Khi nhà báo trở thành... "luật sư" bất đắc dĩ

Mạnh Cường| 19/06/2017 06:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều người ví von, mỗi tác phẩm báo chí ra đời cũng phải trải qua thời kỳ “thai nghén”, mới “thương”, mới trân quý giá trị của những “đứa con tinh thần” của mình. Đặc biệt với những sự thật cần bảo vệ đến cùng, nhà báo lại trở thành luật sư bất đắc dĩ.

Với vai trò là một một phóng viên (PV), ngoài những mảng thời sự, chúng tôi còn phải thực hiện công việc điều tra, xác minh đơn thư bạn đọc. Nhiều người cho rằng, làm đơn thư khó, theo tôi điều đó không hoàn toàn đúng. Nói đúng hơn, đối với một PV khi tiếp cận vụ việc qua đơn thư bạn đọc đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và người xử lý phải hết sức cẩn trọng trong quá trình thu thập chứng cứ để có một bài viết chỉn chu, chính xác. Nói là vậy, nhưng không ít lần chúng tôi đã gặp phải những chuyện dở khóc dở cười khi phải tự mình làm luật sư (LS) để bào chữa cho "những đứa con tinh thần" của mình vì có nhiều người quá cố chấp “cố đấm ăn xôi”. Không chỉ vậy, quá trình tác nghiệp không biết từ bao giờ chúng tôi còn trở thành những nhà tư vấn pháp luật mà người dân thực sự tâm đắc, tin cậy. Với tôi, đó là những cái được lớn mà không phải bất cứ người cầm bút nào cũng có được.

Tôi còn nhớ trung tuần tháng 5 năm ngoái, người đàn ông tên K. (trú Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mang theo một tập hồ sơ tài liệu tìm đến tôi và gửi kèm một tờ đơn cầu cứu khẩn cấp. Ông K. trình bày, theo hồ sơ nhà đất từ những năm trước đây thể hiện thửa đất nhà ông bị lấn chiếm gần 100m đất. Vậy nhưng các cơ quan chức năng vẫn không hề giải quyết cho gia đình ông, ngược lại còn ra quyết định thu hồi. Điều đáng nói, tất cả các văn bản thông báo, quyết định ông đều không nhận được và đó là lý do tập đơn trên tay ông ngày cứ dài thêm. Ông tìm đến Báo Công lý với mong muốn câu chuyện “dài kỳ” của mình có người lắng nghe, có người thấu hiểu và chỉ cho ông cách tháo gỡ vụ việc một cách tối ưu nhất.

Sau khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ chúng tôi đã tìm ra những vấn đề chính cần giải quyết, những điểm “lủng” của hồ sơ, hướng dẫn ông đi từ những điểm nhỏ nhất của vụ việc. Và, câu chuyện dài kỳ của ông đã được các cấp xem xét lại một cách thấu tình đạt lý. Đối với những vụ việc phức tạp, người làm báo chúng tôi cũng phải tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu. Đôi khi với một nhà báo, quá trình làm việc của chúng tôi như một điều tra viên, một luật sư, thậm chí đôi khi lại đứng trên cương vị một vị quan tòa để xem xét…

Khi nhà báo trở thành...

Tác giả trong một lần tác nghiệp 

Trong một lần khác khi đến nhà một người dân để ghi nhận sự việc, PV cũng đã trở thành LS bất đắc dĩ khi người dân tập trung đến nhờ giúp đỡ, can thiệp chuyện bị chồng ngược đãi, giải quyết tranh chấp đất đai, chia thừa kế, tìm cha cho con… Trong khoảnh khắc ấy, biết không thể chối từ nên đã vận dụng tất cả những gì mình biết, đã kinh qua để tư vấn, hòa giải đáp ứng phần nào mong mỏi của người dân. Cũng không ít trường hợp quá hóc búa, LS bất đắc dĩ cũng đành khất, hẹn sẽ trả lời sau khi tìm hiểu thêm một cách chính xác nhất. Nghĩ lại, với một nhà báo khi được xem như một LS thật vui nhưng cũng nhiều áp lực bởi đó là những vấn đề, những lĩnh vực không thuộc sở trường của mình nên cần phải học hỏi nhiều hơn.

