Một ngày ở Nghĩa trang Đường 9

Nam Hoàng| 20/07/2016 06:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, cứ đến tháng 7 là trên khắp mọi miền đất nước đều diễn ra các hoạt động nhằm tri ân, tưởng nhớ đến những người lính đã hy sinh tính mạng hoặc một phần xương máu của mình cho Tổ quốc.

Khắp các nghĩa trang, khắp các tượng đài liệt sỹ, đâu đâu cũng phảng phất khói hương mà đồng bào, đồng đội, người thân thắp lên để tưởng nhớ đến các anh - những anh hùng đã trận vong vì Tổ quốc.

Nỗi đau dai dẳng thời hậu chiến 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 42 năm, thế nhưng di chứng của nó còn đeo đẳng chúng ta đến tận bây giờ. Ở bất kỳ làng quê nào trên dải đất hình chữ S, người ta đều có thể bắt gặp những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha..., nỗi đau chiến tranh hằn sâu trên từng khuôn mặt. Và, nỗi đau ấy khó có thể nguôi quên. Bởi, đối với những con người đã phải chôn vùi cả tuổi xuân của mình để chờ chồng, nuôi cha mẹ già, con thơ, rồi sau đó lại dành nốt phần đời còn lại để xoa dịu những vết thương chiến tranh, thì những mất mát và hy sinh của họ là khó văn bút nào tả xiết.

Cũng có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà di chứng chiến tranh để lại nhiều như ở Việt Nam. Dù bất cứ nơi đâu, từ phố phường chật hẹp đến làng quê “cò bay thẳng cánh” đều có những nghĩa trang liệt sỹ ken dày mộ chí. Phần lớn trong số những người ngã xuống mới mười tám đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời. Họ bước vào cuộc chiến với tâm thế của những anh hùng, họ biết đặt cái khát khao giành độc lập, tự do lên trên sinh mạng của chính mình. Nhờ thế, đất nước Việt Nam được định hình trên bản đồ thế giới cũng từ tinh thần hy sinh cao cả ấy.

Có những địa danh như Quảng Bình, Quảng Trị…, khi chiến tranh đi qua chỉ còn lại toàn cát trắng, thây người. Có những làng, những ấp bị xóa sổ sau một trận càn. Thậm chí, có những nơi mà người ta chỉ cần khơi một mảnh ruộng, một bờ mương cũng có thể bắt gặp hài cốt của những người chiến sỹ đã vị quốc vong thân. Mộ vùi trong cát. Lớp sau đè lớp trước.

42 năm, quãng thời gian ấy có thể khiến một đứa trẻ thành người trung niên, một người trung niên thành người cao tuổi, thế nhưng, nó chưa đủ dài để xoa dịu những vết thương mà chiến tranh để lại. Chỉ tính riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên cả nước đã có khoảng gần 2 triệu liệt sỹ, trong đó hơn một triệu mộ liệt sỹ đã được quy tập, chôn cất tại gần 3.000 nghĩa trang và còn khoảng 250 ngàn mộ liệt sỹ vô danh, hơn 300 ngàn hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy.

Mong muốn tìm kiếm và đưa số hài cốt của những tử sỹ này trở về là nỗi khắc khoải, là tâm nguyện của biết bao thế hệ người thân, gia đình, đồng đội. Mỗi người lính khi sinh ra đều có quê hương, hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình” đã ăn sâu vào trong tâm thức họ, như hành trang mang theo vào tuyến lửa. Nên khi họ nằm xuống, việc tìm kiếm hài cốt họ để mang về an táng ở nơi “chôn rau cắt rốn” như một nghĩa cử phải làm.

Những câu chuyện nhuốm màu nước mắt

Cứ mỗi dịp 27/7, dòng người đổ về Quảng Trị mỗi ngày một đông. Trên khắp các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ đều ăm ắp hương hoa, đó là tiếng lòng mà đồng bào, đồng đội, người thân tưởng nhớ đến các anh hùng đã trận vong vì tổ quốc. Và, cũng trong khói hương trầm nghi ngút ấy, có rất nhiều câu chuyện khiến người nghe rưng rưng, xúc động.

Một ngày ở Nghĩa trang Đường 9

Dâng hương ở Nghĩa trang Đường 9

Như câu chuyện của bà cụ Đặng Thị Cháu, 76 tuổi, từ Hà Tĩnh vượt hơn 300km lặn lội vào Quảng Trị thắp hương cho chồng. Chồng bà là liệt sỹ Nguyễn Đình Thực (SN1945) quê ở Sơn Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, thuộc đơn vị C4, D74, hi sinh ngày 5/3/1968 tại Đường 9 - Khe Sanh. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm 30/4 hoặc ngày thương binh liệt sỹ 27/7, bà lại vào Nghĩa trang Đường 9 để thăm ông. Bà kể: “Ở với nhau chưa được bao lâu thì ông nhà bà vào tham gia chiến đấu ở chiến trường miền tây Quảng Trị, rồi hi sinh, để lại cho bà hai đứa con thơ và bố mẹ già. Ngày ấy, biết bao nhiêu là cực nhọc, vất vả phải một mình gồng gánh cho cả gia đình...”.

