Khởi động Dự án xây dựng cầu Rào và khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Vũ Ba| 13/10/2020 18:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 13/10, UBND TP. Hải Phòng tổ chức Lễ khánh thành tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) và Lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào.

Đây là sự kiện quan trọng chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và thành phố hải Phòng.

Trước đó, cuối năm 2019, ngay sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên), thành phố Hải Phòng đã phê duyệt chủ trương, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Tháng 5/2020, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng dự án đã được khởi công. Đây là dự án nhóm B, do UBND huyện Thủy Nguyên đầu tư 362,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Khởi động Dự án xây dựng cầu Rào và khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án

Hạng mục xây dựng tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ gồm: Xây dựng đường nối QL10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã Lưu Kỳ và Liên Khê có chiều dài 3,488 km, chiều rộng nền đường từ 18-22m, mặt đường rộng 12m, có hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh hai bên đường; Xây dựng bãi đỗ xe rộng 1 ha.

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 3 ha, gồm: Xây dựng cổng chính rộng 22m kết cấu bằng bốn trụ bê tông cốt thép tượng trưng cho cọc Bạch Đằng; Hệ thống tường bao, khung thép; Nhà đón tiếp 1 tầng giả cổ, diện tích 360m² để trưng bày và giới thiệu hiện vật; Nhà mái che khu bãi cọc rộng 2.040m2, kết cấu thép, khung giàn, mái lợp bạt PVDF. Trong phạm vi mặt bằng khu bảo tồn tại chỗ, diện tích 225m2, 18 cọc gỗ được mở, xây kè bằng sỏi cuội, chống thấm, ngâm nước bảo vệ cọc gỗ; các cọc còn lại được bảo tồn theo cách lấp đất và phỏng dựng cọc gỗ thay thế lộ thiên. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ, cây xanh, vườn lim, vườn na, hệ thống chiếu sáng cùng các tiện ích khác …

Đến nay, sau 5 tháng thi công khẩn trương, toàn bộ khối lượng hạng mục thi công, xây lắp của dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ, chất lượng, mỹ thuật theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Khởi động Dự án xây dựng cầu Rào và khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Các đại biểu trồng cây lưu niệm tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đầu tư, với kinh phí 2.265.197.934.000 đồng (chi phí xây dựng là 1.102.274.415.000 đồng) từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2022.

Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, là một cửa ngõ vào trung tâm thành phố, nút giao thông huyết mạch giữa các quận: Ngô Quyền, Hải An, Lê Chân và Dương Kinh. Dự án sẽ xây dựng mới cầu Rào vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, thay thế cầu cũ.

Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải an toàn, vỉa hè hai bên, có 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng. Các cầu nhánh phía đường Lạch Tray gồm 2 nhánh rẽ lên xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, kết nối với nút giao tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường Lạch Tray và ĐT353. Trên cầu lắp đặt đồng bộ hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ. Hai bên đầu cầu sẽ xây dựng công viên cảnh quan.

Dự án cũng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray, trong đó đảm bảo chiều rộng vỉa hè mỗi bên khoảng 5m.

Khởi động Dự án xây dựng cầu Rào và khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Phối cảnh dự án cầu Rào

Cầu Rào có vai trò, chức năng kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng theo trục đường Lạch Tray, ĐT353, đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Hải Phòng với nhiều tỉnh, thành. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong những năm tới, là công trình điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan ở cửa ngõ phía Nam. Cùng với các công trình giao thông khác, cầu Rào sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước cụ thể hoá Chương trình hành động của BTV Thành ủy Hải Phòng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động Dự án xây dựng cầu Rào và khánh thành Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