Kiếp thương hồ

Gia Bảo| 25/03/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nam Bộ là xứ sở của sông ngòi, kênh rạch, ghe xuồng dọc ngang đi lại như mắc cửi. Cư dân sống trải dọc hai bên bờ sông bao đời nay nên đã hình thành nét đặc trưng - chợ nổi.

Chợ nổi Nam Bộ vẫn còn giữ nguyên nét sinh thái đặc trưng, là trung tâm buôn bán của các tỉnh vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Ở đây, lắm người nổi trôi ngang dọc, lênh đênh theo kiếp thương hồ.

Văn hóa miền sông nước

Vốn là nghề có từ thuở ông cha đi mở đất, nên nghề thương hồ ở phương Nam còn mang nét văn hóa riêng, đậm chất Nam Bộ. Đó chính là sự giao thoa văn hóa giữa các vùng trong khu vực. Mỗi ghe hàng đều có xuất xứ từ những vùng đất khác nhau, ấy thế nên khi họ hội tụ lại với nhau trên sông nước sau mỗi buổi chiều tà, người ta thường bắt gặp những bản đờn ca tài tử du dương, trải lòng người trên sông nước…

Vùng đất “Nam kỳ lục tỉnh” xưa kia có hàng trăm con sông lớn nhỏ, với hàng ngàn km chiều dài sông ngòi, kênh rạch nên ngay từ thời xa xưa, để áp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán các loại hàng hóa của người dân sinh sống len lỏi theo các con sông ở vùng sâu, vùng xa, ông cha ta đã nghĩ ra nghiệp buôn bán trên sông, phương tiện chủ yếu thời ấy là xuồng ba lá hay be mười… di chuyển bằng chèo.

Dần về sau khi “xã hội” thương hồ được hình thành, người ta đóng ghe tàu to hơn chạy bằng máy dầu để vận chuyển được nhiều loại hàng hóa. “Gần hết cuộc đời gắn với kiếp thương hồ, nay đây mai đó, tôi cũng không nghe ông bà xưa nói chính xác về mốc thời gian nghề này hình thành. Chỉ biết rằng cái nghề ăn ở trên sông ngót đã có hàng trăm năm…”, ông Đào Văn Vượng, một lão thương hồ ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ tâm sự.

Kiếp thương hồ

Một góc chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ

Cũng theo ông Vượng thì trên khắp các con sông lớn nhỏ ở ĐBSCL, đâu cũng có người hành nghề thương hồ. Họ ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt ngay trên ghe hàng của mình chứ ít ai có nhà riêng cố định ở trên bờ. Như trường hợp gia đình ông Tiến, cả nhà ba người sống trên chiếc ghe có chiều dài khoảng 10m, bề ngang rộng độ chừng hơn 4m. “Người theo nghề này phải có cái đầu tính toán chi ly. Vừa tính chuyện buôn bán làm sao có lời, lại tính chuyện thu hẹp diện tích ăn ở nhằm có nhiều chỗ trống để chứa đựng hàng hóa”.

“Nghề này cũng lắm chuyện vui buồn chú à, có nhiều chuyến chỉ đi chừng vài ngày là bán hết nhưng cũng có nhiều chuyến phải đi hàng tuần mới bán xong hàng”, ông Vượng kể. Đã có hơn 30 năm theo nghiệp thương hồ, với ông Vượng, việc lênh đênh theo con sóng để kiếm từng đồng, từng cắc như vậy không chỉ vì cuộc mưu sinh mà còn là sự yêu nghề, niềm vui trong công việc, như lời ông quả quyết: “Nếu giờ cho tôi lựa chọn giữa giàu sang ở trên bờ và kiếp lênh đênh này, tôi vẫn sẽ chọn nó, bởi tôi sinh ra trên thuyền, lớn nhờ sông. Thuyền và sông là một phần cuộc sống của tôi rồi!”.

