Muốn bảo vệ rừng cần tạo việc làm cho dân

Xuân Thao-Lê Hoàn| 01/03/2013 10:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Biết khai thác gỗ là trái phép, nhưng những người dân nơi đây vẫn ngày ngày vào rừng đốn gỗ vì họ không biết làm thêm việc gì để kiếm tiền.

Trong những năm qua trên địa bàn huyện Quỳ Châu-Nghệ An, vấn đề khai thác Lâm sản phụ và khai thác gỗ trái phép vẫn thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, phần lớn những người vi phạm đều là những người nông dân nghèo vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và đang sống trong đói nghèo.

Anh Lô Văn Mùi ở bản Na Lạnh xã Diên Lãm là một trong số đó, đã nhiều lần anh bị lực lượng kiểm lâm tịch thu tang vật và phạt hành chính về hành vi khai thác gỗ trái phép. Thế nhưng, là một người nông dân, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp gia đình anh Mùi chỉ có 2 mảnh ruộng và không có đất rừng. Mỗi năm chỉ thu hoạch chỉ được gần 2 tạ thóc, cuộc sống của vợ chồng anh và 3 con nhỏ luôn đói nghèo, thiếu thốn. Vì vậy, biết phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng sau mỗi vụ nông nhàn, anh và một số người dân trong bản vẫn rủ nhau mang cưa xăng vào rừng khai thác gỗ, hoặc đốt than. Trung bình mỗi đợt đi rừng có thời gian 15 đến 20 ngày và khai thác được 1 đến 2 khối gỗ. Số gỗ khai thác được anh bán cho những người chuyên buôn bán gỗ lậu và một số người trong bản cần gỗ để làm nhà. Vất vả và nguy hiểm là vậy, nhưng mỗi năm anh cũng chỉ kiếm được ít tiền, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.

Chúng tôi có mặt tại Trạm kiểm soát lâm sản ở Diên Lãm thuộc khu bảo tồn thiên Pù Huống, nơi đây đang thu giữ khoảng trên 20m3 gỗ.  Trung bình mỗi năm trạm này tịch thu được trên 40 m3 gỗ trên địa bàn các xã Châu Hoàn, Diên Lãm…Số gỗ thu được chủ yếu là gỗ từ nhóm 7 đến nhóm 8. Trong quá trình truy quét, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ được nhiều tang vật như xe máy, cưa xăng do các đối tượng khai thác gỗ trái phép để lại. Các đối tượng này chủ yếu là người dân của địa phương, có hoàn cảnh khó khăn tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng khai thác gỗ để làm nhà, hoặc bán đổi mưu sinh hàng ngày.  

Bên cạnh khai thác gỗ, thì vấn đề khai thác than củi cũng đang góp phần thu nhỏ diện tích rừng của huyện Quỳ Châu. Vào dịp nông nhàn, người dân lại đổ xô vào rừng chặt cây, đào hầm để đốt than. Sáng sớm người dân quang gánh lên rừng, chiều gánh than về và có người đến tận nhà thu mua với giá từ 40.000 – 50.000 đồng/bao. Chỉ vì mưu sinh mà người dân nghèo ở huyện Quỳ Châu đã vào rừng chặt cây để đốt than bán quanh năm, kéo theo những cánh rừng non cũng bị chặt phá. Việc khai thác gỗ rừng một cách bừa bãi ngày càng mạnh mẽ làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.

Muốn bảo vệ rừng cần tạo việc làm cho dân

Tang vật thu được của những người phá rừng

Trước thực trạng phá rừng ngày càng tăng, năm 2013 huyện Quỳ Châu tiếp tục mở 30 lớp học nghề cho 300 lao động nông thôn. Trong đó có 3 lớp học may công nghiệp, 3 lớp lâm nghiệp, 2 lớp trồng nấm, 1 lớp gò hàn và 1 lớp sữa chữa máy nông nghiệp. Đối với các học viên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình bị thu hồi đất, mỗi ngày được hỗ trợ 15 ngàn đồng, riêng học viên thuộc vùng 135 sẽ được hỗ trợ 30 ngàn đồng/ ngày.  Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất mùa vụ và có các chính sách ưu tiên, ưu đãi về giống, cây con cho người nông dân nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng cho người dân. Thực hiện giáo dục kết hợp răn đe cưỡng chế, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng. Trong quá trình thực hiện cần phát huy tính dân chủ cơ sở trong các cộng đồng dân cư nơi có rừng nhằm nâng cao hiệu quả phương châm toàn dân tham gia bảo vệ rừng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn bảo vệ rừng cần tạo việc làm cho dân