Ngày xuân vui hội cờ người

Đoàn Đại Trí| 20/02/2015 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùa xuân, mùa của vạn vật và con người chung một niềm vui để tận hưởng khoảnh khắc giao thoa đẹp đẽ của đất trời.

Và, từ xa xưa đến nay, những dịp năm mới này, nhiều vùng quê ở nước ta lại xuất hiện những cuộc thi đánh cờ, nhất là chuyện đánh cờ người, một phong tục tập quán gần như là nét văn hóa đặc sắc ở nhiều nơi. Có thể nói, chơi cờ người làm một lễ hội kết hợp nhiều yếu tố giữa trí tuệ và sức khỏe, mang lại nhiều niềm vui và tiếng cười sảng khoái cho cả người chơi lẫn người thưởng thức đứng xem.

Ngày xuân vui hội cờ người

Bày quân dàn thế trận

Tinh hoa trong tiếng trống khua

Xuất phát từ môn thể thao đầy trí tuệ và nghệ thuật là cờ tướng, cờ người có luật chơi và hình thức tương tự như cờ tướng. Vậy nhưng, điểm khác biệt đem lại nhiều sự lý thú cho người ta chính là việc tất cả 32 quân cờ ở hai bên xanh và đỏ đều là những người thực, với những vũ khí thực. Vì thế, thay chỉ vì di chuyển những quân cờ làm bằng các loại vật liệu gỗ, nhựa, đá thông thường, ở đây những quân cờ còn biểu diễn thêm cả những miếng võ truyền thống của dân tộc khiến cho cuộc chơi không chỉ là màn đấu trí giữa hai người tướng đánh cờ mà còn là cuộc đọ sức của chính những quân cờ với nhau. Vì vậy, cờ người luôn vô cùng sinh động và hấp dẫn, nhất là những dịp tết đến xuân về.

Có thể nói, vì mang nhiều ý nghĩa và được rất đông đảo người quan tâm nên trong những lễ hội ngày xuân nên việc tuyển chọn người gồm cả quân cờ và tướng chơi đều rất công phu, kỹ càng. Ngoài việc tướng phải là người chơi cờ giỏi, đam mê môn cờ tướng và thông hiểu loại hình này thì những quân cờ cũng phải là những thanh niên khỏe mạnh, ưu tú. Với những thanh niên này, sau khi khoác lên người những bộ quần áo mang tên quân cờ mà mình đóng vai thì việc sử dụng binh khí cũng phải thuần thục. Như ở một số địa phương, khi quy định về việc thắng thua, người ta quy ước rằng, nếu hai người thực đấu với nhau, ai thua thì bên đó bị mất quân, như một cuộc chiến thực sự giữa hai chiến tuyến vậy. Chính vì lý do này mà người tướng chơi cờ không những phải giỏi việc đánh cờ mà phải biết được thực lực của chính quân cờ mà mình đang nắm, như một người tướng ngoài trận mạc vậy.

Bên cạnh đó, việc làm bàn cờ lẫn hai chòi cao để tướng chơi cờ có thể quan sát toàn bộ bàn cờ cũng vô cùng quan trọng. Cụ thể, sau khi hai bên giàn quân xong, người trọng tài và cũng là người đánh trống chầu sẽ gióng lên những hồi trống thúc giục khí thế quân sĩ hai bên, vừa như cổ vũ, vừa như kích thích vậy. Bắt đầu từ đây, sau mỗi nước đi của hai bên đều có những loạt trống như vậy. Chính vì thế, giữa những nhịp trống đánh thùng thùng chính là những nước đi, thế cờ hay những miếng đánh. Dường như, ở ngoài đời sống hiện thực hằng ngày, nếu ai lừa người khác, đưa người khác vào chỗ nguy khó được coi là một hành động tiểu nhân, đáng lên án nhưng ở những cuộc đánh cờ người, lừa được đối phương lại coi là một nghệ thuật, được nhiều người xem thích thú và cổ vũ. Vì vậy, càng lừa được nhiều lần, thế trận cờ người càng hấp dẫn và đáng xem. Vì thế, nếu bên nào gặp nước cờ khó, thế trận bị đối phương vây khốn chưa thể giải nguy trong chốc lát, tiếng trống sẽ vang lên thúc giục đầy nhiệt huyết. Và trong không ít trường hợp, giữa muôn trùng vây và sự thúc giục ấy lại vô tình là động lực để bên bị vây khốn mở vòng vây, thoát hiểm ngoạn mục bằng những nước cờ bất ngờ, tinh tế đầy sáng tạo của tinh hoa chơi cờ khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ.

Thắng thua trong những tiếng cười

Có thể nói, mặc dù là một môn thể thao đấu trí và có sự thắng thua nhưng trong môn nghệ thuật cờ người, cuộc chơi thường đem lại những tiếng cười sảng khoái, những niềm vui hòa lẫn trong không khí háo hức của lễ hội mùa xuân chứ không phải là nặng nề như nhiều cuộc chơi khác. Vậy nhưng, tính hấp dẫn trong từng nước cờ, từng thế võ của lễ hội này lại vô cùng quan trọng. Hơn nữa, cờ người không phải là cuộc chơi của hai người đánh cờ mà còn là màn đọ sức, biểu diễn võ thuật của toàn bộ 32 người còn lại khiến cho cuộc chơi đã thực sự trở thành một lễ hội vô cùng sôi động.

Thực tế, mặc dù là loại hình lễ hội khá phổ biến ở các vùng miền nước ta vào dịp đầu xuân năm mới nhưng không ai biết cờ người xuất phát từ khi nào, do ai khởi xướng. Chỉ biết, qua những mùa xuân, qua những tháng năm mà nó cứ ngày một thêm sâu sắc, dần dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu cho mọi người trong dịp năm mới. Ở nhiều nơi, để chọn được cả quân và tướng cho một lễ hội cờ người, người ta phải mất cả mấy tháng trời, rồi còn tập luyện võ thuật theo đúng kiểu, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng vậy. Tại những cuộc chơi như vậy, cờ người thực sự mang đậm nét văn hóa, tinh hoa của người Việt Nam, là sự kết hợp hài hòa nhất giữa trí tuệ và sức lực, giữa đầu óc của người chỉ huy và võ thuật của người thực hiện. Đấy chính là nét độc đáo làm lên sức sống bền bỉ và mãnh liệt của cờ người, nhất là trong những dịp đầu xuân năm mới.

Hiện nay, sau khi chính thức được coi là một lễ hội văn hóa của dân tộc, cờ người còn được tổ chức ở nhiều địa điểm công cộng những dịp đầu năm mới để cho tất cả mọi người đều được thưởng thức, qua đó góp phần làm giàu thêm những nét độc đáo của bộ môn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân vui hội cờ người