Khoảng trống hình dấu lặng

Nằm chen chúc giữa những chiếc ghe bán nông sản dưới cái nắng gắt, giữa tiếng mời gọi các cô gái bán hàng rong ở chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là chiếc thuyền của vợ chồng anh chị Sáu Chinh. Trong khi đứng lái mũi, anh Sáu lui cui nhóm bếp chuẩn bị bữa trưa trong góc chiếc thuyền nhỏ thó. Quanh chỗ anh ngồi chất đầy chuối. Giữa tiếng phành phạch của chiếc máy đuôi tôm, tiếng nước xé mặt sông, anh như lạc giọng khi thoáng nhớ thoáng quên kể lại kiếp thương hồ, chỉ có câu hò là anh không quên dù đã 17 năm rồi: Hò… ơ… ơ… hơ… Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi/Khúc sông này nhiều bụi khó qua…

Chị Sáu nghe giọng hò của anh lại nhoẻn miệng cười: “Hồi đó được vợ là nhờ câu hò này đấy chú!”. Xuồng lớn ngược chiều ào qua, toàn thân chiếc ghe tròng trành mấy lượt, bếp than ngả ngiêng, thằng cu Sót con anh chưa đầy 3 tuổi té nhào xuống sàn, nó chống tay đứng dậy, nhìn tôi cười toe toét. Ghe vẫn lướt trên sông, nồi gạo đang ngon lửa sôi sùng sục, anh trầm ngâm thì thào thả chuyện…

Anh chị quê tận dưới huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Chỉ cách Cà Mau một quãng sông ngắn. Hai người gặp nhau cũng từ những ngày buôn ngược bán xuôi này. Khi ấy, anh chèo ghe bán rổ, rá, thau, chậu, chị bán tôm cá, rau hành. Câu hò ấy đã đẩy đưa anh chị về bên nhau, được bốn mặt con (3 gái 1 trai). Sáng nào cũng thế, hai đứa giữa theo anh xuống ghe phụ việc vặt. Con lớn với thằng út theo mẹ lấy cá, bán rong ruổi khắp vùng. Vậy mà một buổi trưa cách đây 5 năm, thằng út xuống ghe rồi không còn lên bờ nữa…

Kiếp thương hồ

Anh Chinh: “Sau này già, tôi vẫn bám sông”

Ghe neo dưới bóng cây bần. Mâm cơm dọn ra giữa lòng ghe nhỏ hẹp. Cũng như mọi lần ăn trưa ở đây, hôm nay cũng có một chén cơm, một đôi đũa dư ra để cạnh. Bưng chén cơm trên tay, giọng chị Sáu bùi ngùi: "Trưa hôm ấy, cũng chừng giờ này, cũng tại chỗ này luôn, tôi với gái lớn ngồi loay hoay thổi than với lặt đầu cá trong ghe, thằng nhỏ ra trước lúc nào đâu biết, nghịch nước để té xuống sông, đến khi chị nó ra vo gạo thì hổng thấy em đâu nữa… Hai tiếng đồng hồ sau người ta mới đưa nó lên…". Nước mắt chị lại lưng tròng!

Lần đầu tiên tôi ăn bữa cơm giữa sông thế này. Chiếc ghe cứ chao lắc theo nhịp sóng nước. Cu Sót trần trùng trục, tay cầm cái đĩa to, nó nhảy dừng dựng vừa ăn vừa nghịch như quỷ. Chị dọn mâm chén ra sau rửa, anh xách chiếc ấm rót nước mời khách. Xoay xoay cái ly trong tay, bất chợt tay anh bóp mạnh vành ly, chép miệng, lắc đầu: “Bà ấy thì khóc hết nước mắt, tui lại không khóc nổi một lần, chỉ thấy thương nhớ con đứt ruột thôi chú à. Ai cũng có số, có phần cả đúng không chú, nhưng thằng nhỏ mới ba tuổi. Nhỏ quá…”. Anh bỏ lửng câu nói, cái nhìn đăm đăm phía mũi ghe, nơi con trai anh bước ra đấy và đi mãi…

Có lẽ đã từ rất lâu, đến nay lại có người chạm đến nỗi đau mất con, nét mặt anh Sáu đứng trước sóng cứ buồn rười rượi. Cặp mắt sâu hóm của anh đục ngầu như con nước phù sa. Nhổ neo chạy ghe đi, chị Sáu lặng im không nói nửa lời, đầu ngoái lại nhìn nơi có cây bần đổ bóng dài trên mặt nước.

Sống cuộc đời lênh đênh chuyện vui cũng nhiều, chuyện buồn cũng lắm. Ngồi trên ghe, anh Chinh đưa mắt nhìn về phía mênh mông: “Bây giờ cuộc sống khó khăn lắm, chuyện buôn bán không còn thuận lợi như trước. Hồi đó, mỗi chuyến đi là tôi lời năm, bảy triệu đồng. Bây giờ, nhiều chuyến tiền cũ đổi tiền mới, chẳng kiếm được đồng lời nào, có khi lỗ vốn nữa”.

