Mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư

Đỗ Việt| 18/06/2019 18:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ lâu nay, giữa nhà báo và luật sư luôn có một mối lương duyên đặc biệt. Đó là sự tương tác qua lại, sự chia sẻ quan điểm về các vấn đề xã hội một cách có trách nhiệm để biến những bài báo trở nên hữu ích đối với công chúng.

Từ giai đoạn sơ kỳ

Nhà báo, phóng viên là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất tin bài, phán ánh mọi mặt của đời sống xã hội bằng những sản phẩm báo chí. Còn luật sư là những người hành nghề pháp lý, trong đó có mục đích hỗ trợ, đem lại các giải pháp giúp cho những người không có điều kiện và thời gian tự mình nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật. Vậy mối lương duyên đặc biệt giữa nhà báo và luật sư bắt đầu từ đâu và gắn bó với nhau như thế nào? Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6-2019), phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư

Luật sư Trương Anh Tú 

Luật sư Trương Anh Tú là một trong những luật sư được đồng nghiệp, giới báo chí đánh giá là người có tư duy khai phóng với những lập luật sắc bén, mới mẻ. Là người đặc biệt thích quan sát và nhạy cảm với các hoạt đông báo chí, luật sư Tú cho rằng, mối lương duyên đặc biệt giữa nhà báo và luật sư có bề dày tới gần 30 năm và tới nay đã trải qua 3 giai đoạn phát triển.

Cụ thể, sau Pháp lệnh tổ chức luật sư ngày 18/12/1987 của Hội đồng Nhà nước, các luật sư hoạt động chưa nhiều, bởi vậy các vụ án có sự tham ra của luật sư cũng rất khiêm tốn.

Giai đoạn 1, bắt đầu từ năm 1990 đến nửa đầu những năm 2000, một số vụ án lớn có sự tham gia bảo vệ của luật sư như vụ án Năm Cam và đồng bọn; Vụ án Cầu Chương Dương… Lúc này, một số nhà báo mới bắt đầu hỏi các luật sư về quan điểm của người luật sư về những vụ án đó.

“Đây là mối lương duyên ở giai đoạn sơ kỳ, nên sự hợp tác giữa đôi bên còn lỏng lẻo, giản đơn và không thường xuyên”, luật sư Tú nhận định.

Còn về giai đoạn 2, luật sư Tú cho rằng được tiếp nối từ khoảng năm 2007 – 2008 tới năm 2013, 2014, thời điểm mà nền kinh tế chính trị thế giới tác động sâu rộng đến Việt Nam thông qua quá trình mở cửa, hội nhập. Đây là tiền đề thúc đẩy người dân tìm đến với luật sư nhiều hơn. Nghề luật sư bắt đầu nở rộ sau cơn “ngái ngủ” ở giai đoạn 1.

Giai đoạn này là sự chuyển mình, đánh dấu mối lương duyên khăng khít giữa luật sư và nhà báo. Đó là sự qua lại, tương tác, chia sẻ quan điểm sống, các vấn đề xã hội một cách có trách nhiệm để biến những bài báo có nhiều góc nhìn và hữu ích hơn đến với đông đảo người dân.

Mối lương duyên đặc biệt

Gần 20 năm gắn bó với nghề, luật sư Tú tâm sự, nghề luật sư là một nghề khó, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Người luật sư có nhiệm vụ đồng hành với thân chủ trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý. Để trở thành một người luật sư thực sự có bản lĩnh thì ngoài kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội sâu sắc, thì còn cần phải am hiểu tường tận về văn hóa, về lịch sử chứ không chỉ đơn thuần là hiểu biết gói gọn trong những văn bản luật khô cứng.

Nhớ về mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo, nhấp một ngụm trà luật sư Tú chia sẻ, có những ngày điện thoại của anh phải hoạt động liên tục để “trả lời từ xa” các vấn đề xã hội, pháp luật, các vụ án mà nhà báo quan tâm. Thậm chí, có những thời điểm không có ngày nào tên của luật sư Trương Anh Tú không xuất hiện trên mặt báo.

Thông qua quan điểm của luật sư, nhà báo có thêm những nhìn nhận đánh giá sâu sắc hơn về các vụ việc. Thực tế có nhiều nhà báo sau khi tiếp xúc với luật sư, họ cũng đã đam mê và yêu thích nghề luật. Có nhiều nhà báo sau quá trình tiếp xúc, đồng hành cùng luật sư đã đầu tư thời gian, công sức để theo học một văn bằng mới về luật.

Bên cạnh mối lương duyên đặc biệt, nhà báo còn là cầu nối giúp tiếng nói của luật sư đến gần hơn với cơ quan Nhà nước. Nhiều vụ mà luật sư đang giải quyết có vướng mắc, có vấn đề xã hội khi báo chí phản ánh lên công luận khiến cho sự việc được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, đối với những vụ án có dấu hiệu oan sai, nếu như không có sự đồng hành của nhà báo, thì luật sư cũng rơi vào cảnh bế tắc bởi “muốn nói nhưng nói cho ai nghe”.

Theo luật sư Tú, phát huy thành công của giai đoạn 2 kể trên, ngày nay mối lương duyên giữa luật sư và nhà báo phát triển đến giai đoạn 3, giai đoạn “trăm hoa đua nở”. Rất nhiều bài báo đều có sự hiện diện của luật sư, luật sư nào cũng có thể được lên báo. “Thời điểm tôi mới mở văn phòng luật sư, người luật sư phải giỏi, có tên tuổi mới được tín nhiệm phát biểu quan điểm trên báo, thì ngày nay qua một cuộc điện thoại, tin nhắn luật sư trả lời là có thể lên báo”. Đó là mối lương duyên tốt đẹp, thể hiện tiếng nói của luật sư và nhà báo gắn bó với nhau trong cuộc sống đời thường và trong cả sứ mệnh để có những bài báo có tâm và có tầm, đem lại nhiều lợi ích cho người dân hơn”, Luật sư Tú chia sẻ. 

Nhà báo và luật sư có vai trò rất tích cực trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và thực tế đã kiểm chứng điều đó. Để hoạt động giữa nhà báo và luật sư ngày càng phát triển, cần có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá và rèn luyện bản lĩnh vững vàng để hoạt động nghề nghiệp của luật sư và nhà báo thật sự hiệu quả và uy tín, đem lại những giá trị lớn cho xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối lương duyên giữa nhà báo và luật sư