Lập “phố đèn đỏ”: Chỉ làm phức tạp thêm những lĩnh vực nhạy cảm

Đ.Việt| 31/03/2018 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có nên coi mại dâm là một nghề? Có nên mở “phố đèn đỏ” hay không là vấn đề đang gây nhiều băn khoăn tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Băn khoăn việc lập “phố đèn đỏ”

Ngày 28/3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm.

Vấn đề được đặt ra tại hội thảo có nên coi mại dâm là một nghề? Có nên mở phố đèn đỏ hay không? Trong đó, có ý kiến đề xuất nên thí điểm hợp pháp hoá hoạt động mại dâm tại các đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong..., bằng cách mở các “phố đèn đỏ”.

Lập “phố đèn đỏ”: Chỉ làm phức tạp thêm những lĩnh vực nhạy cảm

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng hiếm quốc gia nào trên thế giới nghiêm cấm hoặc buông lỏng hoàn toàn hoạt động mại dâm.

“Nếu luật mới coi mại dâm là một nghề, liệu đã xuôi chưa? Tôi cho rằng rất khó, vì ít quan điểm ủng hộ điều này. Coi mại dâm là một nghề, đồng nghĩa phải đưa ra các điều kiện lao động, quy định nơi làm việc, quản lý việc giới thiệu, quảng cáo...”, ông Đàm nêu quan điểm.

Nói về việc coi mại dâm là một nghề, TS Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp khẳng định ở góc độ chuyên gia, ông ủng hộ coi mại dâm là một ngành nghề. “Điều này có nhiều lợi hơn là hại. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện lộ trình này, song chẳng qua chưa quen vì mại dâm trái với thuần phong mỹ tục”, ông Đạt nói.

Theo ông Đạt, khi đặt ra các điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề, tình trạng hoạt động mại dâm sẽ không bùng phát trên diện rộng. Quản lý chặt chẽ giúp giảm những hậu quả tiêu cực tới xã hội.

Trong khi đó, theo ông Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, nước láng giềng Thái Lan không cho phép mại dâm, nhưng họ có quan điểm “hài hòa lợi ích” và từ đó quản lý tốt hơn, tiếp cận được những người hành nghề để hỗ trợ họ khám sức khỏe, can thiệp giảm nguy cơ.  Trong đó có mô hình 100% bao cao su rất hiệu quả trong phòng chống HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Đó là điểm thay đổi so với khi Thái Lan quản lý theo kiểu cấm đoán, cảnh sát lùng sục bắt người mua - bán dâm, rất khó tiếp cận họ để kiểm soát tác hại.

Chỉ làm phức tạp thêm những lĩnh vực nhạy cảm

Trao đổi với phóng viên về việc lập “phố đèn đỏ” ở đặc khu kinh tế,  luật sư Trương Anh Tú Chủ tịch TAT Lawfirm (Đoàn LSTP Hà Nội ) cho rằng, nếu mại dâm được hợp pháp hóa chỉ làm phức tạp thêm lĩnh vực nhạy cảm này.

Theo luật sư Tú, để hợp thức hóa mại dâm thì việc sửa các điều luật hay bỏ các điều luật trong BLHS về các tội danh liên quan đến mại dâm không khó. Tuy nhiên, các số liệu thống kê và các kết quả nghiên cứu tiến hành bởi Liên hợp quốc cũng cho thấy hợp pháp hóa mại dâm, không những không quản lý tốt hơn mà chỉ làm hoạt động này càng trở nên phức tạp. Đầu tiên sẽ gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, thúc đẩy buôn bán nô lệ tình dục.

 “Hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó lan tràn thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít, trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc... lại rất lớn” – luật sư Tú nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Tú, việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” làm cho quản lý càng rắc rối hơn vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả. “Nếu hợp pháp hóa mại dâm, sẽ không khiến việc quản lý được tốt hơn, mà chỉ làm phức tạp thêm những “vấn nạn” của hoạt động mại dâm” – luật sư Tú nêu quan điểm.

Luật sư Tú lo ngại, hợp pháp hóa mại dâm, cũng làm gia tăng tệ nạn buôn bán phụ nữ trẻ em. Cũng cần lưu ý đến khả năng một bé gái bị bắt cóc, bị đánh đập và bắt tiếp khách. Sau đó, các đối tượng tội phạm khống chế bé gái này, bắt viết đơn gia nhập đường dây “hành nghề” của chúng. Đến khi gia đình đi tìm, phát hiện cháu bé đang trong “nhà thổ”, thì các đối tượng “quản lý” đưa ra giấy cam kết tự nguyện gia nhập đường dây “hành nghề” mà cháu bé (bị ép buộc) viết. Lúc này pháp luật cũng sẽ… bó tay. Thế nên, đừng nghĩ rằng hợp pháp hóa mại dâm lại có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ.

Thế nên, vấn đề “hợp pháp hóa mại dâm” nếu chỉ đặt mình ở vị trí của người mua dâm, thì có nghĩa rằng bản chất sự “ủng hộ” đó là ích kỷ - vì nhu cầu bản thân, chứ không vì lợi ích chung và sự phát triển của xã hội.

Mại dâm là vấn đền nhức nhối

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, cho biết mại dâm là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội và cuộc sống của người dân. Việt Nam chủ trương không xây dựng phố đèn đỏ, dần loại bỏ hình thức buôn bán mại dâm bất hợp pháp, bóc lột tình dục và huy động mọi tầng lớp, cộng đồng để giảm hại, giúp người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo từ các tỉnh thành phố, hiện có khoảng 11.000 đến 19.000 gái mại dâm hiện nằm trong diện quản lý của Nhà nước.

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đầu năm 2017 cho thấy, số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ xã hội, y tế…là hơn 3.000 người.

Năm 2017, các cơ quan chức năng của địa phương phát hiện, bắt giữ 1.177 vụ với 3.053 người, trong đó 1.316 người bán dâm, 1 người bán dâm dưới 18 tuổi, 976 người mua dâm, 760 chủ chứa, môi giới và các đối tượng liên quan khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập “phố đèn đỏ”: Chỉ làm phức tạp thêm những lĩnh vực nhạy cảm