả thân vì nước của đồng bào ta vốn đã tỏa sáng ngay từ thời Vua Hùng dựng nước, trải qua hàng nghìn năm đấu tranh giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, Lý, Trần, Lê,…, tinh thần ấy luôn được phát huy mạnh mẽ qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc.

Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược "ỷ đông hiếp yếu", làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước rồi mà vẫn còn “tim đập chân run”, như trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng tổng kết. Hay như đoàn quân của vua Quang Trung thần tốc và bách chiến bách thắng, đánh cho quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân; bại trận, bỏ chạy ngay từ khi chưa kịp hiểu vì sao, chỉ có thể khiếp đảm mà thốt lên rằng “tướng thì như trên trời rơi xuống, quân thì như từ dưới đất chui lên”. Rồi các nghĩa sĩ Cần Giuộc, tuy không giành thắng lợi trước quân đội viễn chinh Pháp, nhưng vẫn làm cho  “mã tà, ma ní hồn kinh”.

Còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới, là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.

Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Rồi đã thành truyền thống, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo hàng chục năm nay.

Ngày 27/7 là dịp nhân dân Việt Nam hướng về những chiến sĩ đã hy sinh, bày tỏ biết ơn và trân trọng những thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông.

Nghĩ về ngày tri ân Thương binh liệt sĩ 27-7

Một góc Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Sau ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng đồng lòng, gắng sức, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta không những vượt qua nghèo nàn, lạc hậu mà còn đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhân dân ngày càng giàu mạnh, đất nước ngày càng có vị thế vững vàng trên trường quốc tế.

Tuy vậy, nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, rất nhiều những người thương binh vẫn nhức nhối cơn đau mỗi khi trái gió trở trời, rất nhiều những vong hồn liệt sĩ vẫn bơ vơ nơi núi rừng hiu quạnh hay lạnh cóng dưới những lòng sông, lòng hồ và rất nhiều những mẹ già đến hôm nay rồi vẫn mòn mỏi ngóng tin con. Chúng ta không được phép quên, mà ngược lại, đất nước ngày càng giàu mạnh thì Đảng, Nhà nước và mỗi người dân càng phải trân trọng, giữ gìn những thành quả cách mạng, trân trọng giữ gìn và tri ân các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, xả thân vì nước.

Tiếp tục tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, tôn tạo, sửa sang, hương khói các nghĩa trang liệt sĩ, chăm lo, đãi ngộ xứng đáng cho Thương binh và thân nhân liệt sĩ. Đó chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đã được hun đúc trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc ta từ thời mở cõi, qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Nghĩ về ngày tri ân Thương binh liệt sĩ 27-7

Bằng hết tâm, hết sức, mỗi người dân Việt hãy chung lòng cùng Đảng, Nhà nước, góp phần dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi và lớp lớp cha anh đã chiến đấu, hy sinh vì giống nòi dân tộc. Đối với mỗi thương binh đều luôn khắc ghi lời Bác, “tàn nhưng không phế”, luôn là tấm gương sáng, giáo dục thế hệ đi sau gắng sức học tập, công tác và mỗi anh linh liệt sĩ vẫn dõi theo và phù giúp cho tiền đồ dân tộc.

Tháng 6 vừa qua, có dịp cùng Đoàn cán bộ các Tòa án quân sự hành hương về nguồn, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 và thăm viếng Di tích Thành cổ Quảng Trị, nghe giọng nói thiết tha, truyền cảm của thuyết minh viên giữa tiếng nhạc trầm hùng, lay động tâm can của “Hồn tử sĩ”, trong lảng vảng khói hương giữa núi non trùng điệp và miên man sóng nước trên dòng sông Thạch Hãn, chúng tôi dường như thấy được hương hồn các anh hùng liệt sĩ vẫn đang cùng giữ yên bờ cõi, như “Lời người bên sông” vẫn vang vọng thiết tha.

Chúng tôi đã được nghe lại câu chuyện về Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh - một người chiến sĩ biết trước ba tháng về ngày mình sẽ hy sinh và chỉ đường cho người vợ tìm đúng nơi mình nằm sau 30 năm.

Lá thư cuối cùng của anh Lê Văn Huỳnh viết cho bố mẹ và vợ được gửi từ ngày 11/9/1972, trong đó anh dự cảm rõ mình sẽ hy sinh vào 02/01/1973 khi đang đưa hàng vượt sông Thạch Hãn, trong thư anh chỉ rõ cho vợ anh, chị Đặng Thị Xơ, về vị trí mộ anh và câu chuyện diễn ra đúng như vậy. Dù mãi đến năm 2002 vợ anh mới có điều kiện đi tìm mộ anh theo di thư của anh để lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩ về ngày tri ân Thương binh liệt sĩ 27-7