Lời ru buồn nơi biên viễn (Kỳ 2): Những bi kịch đẫm nước mắt

Đ. Trung - Thanh Phương| 15/10/2014 07:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dựng vợ, gả chồng sớm cho con để mong thoát nghèo, có cái ăn nhưng nếp nghĩ, phong tục lạc hậu ấy càng khiến cái nghèo, cái đói đeo đẳng họ đời này qua đời khác.

Ở vùng đất này, con trai, con gái chỉ 13, 14 tuổi đã yên bề gia thất. Vài năm sau, mấy đứa con nheo nhóc nối nhau chào đời. Nghèo đói lại đông con nên những đứa trẻ sinh non thiếu tháng gầy còm, ốm yếu thiếu sức sống như một gánh nặng quá lớn đè trên đôi vai ông bố, bà mẹ “ăn chưa no, lo chưa tới”. Và rồi, những bi kịch đẫm nước mắt đã xảy ra…

Làm ông, bà ở tuổi “băm”

Con số mà ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mường Lát cung cấp khiến chúng tôi phải giật mình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 51 người mang thai đang ở độ tuổi vị thành niên. Đó chỉ là những trường hợp đến các Trạm Y tế khám chữa bệnh và theo dõi thai nhi, ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp chưa thể thống kê được. Việc sinh con ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của thai nhi, trẻ sinh ra bị còi cọc, dị tật, chậm phát triển về trí tuệ, dẫn đến khó khăn về kinh tế.

Dọc những bản làng chúng tôi qua, những ngôi nhà sàn chênh vênh bên vách núi, chân đồi, không biết có bao nhiêu ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên, ngây ngô, chen nhau bên cửa sổ, ngơ ngác nhìn người lạ tới thăm bản. Chúng có thể là anh em nhưng cũng có thể là dì - cháu, hay chú - cháu dù sàn sàn tuổi nhau. Chợt nhớ tới cô bé tên Tân mà tôi đã gặp, chuyện của em khiến tôi vừa buồn cười, vừa không sao ngăn được nỗi xót xa, thương cảm. Bước về nhà chồng khi mới qua tuổi 13, rồi em cũng nhanh chóng sinh con. Nghe chuyện em kể, lần đầu tiên sinh con, em không biết bế con thế nào, rồi em mất sữa, không có gì cho con bú. Đứa trẻ khát sữa, khóc ngằn ngặt suốt mấy ngày. Em phải mang con về cho mẹ đẻ nuôi bởi đứa em út của Tân cũng chỉ hơn con em vài tháng tuổi. Mẹ em, người phụ nữ còn khá trẻ, mới bước qua tuổi 30, một nách mấy đứa, vừa quần quật làm việc, vừa chăm cả con, cả cháu ngoại.

“Bi kịch lá ngón”

Bỏ học lấy chồng, bắt vợ, sinh con và cả kết hôn cận huyết… tất thảy những cái đó dẫn đến sự nghèo khó, đớn đau, nghiệt ngã. Thân phận phụ nữ Mông ở vùng đất biên viễn này giống như những “con rùa trong xó cửa” được nhà văn Tô Hoài đặc tả qua truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Một đời hy sinh chính mình để canh bếp, chăm chồng, nuôi con, và một khi, chồng nặng lời hoặc phản bội, những người phụ nữa này chỉ còn biết im lặng hoặc tìm cách kết thúc cuộc đời mình bằng lá ngón.

Lời ru buồn nơi biên viễn (Kỳ 2): Những bi kịch đẫm nước mắt

Những bà mẹ còn quá trẻ không biết tương lai sẽ ra sao

Đêm ập xuống nhanh, bên bếp lửa, rít một hơi thuốc lào, già làng Thào Văn Dính ở Pa Đén, Pù Nhi kể rằng: Ở cái vùng đất Pù Nhi này, đã có nhiều người tìm đến cái chết bằng lá ngón. Đang làm nương, hai vợ chồng cãi nhau, vợ giận quá bỏ chạy vào rừng tìm lá ngón để chết. Có khi cũng chỉ vì một câu nói đùa của người chồng: “Ta không yêu mi nữa đâu”, người vợ cũng tìm đến cái chết… “Đồng bào ở đây nghĩ cạn lắm, họ tìm đến lá ngón như một sự giải thoát mọi đau khổ, mâu thuẫn, tủi nhục, nghèo khó”, ông Dính không nén được nỗi buồn trong lời kể.