Với hơn 10.000 mộ được bày trí trên một khuôn viên rộng, thoáng mát và sạch sẽ, phần mộ nào ở Nghĩa trang Đường 9 cũng khói hương nghi ngút. Đang đi, bà Cháu đứng lại rồi bảo “mộ của ông nhà nằm ở đây”. Nói rồi bà lặng lẽ mở túi đồ rồi đặt lên mộ ông một bó hoa, hai gói kẹo cu đơ và chai rượu Can Lộc cùng vài ba cái chén. Bà bảo, những thứ này mua ở đâu cũng có, nhưng bà cất công mua từ nhà mang đi là muốn ông cảm nhận được chút hương vị quê hương. Có như thế, ông cũng cảm thấy được ấm lòng. Chuẩn bị sắp xếp đâu đấy xong, mấy mẹ con bà cùng thắp hương khấn vái...

Mỗi động tác của bà Cháu đều nhẹ nhàng, kính cẩn, hai hàng nước mắt tuôn trào. Bà ngồi bên mộ ông thật lâu, vì lần nay bà vào không ở lại như mọi hôm mà ra luôn trong ngày. Bà nói: “Gia đình chưa muốn đưa hài cốt ông về quê, bà muốn để ông ở lại chung vui cùng đồng đội. Còn sau này bà không đi được nữa, con cháu sẽ đưa ông về bên bà”.

Một trường hợp khác cũng gây xúc động không kém, đó là trường hợp của chú Nguyễn Đức Bình (58 tuổi), ở Thụy Hà, Thái Thụy, Thái Bình. Chú Bình là anh con bác của liệt sĩ Nguyễn Văn Giang (SN 1954), hi sinh tại chiến trường Quảng Trị vào ngày 15 tháng 8 năm 1972. Liệt sĩ Nguyễn Văn Giang là con thứ ba trong gia đình có năm anh, chị em. Đang học bậc trung học nhưng theo tiếng gọi của quê hương, anh vào tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, lúc đó anh mới 17 tuổi. Sáu tháng sau, mẹ anh khóc cạn nước mắt khi nhận được giấy báo tử của con trai.

Thực hiện nguyên vọng của người mẹ đã quá cố, mới đây, cả gia đình chú Bình xuất phát từ Thái Bình vào Quảng Trị để bốc hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Giang. Chặng đường quá xa, xe chạy không ngừng nghỉ nên nhìn ai cũng mệt mỏi. Rồi họ đứng trước phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Giang thắp hương, khấn vái rồi làm lễ bốc mộ. Ai cũng rưng rưng nước mắt.

Chị Nguyễn Thị Nhị, em ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Giang tâm sự: “Tôi lập gia đình ở Vũng Tàu, hiện tại là giáo viên đã nghỉ hưu. Nhà có năm anh em, nhưng hi sinh mất hai người. Em Giang đã tìm được mộ, còn anh Nguyễn Văn Nhuận, hi sinh tại mặt trận phía Nam, gia đình tôi đã đi nhiều nghĩa trang, đăng tin nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được. Lần này vào đây, gia đình cũng muốn đón anh về nghĩa trang liệt sĩ của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vừa là thực hiện nguyện vọng của bố mẹ tôi lúc còn sống, vừa muốn đưa anh về an táng tại quê nhà, nơi anh đã từng sinh ra và lớn lên. Cũng may, nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người dân ở đây, chứ nếu không gia đình tôi cũng chẳng biết làm thế nào”.

Chung tay xoa dịu những nỗi đau

Không chỉ có thân nhân các gia đình liệt sỹ, trong đoàn người đổ về Quảng Trị mỗi tháng 7 hàng năm còn có rất nhiều các cựu chiến binh. Họ về thăm lại chiến trường xưa, thăm mộ phần đồng đội. Trước đài tưởng niệm của Nghĩa trang Đường 9, chốc chốc lại có một đoàn cựu chiến binh của các tỉnh thành trong cả nước đến  dâng hương và đặt vòng hoa.

Bác Phùng Văn Toản (SN 1958, cựu chiến binh thuộc Binh đoàn 12), cho biết: “Đoàn các bác đang trên đường vào Huế tham quan, nhưng qua đây thắp cho đồng đội một nén hương. Kể từ khi xuất ngũ, đây là lần thứ hai bác vào viếng thăm Quảng Trị. Lần nào cũng được Nhà khách 27/7 đón tiếp, phục vụ ân cần. Được như thế, những người như các bác cũng thấy ấm lòng. Sau này, bác sẽ còn quay lại đây, nếu điều kiện sức khỏe cho phép”.

Một ngày ở Nghĩa trang Đường 9

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội

Có vô vàn câu chuyện cảm động được lưu giữ trong lòng mỗi thân nhân liệt sĩ, mà mỗi câu chuyện là cả tấm lòng của người còn sống gửi đến các liệt sĩ đã hy sinh. Bởi, nói như bác Toản thì “Việc tri ân đối với những người, những gia đình có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta, những con người đang được sống trong một đất nước hòa bình nhờ công sức, xương máu cha ông đổ xuống, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi, chỉ có sự chung tay của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong công tác đền ơn đáp nghĩa thì vết thương chiến tranh mới mau chóng được xoa dịu…”.

Chính vì thế mà từ nhiều năm nay, bên cạnh những chính sách của Đảng và Nhà nước, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người, những gia đình có công với cách mạng. Nó thể hiện qua những hoạt động cụ thể, thiết thực như: chăm sóc, giúp đỡ các gia đình liệt sỹ, thương binh, thanh niên xung phong neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều hơn những tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc phụng dưỡng thương bệnh binh, gia đình thương binh, liệt sỹ; tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ; chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam; tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho thương, bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng; tổ chức các hoạt động về nguồn... Những việc làm ấy, nó không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, mà còn đề cao truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một ngày ở Nghĩa trang Đường 9