Lạng Sơn tìm cách đối phó hàng giả, hàng nhái gắn mác “Made in Việt Nam”

V.Giang - T.Xuân| 29/06/2019 13:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình hình buôn lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã giảm so với cùng kỳ, nhưng tiềm ẩn những diễn biến phức tạp tại một số khu vực biên giới. Đáng chú ý, thời gian qua trên địa bàn xuất hiện nhiều hàng hóa giả mạo “Made in Việt Nam”.

Trên đây là nhận định của Ban chỉ đạo 389 tinh Lạng Sơn tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vừa tổ chức vào sáng 28/6.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, được nhận định là do cuộc “chiến tranh thương mại” giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhiều hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, nhưng lại gắn mác Việt Nam, được nhập lậu về Việt Nam rồi xuất khẩu sang nước thứ 3.
Thời gian gần đây, các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, đồ điện gia dụng, điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia cầm giống và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm… trong đó có nhiều mặt hàng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả nguồn gốc, xuất xứ

Phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu vẫn là lợi dụng đêm tối, địa hình đường núi hiểm trở dể mang vác nhỏ lẻ hàng hóa theo các đường mòn qua biên giới thuộc một số khu vực như Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Đồi 386, khe Bà Lan, mốc 474, mốc 1098-1099 (thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng); khu vực Rọ Bon, Đồi Cao, Đồi Keo (thuộc địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc)... sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để ghi cho số hàng hóa trên lưu thông trên thị trường, xé lẻ hàng hóa rồi vận chuyển vào sâu trong nội địa…

Lạng Sơn tìm cách đối phó hàng giả, hàng nhái gắn mác “Made in Việt Nam”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng chủ trì hội nghị.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu dọc tuyến quốc lộ 1A, 1B; việc xuất  nhập cảnh trái phép, mang vác hàng lậu, xây dựng các công trình trái phép nhằm tiếp tay cho  hoạt động buôn lậu tại các khu vực biên giới các huyện Văn Lãng, Cao Lộc...

Đồng thời, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tăng cường bám nắm tình hình, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu ngay từ biên giới; trong đó tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn chứng từ, nhất là hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khu vực biên giới.

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý 3.181 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là  trên 61,4 tỷ đồng; trong đó trị giá tang vật tịch thu được hơn 23 tỷ đồng; đã khởi tố 220 vụ, với 290 đối tượng.

Lạng Sơn tìm cách đối phó hàng giả, hàng nhái gắn mác “Made in Việt Nam”

Quang cảnh nội nghị.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Trưởng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu; tăng cường quản lý hàng nhập khẩu tại cửa khẩu, hàng tạm nhập tái xuất; tiếp tục quản lý tốt địa bàn, thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, pháo, gia súc gia cầm, công cụ hỗ trợ...

Đối với khu vực nội địa cần tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý chặt chẽ hóa đơn, chứng từ; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây, đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu; tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh nhãn mác hàng hoá, kiểm tra các mặt hàng xăng dầu, rượu, mỹ phẩm...

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các thành viên BCĐ 389 tỉnh chủ động triển khai thực hiện công tác chống buôn lậu trong lĩnh vực mình quản lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn tìm cách đối phó hàng giả, hàng nhái gắn mác “Made in Việt Nam”