Mức tăng lương tối thiểu: Thương lượng, hợp tác đôi bên cùng có lợi

Đỗ Huyền| 30/08/2015 10:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dư âm cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng 2016, lần thứ 2 đã không đạt được sự đồng thuận về mức tăng giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vẫn đang là mối quan tâm của dư luận.

Tăng bao nhiêu là hợp lý là câu hỏi được đặt ra một cách bức thiết.

Cuộc sống người lao động hết sức khó khăn

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp bàn lần thứ 2 để chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 16,8% so với năm 2015.

Theo khảo sát của TLĐLĐVN, khoảng 92% NLĐ có mức lương 2,5-4 triệu đồng/tháng, phải sống tằn tiện, không có tích lũy phòng khi ốm đau. Chỉ 8% NLĐ có mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Nhiều DN đang trả lương NLĐ 4,4 - 4,9 triệu đồng/tháng nên mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN chấp nhận được.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết: “Đề xuất của TLĐLĐVN đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Có 4 yếu tố mà TLĐ đưa ra là: Chúng ta phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động, điều này phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên chúng ta áp dụng ngay DN sẽ khó khăn nên TLĐ đồng ý cần theo lộ trình nhưng lộ trình đó không phải là lâu dài mà phải có thời điểm nhất định”.

Trước đây Bộ LĐ-TB-XH đã thống nhất với TLĐLĐVN, lộ trình đó sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. Như vậy, 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo từ 25-26%, mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy tăng năm nay khoảng 17%.

Mức tăng lương tối thiểu: Thương lượng, hợp tác đôi bên cùng có lợi

Cuộc sống của người lao động hiện còn khó khăn 

Bản chất ở đây khi lương tối thiểu tăng, DN chỉ lấy mức này đóng BHXH cho NLĐ, khi chúng ta tăng lương tối thiểu tức là tăng 22% tiền đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, tiền tăng đó không nhiều và còn thấp hơn. Nếu chúng ta không thực hiện thì đến ngày 1/1/2018 theo Điều 89 Luật BHXH, tiền lương cũng phải bằng tiền thu nhập: tiền lương, phụ cấp và các khoản khác. Do đó, chúng ta “phải điều chỉnh từng bước để tiếp cận đến 1/1/2018 khi chúng ta thực hiện tiền lương gần như thu nhập thì DN đỡ “sốc”. Giờ chúng ta cứ điều chỉnh “nhỏ giọt” thì đến năm 2018 khoảng cách sẽ rất lớn, tạo sức ép cho DN” - ông Chính nói.

Bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, nếu thống nhất được, lương tối thiểu vùng năm 2016 điều chỉnh tăng ở mức 10-11% là phù hợp.

Khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: “Chúng tôi bảo vệ quan điểm 10%. Bởi lợi ích của NLĐ, lợi ích chủ DN phải đặt dưới lợi ích quốc gia. Chúng ta phải tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đất nước phải có 1 đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh đảm bảo phát triển bền vững, mới đảm bảo việc tăng lương tối thiểu”.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI  chia sẻ: TLĐLĐVN đề xuất mức tăng là 16% còn phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại cho rằng, mức tăng chỉ khoảng 6 - 7% mới là hợp lý.

Nếu như các đề xuất của bên đại diện cho người lao động được dựa trên cơ sở mức sống tối thiểu, thể hiện những mong muốn về một cuộc sống tốt hơn cho người công nhân, thì những kiến nghị của bên đại diện cho người sử dụng lao động lại đứng trên góc độ khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI phân tích, rõ ràng là giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa và mỗi bên cần phải có những nhượng bộ nhất định để tiến tới những lợi ích chung mang tính tổng thể. Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số này, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Ông Lộc cho biết, một số tổ chức quốc tế cũng ủng hộ đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam. Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo, Việt Nam tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng tính toán, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực (chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan). Với năng suất lao động của Việt Nam trong thập kỷ qua chỉ tăng khoảng 3%/năm, lạm phát hiện nay dưới 1% và dự báo cả năm 2015 và 2016 ở mức dưới 3%, mức tăng lương tối thiểu vùng 6-7% cho năm 2016 là phù hợp.

Dung hòa từ hai phía

Ngày 20/7/2015, Viện Lao động và Xã hội công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Quý I/2015 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong nền kinh tế đang gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43% tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014. Cả nước hiện có hàng triệu người thất nghiệp và thiếu việc làm. Riêng tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn đã gia tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi tỷ lệ gia tăng thất nghiệp chung.

Đại diện ILO tham gia phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia với tư cách là quan sát viên cho rằng: Năm nay mức độ chênh lệch trong đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu giữa công đoàn và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động đã giảm so với những năm trước, cho thấy rằng hai bên đã ghi nhận quan điểm và lợi ích của phía bên kia.

Người sử dụng lao động, Công đoàn (và Chính phủ) tham gia thương lượng tiền lương tối thiểu để bảo vệ cho những lợi ích khác nhau mà mình đại diện vì vậy khó tránh khỏi bất đồng. Hội đồng Tiền lương quốc gia nên cân nhắc áp dụng cách thức thương lượng hợp tác, hai bên cùng có lợi. Với cách thức thương lượng này, mỗi bên cố gắng tìm hiểu mục đích và nhu cầu thiết yếu của bên kia nhằm tìm ra một giải pháp có thể dung hòa lợi ích của cả hai. Quyết định đưa ra của Hội đồng dựa trên sự đồng thuận của tất cả thành viên thay vì chọn một phương án để bỏ phiếu.

Dự kiến đến ngày 3/9 tới, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục họp về vấn đề này để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 10. Nếu lần thứ 3 vẫn không đạt được sự đồng thuận về mức đề xuất tăng thì Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định mức đề xuất để trình Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức tăng lương tối thiểu: Thương lượng, hợp tác đôi bên cùng có lợi