Lạnh lẽo ở làng Thanh niên

Thanh Phương| 12/11/2018 13:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cái tên "Thanh niên nghe tràn đầy sức sống, nhiệt huyết tuổi trẻ, vậy mà hơn 10 năm kể từ khi ra đời, cái làng ấy (thuộc xã Xuân Hòa, Như Xuân, Thanh Hóa) cứ rơi rụng, hoang tàn dần. Bước sâu vào làng chỉ thấy nhiều nhà cửa đóng then cài, sập xệ...

Dự án “Làng Thanh niên lập nghiệp sông Chàng” nằm trong 18 dự án Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai thực hiện từ năm 2007 đến 2013.

Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng với diện tích trên 600ha nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Xuân Hòa được đầu tư với số vốn hơn 32 tỷ đồng do Tỉnh đoàn Thanh Hóa phụ trách và quản lý.

Lạnh lẽo ở làng Thanh niên

Nhiều nhà bỏ hoang tại làng Thanh niên

Gần 150 hộ dân tại đây thuộc diện vùng 30A (chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo của Chính phủ), vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (vùng 135) thế nhưng, nhiều năm qua người dân vẫn không được hưởng các chế độ chính sách hỗ trợ, trẻ em dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT, đất ở nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Lạnh lẽo ở làng Thanh niên

Thiếu nước sinh hoạt khiến người dân bỏ làng mà đi

Theo anh Lê Đình Thành, trước thuộc cụm dân cư số 2 (nay là làng Thanh niên) cho hay: "Tôi là người gốc ở Hoằng Hóa, được sự vận động nên gia đình lên làng Thanh niên lập nghiệp xây dựng kinh tế từ những ngày đầu. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn đủ bề, con cái sinh ra nhưng không được làm thẻ BHYT, nhiều lần mang cháu xuống trạm y tế uống vitamin A cũng không được vì không có trong danh sách. Cái khó nhất vẫn là cấp sổ đỏ cho các hộ an tâm canh tác, sinh sống, có cái vay vốn ngân hàng. Không chỉ vấn đề thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi mà nhiều hộ dân ở đây thuộc diện gia đình dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn, cũng không được làm thẻ BHYT hay bất cứ chính sách nào đối với người dân tộc, vùng kinh tế khó khăn hỗ trợ theo chương trình 30A".

Hiện người dân vẫn chưa có bất kỳ chế độ an sinh xã hội nào, chỉ có một số cán bộ về hưu trước đây của lâm trường thì được hưởng một số chế độ. Muốn mua thẻ BHYT cũng không được nên phải đứng tên vào nhà người dân ở thôn trên mới mua được. Ngoài ra, người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt, nhiều nhà không có nước phải mua nước bình về để nấu cũng như đi tắm, giặt hoặc nhờ ở những nhà khác; việc xin giấy tờ cũng gặp khó khăn. Ngay cả khi đã nhắm mắt xuôi tay, hết nợ trần gian người dân cũng không có nghĩa trang để chôn cất.

Ghi nhận ở cụm dân cư số 3 có 34 hộ dân chủ yếu là công nhân lâm trường Sông Chàng cũ trước đây tuổi đã cao, có người hơn 80 tuổi, có người bị bệnh có thể chết bất cứ khi nào nhưng đến nay vẫn chưa được quy hoạch nghĩa trang.

Lạnh lẽo ở làng Thanh niên

Trưởng thôn Thanh Niên Nguyễn Gia Cường chia sẻ với PV

Theo tìm hiểu của PV, làng Thanh niên lập nghiệp Sông Chàng được chia làm 4 cụm dân cư. Mỗi thanh niên lên làng lập nghiệp được 400 m² đất ở và 3,2 ha đất canh tác cùng với hỗ trợ 2-3 gia đình 1 giếng khoan, 1 bể nước để phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng, do đất canh tác cằn cỗi không trồng được lúa và hoa màu nên người dân ở đây chỉ loay hoay trông chờ vào vài ha mía, sắn. Do không có nước phục vụ tưới tiêu nên sau khi trồng xong vụ sắn, mía thì nhiều gia đình lại khóa cửa về quê, đi nơi khác tìm công ăn việc làm cuối năm mới về nhà một lần, hoặc đến mùa thu hoạch mía, sắn họ mới trở về. Hàng chục ngôi nhà không có người ở, khóa cửa ngoài gỉ sét, cây dại mọc um tùm lút cả nhà.

Tại Cụm dân cư số 2, theo nhiều người dân cho biết thì toàn bộ trong cụm có 54 hộ dân nhưng hiện tại chỉ có khoảng 24-25 hộ ở và số hộ ở cố định chỉ 17-18 hộ còn lại khóa cửa để nhà không, thành những ngôi nhà hoang. 10 năm kể từ khi đến làng lập nghiệp, cuộc sống của người dân không thay đổi là mấy, vẫn những căn nhà nhỏ được xây dựng với diện tích khoảng 30m² được lợp bằng brô xi măng và vài ngôi nhà lợp bằng ngói từ lúc lên làng đến bây giờ.

Lạnh lẽo ở làng Thanh niên

Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn (bên trái) trao đổi với PV

Trưởng thôn Thanh Niên Nguyễn Gia Cường chia sẻ: "Toàn thôn có 122 hộ, nhân khẩu tăng từ 320 lên 379 người. Hầu hết các dự án tại đây đều nửa vời, không sát thực tế. Cụ thể như việc cấp đất ở 400m2, đất canh tác hơn 3 ha đều chỉ giao trên danh sách thống kê chứ không cấp sổ cho tận hộ. Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, 2 đứa con mà  tính thực tế chưa có một tấc đất nào cắm dùi. Mọi thứ cứ như đang ở thuê, rất khó cho dân an cư, vay vốn phát triển kinh tế lâu dài. Việc làm giếng nước 2 hộ/giếng trên 60 cái chỉ có 20 giếng có nước nên nhiều bể chứa (khoảng 10m3) không phát huy hiệu quả. Các dự án đưa bò, bê cho dân Sông Chàng để có kế sinh nhai thì tập trung hết ở Tổng đội chứ không chia cho dân. Nuôi một thời gian thì đem bán, làm thịt hết, không biết tiền đó đi đâu… Qúa nhiều bất cập nên các hộ dân đều bị mòn ý chí quyết tâm bám trụ nơi này, họ chuyển đi miền Nam hay ra Bắc làm công nhân".

Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Đình Tuấn cho biết: "Ngày 5/9/2017 Chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Xứng ký quyết định 3309/QĐ-UBND về việc thành lập thôn Thanh Niên thuộc xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân trên cơ sở cụm dân cư Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng. Thôn Thanh Niên có diện tích 600ha, 124 hộ, 320 nhân khẩu. Kể từ ngày có quyết định, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị cấp trên sớm đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân để an cư, yên tâm canh tác và có cái thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên vướng mắc vẫn nằm ở tỉnh Đoàn".

Để người dân sớm an cư lạc nghiệp, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ. Trên cơ sở đó quy hoạch, bố trí sắp xếp, xây dựng nhà văn hóa, nghĩa trang, các công trình công cộng hợp lý. Có như vậy những nóc nhà “Thanh niên” mới lại có lửa, tràn đầy niềm tin, hy vọng và sức sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạnh lẽo ở làng Thanh niên