Phía bên ô cửa sổ, cô con dâu của già làng Dính thỉnh thoảng kéo chăn đắp lên cho những đứa trẻ rồi nhìn ra bầu trời tối đen như mực ngoài kia. Nhìn hình ảnh của con dâu, già làng Dính thở dài, lo lắng: “Mấy năm trở lại đây, năm nào ở cái bản Pa Đén này cũng có người chết vì lá ngón. Phụ nữ Mông lạ lắm! Đến ta đây cũng không hiểu nổi, mâu thuẫn nhỏ thôi họ cũng tìm đến cái chết rồi”. Ông kể: Ngày trước, Cho là đứa con gái xinh xắn, ngoan ngoãn trong bản nên nhiều trai bản ai cũng mong bắt được Cho về làm vợ, nhưng không ai bắt được Cho.

Đến một ngày, khi chị gái ruột của Cho đi lấy chồng thì Cho cũng đem lòng yêu em trai của anh rể. Theo tục lệ của người Mông thì hai chị em ruột không thể lấy hai anh em ruột nên gia đình, dân bản can ngăn không cho lấy nhau. Người Mông, đặc biệt thiếu nữ Mông rất chung thủy, họ đã chọn ai rồi thì không thể thay đổi nên Hơ Thị Cho đã tìm đến lá ngón để quyên sinh.

Ở cái vùng đất này, năm nào chính quyền địa phương cũng huy động dân bản, thanh niên đi diệt cây lá ngón nhưng vẫn không hết, càng diệt nó càng mọc, kể cả ở trong rừng sâu, hễ ai đó có ý định chết thì họ dễ dàng tìm được lá ngón. Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, Lương Văn Xích cho biết: Ở Pù Nhi có nhiều người chết vì lá ngón nhưng cũng có nhiều người được cứu sống. Nhưng, những câu chuyện mà họ tìm đến cái chết thì rất khó lý giải, bởi những lý do rất đơn giản. Mới đây, Chá Thị Dinh, 17 tuổi ở bản Keo Té thấy dưới gối của mẹ có 50.000 đồng, Dinh liền nhặt lấy xuống chợ mua một đôi dép với ít mỡ lợn đem về nhà. Trưa, mẹ Dinh về thấy mất tiền, lại thấy Dinh đang rán mỡ lợn trong bếp, chân đi đôi dép mới. Biết con gái đã lấy tiền tiêu mất nên mẹ của Dinh càu nhàu: “Nhà không có cái ăn, mày thì không chịu làm, chỉ suốt ngày đi chơi và ăn diện thôi”. Nghe mẹ mắng, Dinh lẳng lặng vào rừng tìm đến lá ngón. Ba ngày sau, người nhà mới phát hiện xác của Dinh trong một chiếc chòi trông nương ở bìa rừng.

Đi dọc đường biên, không ít câu chuyện đau lòng nhưng có những chuyện khiến tôi ám ảnh mãi không thôi. Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lâu Minh Pó là người đồng bào dân tộc Mông, ông lớn lên ở xã Pù Nhi.

Ông Pó cho biết: Kết hôn cận huyết ở Mường Lát vẫn còn cháy âm ỉ, chưa chấm dứt được dù nhiều tổ chức, đoàn thể tuyên truyền những hệ lụy như sinh con bị dị tật, còi cọc, trí tuệ phát triển chậm… Có nhiều trường hợp, anh em ruột đi lấy vợ hoặc chồng, khi sinh con ra thì con của anh lại lấy con của em mà không bị ngăn cấm vì chỉ cần khác họ là lấy được nhau. Cấm thì cấm nhưng họ vẫn lấy, khi cán bộ đến vận động thì “sự đã rồi”…

Rời Mường Lát khi sương sớm như những đụn bông khổng lồ còn phủ kín khắp bản làng biên viễn. Hình ảnh về những thiếu nữ tuổi 14-15 đã bỏ học theo chồng khiến tôi day dứt mãi. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thoát nghèo cho đồng bào vùng sâu vùng xa nhưng những phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy đối với đồng bào ở miền biên viễn này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời ru buồn nơi biên viễn (Kỳ 2): Những bi kịch đẫm nước mắt