Cũng theo anh Chinh, bây giờ đường bộ thông thoáng hơn trước, xe tải có thể chạy đến rẫy mua hàng của nông dân, vì vậy những bạn hàng chuyên đi ghe đã không còn cạnh tranh lại những “đồng nghiệp” trên bờ. Hơn nữa, hàng hóa di chuyển bằng đường bộ rất nhanh, về đến chợ là những tiểu thương có thể đến mua mà không phải vất vả đi xuồng ra ghe. Tuy nhiên, anh bảo vẫn còn có thể bám trụ với nghề vì tình yêu đối với sông nước và hình như “tổ còn đãi mình”. Dù sau này có già, vợ chồng anh cũng nhất định bám sông, tuy vất vả nhưng còn có “đồng ra đồng vô”, tự lo cho bản thân mình chứ không phiền đến các con.

Nổi trôi theo sóng

Chợ nổi trên sông đã từ lâu như một nét đẹp văn hóa của vùng đồng bằng sông nước này, nó gắn liền cùng những mảnh đời bước chân vào nghiệp thương hồ rong ruổi, họ như những “anh hùng tứ phương” quanh năm không biết đâu là quê, không biết đâu là xứ của mình. Ghe là nhà, lớn hay nhỏ lại tùy vào thứ hàng hoá họ bán. Ban ngày chúng xôm tụ rộn rã, đêm về những “ngôi nhà” ấy nằm san sát nhau, im lìm.

Khiêm tốn giữa “xóm nhà” thương hồ Cần Thơ là “căn nhà tập thể” của ông Nguyễn Văn Hoàn, năm nay ông đã tròm trèm tuổi 60. Đốt lên ngọn đèn leo lét đón khách, trong khoảng không gian chật hẹp nửa sáng nửa khuất ấy là 3 thế hệ với hơn 20 nhân khẩu chen nhau trong chiếc ghe diện tích khiêm tốn, rộng 2,5m, dài gần 10m.

Ông Hoàn châm thuốc liên tục, gần như mỗi điếu thuốc ông dành cho một câu chuyện đời mình. Quê ông vùng sông Trẹm, tỉnh Cà Mau. Cha mẹ ông cũng là thương hồ rày đây mai đó, dần dần trôi dạt đến đây. Vợ ông cũng là người "thừa kế" cha mẹ nghiệp thương hồ... "Cha mẹ sanh tôi cái số đâu dưới bàn chân ông Hoàng đế nên khổ cứ khổ, buôn bán quần quật bao năm nay nhưng có mua được miếng đất nào đâu để lên bờ sống với người ta. Cố lắm cũng chỉ đổi được chiếc ghe này nhỉnh hơn chút xíu. Giờ chỉ còn mong chờ tụi nó sau này làm ăn khấm khá…”, ông thở dài.

Nhìn vào mắt ông, tôi cũng hiểu được ông định nói gì tiếp theo. Thế nhưng con trai lớn của ông năm nay cũng xấp xỉ tuổi 40 rồi còn gì. Hầu như tất cả những thành viên trong “đại gia đình thương hồ” này đều cha truyền con nối cái nghiệp lênh đênh, người bán chuối, bán cam, người bán nước, người bán chiếu… Tôi hiểu, thắp lên cho mình giấc mơ ấy, ông đang mong chờ ở thế hệ thứ ba...

Đứa cháu nội của ông chừng vài tháng tuổi ré khóc, tôi xin phép ra về. Soi đèn pin cho khách bước xuống vỏ lãi (ghe nhỏ), giọng ông oang oang vọng từ phía sau: “Khổ từ miếng ăn đến chuyện chung đụng, riêng tư vợ chồng sắp nhỏ…”. Lại một tiếng thở dài. Giống như bao tiếng thở dài tôi đã nghe khi gặp những thân phận thương hồ lênh đênh sóng nước - tiếng thở dài của những kiếp thương hồ “thứ thiệt”.

Cuộc sống công nghiệp không ngừng phát triển có phần nào đó làm mờ đi cái kiếp, cái nghiệp lênh đênh của ông Vượng, anh Chinh, chị Sáu, nhưng có một điều chắc chắn rằng nghề thương hồ vẫn sẽ tồn tại bởi nét đặc sắc, độc đáo vốn có của nó. Tuy cuộc mưu sinh vất vả, nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ. Họ đã và đang và mãi sẽ là những mảnh ghép sống động, tạo nên nét đẹp riêng của con người và mảnh đất Nam Bộ, chân tình phóng khoáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiếp thương hồ