Công việc mà một PV giải quyết đơn thư không chỉ ở cách phân tích vấn đề mà cần phải xem xét yếu tố khách quan của sự việc bởi trên thực tế không hẳn người mang đơn đi kiện, đi kêu cứu là người hoàn toàn đúng. Nhớ có lần tôi viết về một “nhân vật” có tiếng nhưng bị tố lừa đảo. Sau khi bài báo đăng, nhân vật này đã có đơn khiếu nại cho rằng bài viết không đúng sự thật, thậm chí còn gửi đơn khắp nơi bêu riếu. Qua tiếp xúc, tìm hiểu ở địa phương cũng như tại nơi công tác, biết nhân vật này có mối quan hệ rộng, độ lì thuộc "không phải dạng vừa" nên PV xác định phải "tung" ra những tài liệu, chứng cứ xác đáng buộc nhân vật  phải "tâm phục khẩu phục". Với kinh nghiệm 10 phần viết 7 giữ 3 của người cầm bút thực sự hiệu quả trong những tình huống này. Vậy là công cuộc chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để bảo vệ cho "thân chủ" của tôi chính thức bắt đầu. Sau khi cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan và trước những chứng cứ không thể chối cãi, nhân vật này biết không thể lấp liếm song trước khi “lặn” không quên gửi lời hăm dọa đến PV. 

Mới đây nhất, khi PV viết loạt bài về người dân có đơn xin mua nhà theo Nghị định 61/CP ở Quảng Trị nhưng bị chính quyền tìm mọi cách cản trở, sau khi báo đăng 3 kỳ phía chính quyền sở tại có công văn phản hồi cho rằng nội dung báo nêu không chính xác. Xác định những nội dung PV thể hiện trong bài viết đều căn cứ trên cơ sở thực tế, tài liệu xác đáng nên lần này, tôi lại phải củng cố hồ sơ, chứng cứ để đấu trí bằng bài viết tiếp theo "tranh tụng" trên mặt báo.

Không chỉ “bào chữa”, “tranh tụng” trên mặt báo mà tại buổi họp báo được tổ chức sau đó không lâu, tác giả diện kiến và một lần nữa chính thức với vai trò LS của mình. Đôi lúc ngẫm nghĩ, tôi ngộ ra rằng hóa ra khi mình tạo ra đứa con tinh thần niềm vui một thì khi gặp sự cố, mình bảo vệ thành công nó, niềm vui cũng vì thế mà tăng lên bội phần. Từ thẩm sâu trong tiềm thức cứ thế mà cảm thấy yêu, cảm thấy thương và cảm thấy phải trân quý những gì đã có.

Cuộc sống cứ xoay vần, đôi khi tưởng chừng như con người đối với nhau bàng quan hơn, lạnh lùng hơn khiến cho nhiều người ở thế “thấp cổ bé họng” trở nên tuyệt vọng. Họ không tìm thấy công lý ở cơ quan công quyền nên tìm đến cơ quan công luận để mong được sẻ chia. Và, chính ở gốc độ người làm báo, chúng tôi đã phần nào mang lại niềm tin cho họ. Có thể, những điều chúng tôi đã làm, đang làm và sẽ làm còn ít ỏi so với sự kỳ vọng người dân, song tôi tin một khi cái tâm người làm báo còn thì sự thật luôn luôn chiến thắng. Bằng cách này hay cách khác, để bảo vệ sự thật, bảo vệ cái đúng, những người cầm bút như chúng tôi sẵn sàng làm một LS để bào chữa, để tư vấn pháp luật cho người dân.

Với tôi, những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, một PV muốn làm tròn vai trò của một "luật sư bất đắc dĩ" không hề dễ. Nó đòi hỏi người cầm bút phải luôn học hỏi, tham khảo ý kiến của các LS, Thẩm phán để tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho mình, phòng khi gặp "sự cố" cần hòa giải, tư vấn pháp luật cho người dân. Khó khăn là vậy, nhưng một khi đã trót yêu và gắn bó với nghề thì vai trò "luật sư" bất đắc dĩ ấy lại là niềm vui và niềm tự hào của chúng tôi. Bởi điều quan trọng nhất của những "luật sư"-nhà báo chúng tôi là bảo vệ sự thật, bảo vệ chính nghĩa, vì cuộc sống bình yên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nhà báo trở thành... "luật sư" bất đắc dĩ