Mở rộng đối tượng tham gia: Điểm mới, đột phá trong Luật Bảo hiểm xã hội

Hương Lan| 27/03/2015 06:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc hội thảo về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội,

Tại cuộc hội thảo về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐTBXH và BHXH phối hợp tổ chức vừa qua, những vướng mắc trong vấn đề mở rộng đối tượng đóng BHXH đã được các đại biểu chia sẻ.

Luật BHXH vừa được Quốc hội kỳ họp thứ 8, khóa XIII thông qua vào cuối năm 2014 và hiện đang trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ được xem là điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi), mà còn là mong muốn của người tham gia loại hình bảo hiểm này. Bởi, quyền lợi của người lao động ngày càng được nâng cao nhờ các chế tài quy định trong luật mới.

Điểm mới, có nhiều đột phá trong Luật BHXH (sửa đổi) là quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ, hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại diện Bộ LĐTBXH cho rằng, việc đưa nhóm lao động này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết, nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng làm việc. Đây cũng là điểm mới khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng hiện đại hóa hệ thống quản lý để có thể theo dõi, kiểm soát, có thể giám sát được nhóm đối tượng này, giúp giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc thực thi luật lần này có nhiều mục tiêu mới cần tập trung trong đó có việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm rộng hơn, như đến năm 2020 tăng đối tượng đóng BHYT lên 71% và BHXH lên 80%. “Hiện mới chỉ có hơn 11 triệu người được đóng BHXH trong tổng số 50 triệu lao động, mục tiêu là năm 2020 có 29 triệu lao động tham gia vào an sinh thông qua BHXH. Luật cũng hướng đến việc mở rộng đối tượng phi chính thức, tạm giao lại cho Chính phủ quyết định mức và đối tượng hỗ trợ” - bà Mai nhấn mạnh.

Mở rộng đối tượng tham gia: Điểm mới, đột phá trong Luật Bảo hiểm xã hội

Luật BHXH 2014 có nhiều quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động

 

Luật BHXH được triển khai từ năm 2006, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 100 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong số này, phần lớn là những lao động đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng còn thiếu thời gian nghỉ nên mới tự nguyện đóng để có đủ năm đóng. Mặc dù vậy, nói về tính khả thi của quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng, đây là một thách thức lớn. Để mở rộng đối tượng tham gia loại hình này, trước hết cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp cần cung cấp thông tin rõ ràng để người dân có thể biết mức đóng, mức hưởng lợi, thậm chí là việc sử dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội được sử dụng vào việc gì, mức sinh lời ra sao... Thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ giúp nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước và yên tâm tham gia.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho rằng, việc mở rộng đối tượng bảo hiểm tự nguyện là rất khó khăn. Theo ông Huân, phải có sự thay đổi lớn trong cách làm thì người dân mới tham gia bởi nhiều năm qua, tỉ lệ tăng đối tượng này trong quy mô đóng bảo hiểm là rất thấp.

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2016, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng tới tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Từ ngày 1/1/2018, Luật tiếp tục mở rộng tới những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2016 là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc (bỏ quy định giới hạn về trần tuổi khi tham gia BHXH tự nguyện). Cùng với đó, Luật quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng góp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu được đặt ra là, tới năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH nhằm đảm bảo sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối quỹ BHXH.

 Ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận thực tế, trong số 11,6 triệu người đóng BHXH hiện nay, thì có tới 11,4 triệu thuộc diện bắt buộc. Quy định từ ngày 1/1/2018 áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH (là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật) là nhằm tăng mức đóng BHXH tiệm cận với thu nhập của người lao động. Song trong bối cảnh Việt Nam có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa mà mức đóng BHXH tăng sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Mặc dù Luật BHXH có quy định xem xét đưa doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH phải xử lý hình sự, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn liệu có thể xử lý triệt để tình trạng này. Ông Sinh cũng kiến nghị các nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH nên có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết BHXH trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, bỏ trốn... nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Đỗ Văn Sinh khẳng định đang tích cực tìm mọi kênh thông tin, phương tiện và tối giản thủ tục hành chính để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện, hiện đại hóa quản lý BHXH. Theo đó, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong phạm vi cả nước. Sổ BHXH sẽ được thay thế bằng thẻ BHXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng đối tượng tham gia: Điểm mới, đột phá trong Luật Bảo hiểm xã hội