Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn vang mãi ở Giăng Màn

Nam Hoàng| 18/05/2017 08:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xưa kia, người Khùa dưới chân dãy Giăng Màn có một nét văn hóa hết sức riêng biệt đó là đặt tên theo biểu tượng của cây cỏ, núi non. Thế nhưng hiện nay đồng bào ở đây đều có chung một họ Hồ. Điều đó thể hiện sự lòng thành kính đối với Đảng và Bác Hồ.

Nhớ lại quãng ngày tăm tối

Đến bây giờ, những người già của dân tộc Khùa ở Minh Hóa, Quảng Bình vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc của mình. Câu chuyện của họ có gì đó ngậm ngùi, hờn tủi như chính tên gọi của tộc người, như hành trình của tổ tiên họ đến với vùng đất miền Trung Việt Nam.

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn vang mãi ở Giăng Màn

Ông Hồ Trung: "Tôi tự hào vì được mang họ Bác..."

Câu chuyện đó kể rằng: Tổ tiên của người Khùa xuất xứ từ nước Lào. Nhưng từ thế kỷ XIX, giặc Xiêm đưa quân đến xâm chiếm rồi cướp bóc, giết hại dân làng. Để lánh nạn, các tướng lĩnh người Lào đã tổ chức cho một số dân sơ tán qua đất Việt Nam. Khi vượt qua biên giới và đỉnh Trường Sơn rồi xuôi theo dòng sông Gianh, họ về sinh sống ở Đồng Lào, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ở đây được một thời gian thì người Việt cũng đến ở chung. Cuộc sống, phong tục, ngôn ngữ của hai bên bất đồng nên người Lào về thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa định cư.

Lúc đó, Kiên Trinh là một thung lũng hoang vu, có nhiều loại động vật hung dữ sinh sống. Ở đây được khoảng 10 năm, nhóm người này bị hổ tấn công nên họ buộc phải rút lên vùng biên giới xã Dân Hóa. Tới đây, phần lớn người Lào khỏe mạnh trở về quê cha đất mẹ, còn những người già, phụ nữ, hay những người đang nuôi con nhỏ dừng chân lại rồi thành lập những bản làng.

Thời bấy giờ, người Khùa sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt hái lượm, trồng trỉa trên núi cao. Bởi họ vẫn nghĩ dân tộc mình phải mang một lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là mãi sống kiếp lang thang, đời đời cô độc như đại bàng. Không có tổ, sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong hang đá. Những người Khùa ở đây cũng không nằm ngoài quy luật này. Họ sống lầm lũi, cô độc giữa rừng sâu, không mấy liên hệ với cộng đồng xung quanh mình.

Theo quan niệm của người Khùa thì một ngọn núi, phía trên là địa phận của trời, là nơi linh thiêng để vươn tới, còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối... thuộc về ma, thế nên họ không có thói quen sinh sống tại những vùng thấp. Chính vì lẽ ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Khùa vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu, chất lượng cuộc sống thấp càng khiến cho số dân của dân tộc này ngày một ít đi.

Cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người Khùa hiền lành, thương khó này đã cùng "đất nước đứng lên" chống lại kẻ thù xâm lược. Khi giặc Pháp kéo đến, những người Khùa dù còn mang nhiều họ khác nhau nhưng đã đoàn kết, gắn bó keo sơn, cùng nhau đấu tranh chống lại kẻ thù. Rồi đến những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng nước ta phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Khùa phấn khởi, một lòng theo đi theo cách mạng.

Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Khùa đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, dân tộc này đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Từ đó, để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào đã xin được lấy họ Hồ làm họ của mình. Lịch sử ghi nhận rằng, sự có mặt người Khùa trên đất Việt Nam muộn hơn so với nhiều dân tộc khác, song với nền nếp chuẩn mực nên cộng đồng này tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc hòa nhập với các dân tộc bản địa đến trước đó và góp thêm nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ

Ông Hồ Trung, một vị cao niên ở xã Dân Hóa kể rằng, để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng người Khùa, người Pa Kô – Vân Kiều đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Hồ làm họ chung cho tất cả các dân tộc Khùa, Vân Kiều, Pa Kô. Và trong thẻ cử tri của mình, lần đầu tiên đi bầu cử của họ đã mang họ Hồ.

Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn vang mãi ở Giăng Màn

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người Khùa đã từng bước được nâng lên

Năm 1947, hai xã Tân Việt và Thanh Mỹ của người Khùa sinh sống đã sáp nhập lại thành xã Dân Hóa. Sau khi giành được chính quyền, người Khùa đã tự lập nên những hương ước, quy ước; lưu giữ và phát triển nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ khi được mang họ Hồ của Bác, người Khùa càng thêm yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có hàng trăm con em người Khùa lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trong số đó, có ông Hồ Phòm ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa là người đầu tiên của huyện Minh Hóa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với các dân tộc người Khùa, Mày, Sách, Rục… dưới chân dãy núi Giăng Màn này, anh hùng Hồ Phòm không chỉ là niềm tự hào của riêng họ, mà còn là anh hùng với cả “những người đồng tộc” Khùa, Mày bên kia mái núi, tức phía Lào anh em. Những bản làng khác của anh em Mày, Sách, Rục, Trì, Thổ ở cao nguyên Minh Hóa cũng xem Hồ Phòm là người hùng hiện đại đi ra từ truyền thuyết.

Ông Hồ Trung kể: Hồ Phòm vốn là cháu của một chiến binh theo khởi nghĩa Cần Vương. Lớn lên giữa núi rừng thảo dã, được dạy săn bắn để sinh tồn ở rừng mưa nhiệt đới khắc nghiệt, được giáo dục cảnh nước mất thì nhà của tất cả các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này đều mất. Từ đó ông đi theo cách mạng, hoạt động với tư cách là một điệp báo sừng sỏ ở Lào và Việt Nam của miền núi rừng Quảng Bình-Khăm Muộn. Hồ Phòm làm trinh sát đi lại giữa các đồn bốt của địch ở Lào, rành rẽ từng ngọn nguồn con nước, từng góc rừng xứ bản.

Do am tường từng phong tục tập quán, hiểu sâu bản sắc mỗi tộc người ở vùng đất biên giới Quảng Bình nên ông vận động đồng bào cùng tham gia cách mạng, giúp dân giúp nước được vận hành bí mật giữa rừng sâu núi thẳm một cách an toàn. Với đặc tính nhanh như sóc, thông minh như chiến binh Khùa xa xưa, khỏe khoắn như cây lim cây táu, Hồ Phòm nhanh chóng được cấp trên cho đi học quân báo ở nước ngoài rồi tiếp tục về phục vụ tuyến Cha Lo - Ta Lê nắm tình hình đồn bót địch. Nhiều thông tin tình báo của ông đưa về đã góp phần giúp quân ta đánh thắng nhiều trận ở vùng biên giới cũng như giúp bắt giữ hàng loạt biệt kích nhảy dù phá hoại.

Nhờ có nhiều công lao, và thành lập nhiều thành tích, Hồ Phòm được kết nạp Đảng và năm 1969 ông được cử làm đại diện quân tình báo ở Lào ra Hà Nội dự họp với biệt động Sài Gòn, được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1970, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Kể từ ngày hòa bình lập lại, nhớ lời Bác dạy khi xưa là phải “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, người Khùa tiếp tục đoàn kết, gắn bó keo sơn để xây dựng cuộc sống mới, từng bước phát triển kinh tế, góp phần cùng các lựng lượng giữ vững an ninh biên giới. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên nhiều con đường mới được bê tông hóa về tận các bản làng xa xôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những vùng đất trống đồi trọc đã được thay bằng những cánh rừng trồng, nương lúa, ngô, sắn. Trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa thôn bản được xây dựng khắp nơi.

“Giờ người Khùa đã biết xóa bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu như: Cưới nhiều lần, đẻ con ngoài rừng, mẹ chết chôn con theo... Mình là con cháu Bác Hồ mà, phải học Bác, noi theo Bác chứ. Đồng bào ở đây ai cũng được đi học hết. Trẻ em thì đến trường, người lớn hay cả già làng, trưởng bản mà chưa biết chữ cũng được cán bộ biên phòng đến tận nhà để dạy. Ngày càng có nhiều học trò của dân tộc Khùa khôn lớn, thành đạt rồi quay về phục vụ cho quê hương, bản làng này đấy!”, ông Hồ Trung chia sẻ.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dân tộc Khùa nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn nói chung vẫn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, nhiều người con của dân tộc Khùa tiếp tục phấn đấu để xứng danh là con cháu Bác Hồ, từ trong cách mạng cho đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đất nước ngày nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lời Bác dạy còn vang mãi ở Giăng Màn