Khát vọng Trường Sa

Nguyễn Trung Thành| 18/06/2016 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hai mươi mốt năm trường kỳ kháng chiến cho một ngày non sông liền một dải, những đảo nổi đảo chìm - “những đứa con” ở Trường Sa đã trở về trong vòng tay hân hoan của đất mẹ Việt Nam.

Bốn mươi mốt năm, lớp lớp những người lính kiên trung bám trụ nơi đầu sóng, hy sinh xương máu, tận hiến tuổi thanh xuân để Trường Sa trở thành đảo thép, thành chiến hạm nổi kiên cường giữa trùng khơi.

Để hôm nay, những cánh chim hòa bình từ Trường Sa tung bay giữa nắng gió trùng khơi, mang khát vọng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam gửi tới năm châu bốn biển. Để các đảo nổi đảo chìm như những con tàu màu xanh, mang chở khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam lao vun vút giữa đại dương.

Chiến thắng cho hôm nay

Trường Sa, với những hòn đảo năm xưa khô khát, hoang vu giờ đây đã tràn ngập màu xanh hy vọng. Từ xa nhìn vào, hầu hết các đảo nổi nơi đây như vừa có dáng dấp một đô thị, lại có dáng dấp của một làng quê Việt Nam như bất cứ nơi nào ta bắt gặp. 41 năm đã qua kể từ ngày giải phóng Trường Sa, nhìn vào sự phát triển lớn mạnh của quần đảo hôm nay, càng thấy trân quý hơn giá trị của những chiến công đã đi vào lịch sử nước nhà. 

Tháng 4/1975, khi những cánh quân “thần tốc, bất ngờ, táo bạo” tiến về giải phóng miền Nam thì cũng là lúc lực lượng đặc công hải quân nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thiếu tướng Mai Năng - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Tư lệnh binh chủng Đặc công nhớ lại: “Dù có là đặc công “xuất quỷ nhập thần” thì tất cả mọi công tác đều phải chuẩn bị trước, làm sao để biết địch biết ta. Và khi đánh, nhất định phải đảm bảo được các yếu tố bí mật, bất ngờ, luồn sâu, ép sát mới đảm bảo thắng lợi được”.

Với phương châm đó và chọn cách đánh vào từng đảo một, 200 chiến sĩ tinh nhuệ của đoàn đặc công nước 126 đã chia thành các mũi tiến công, bất ngờ tập kích đảo. Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Anh hùng lực lượng vũ trang - nguyên Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 nói với chúng tôi rất rành rọt chiến thuật đã dùng khi đó: “Sau khi trinh sát và đánh giá đúng đối tượng, mình quyết định dùng nhiều cách đánh, từ thọc sâu đánh vào mục tiêu quan trọng đến đánh tầu và đánh căn cứ... Mỗi nhiệm vụ mình giao cụ thể cho từng mũi. Cách đánh này đã mang lại kết quả hết sức bất ngờ”.

Khát vọng Trường Sa

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi gia đình người dân trên đảo

Với cách đánh linh hoạt và bản lĩnh ngoan cường của những người lính đặc công hải quân, lần lượt các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã do quân đội ta chiếm giữ. Ngày 29/4/1975 Bộ Tư lệnh hải quân và Tư lệnh Quân khu 5 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, tạo nên một chiến thắng quan trọng, góp phần vào đại thắng dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.

Kể từ trận thắng oanh liệt ấy, 41 năm là gần 15 ngàn ngày lớp lớp các thế hệ chiến sĩ hải quân đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng Trường Sa trở thành pháo đài thép kiên trung nơi cực Đông của Tổ quốc. Từ xa nhìn vào, hệ thống doanh trại, nhà làm việc của cán bộ chiến sĩ và chỉ huy đảo cùng những căn nhà nhỏ của nhân dân huyện đảo với tường vàng, hắt màu đỏ của mái ngói lên nền trời xanh như khẳng định Trường Sa chính là một phần trong trái tim Tổ quốc.

Tĩnh tâm nơi bão tố

Đối với chúng tôi, những người lần đầu đến với Trường Sa, điều ngạc nhiên nhất chính là dáng dấp biết mấy thân thương, mềm mại của những ngôi chùa Việt. Giữa khô cằn nắng cháy, trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh tồn, Nam Yết, Trường Sa... đều hiển hiện một tòa tâm linh được đặt ở vị trí hướng mặt về thủ đô Hà Nội.

Các ngôi chùa được xây bằng đá xanh, gạch và các loại gỗ quý theo phong cách truyền thống mái cong ngói vẩy, thiết kế tam quan hai tầng tám mái với tư tưởng đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần đem lại sự bình an, thịnh vượng cho quần đảo nơi đầu sóng của Tổ quốc. Ngoài ra, trong khuôn viên các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có bàn thờ anh hùng liệt sỹ - những người đã hy sinh anh dũng trên vùng biển đảo cực Đông này.

Không chỉ trở thành những “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những ngôi chùa ở Trường Sa còn là sự thể hiện cụ thể và sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo. Đồng thời đây cũng là nơi khách đến với Trường Sa tìm đến dâng hương với tấm lòng tôn kính, nguyện cầu cho quốc thái, dân an.

Đặc biệt, lần đầu tiên, giữa biển trời, mây nước trùng khơi, tại ngôi chùa linh thiêng trên đảo Sơn Ca đã xuất hiện khóm tre đằng ngà. Vừa vun gốc cho khóm tre, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam vừa nói như tâm tình: "Nói đến tre là nói đến đặc trưng truyền thống văn hóa của làng quê Việt Nam, nhắc đến tre đằng ngà là nhắc đến tích Phù Đổng Thiên Vương".

Và giờ đây, những cây tre đằng ngà này cũng đã trở thành biểu tượng của Trường Sa; vừa thể hiện khao khát thanh bình, vừa thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống của quân và dân trên đảo. Đồng thời, đây cũng là sự gửi gắm của đất liền, gửi gắm của làng quê Việt Nam đối với cán bộ chiến sĩ của vùng biển đảo trong đó có Quần đảo Trường Sa.

Khi đến với những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, mỗi người khách đều có cảm giác như đang đặt chân tới một làng quê nào đó trên đất nước Việt Nam, bởi vì nó mang tới sự thanh bình, yên ả. Những ngôi chùa ấy, không chỉ đã đáp ứng được một nhu cầu lành mạnh, vẫn tồn tại trong niềm khát khao của những cư dân và cán bộ chiến sỹ trên đảo: đó là một địa chỉ tâm linh, một nơi thanh tịnh để trút xả lo toan, nương náu tâm hồn. Những mái cong mái vểnh được dựng lên bởi sự đóng góp của nhân dân cả nước, khiến Trường Sa cảm thấy ấm lòng, cảm thấy gần gũi thân thương với đất liền.

Khát vọng Trường Sa - khát vọng hòa bình

Vâng, Trường sa luôn ở trong trái tim mỗi người con đất Việt... bởi Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách tời của Tổ quốc Việt Nam.  Dân tộc của chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình, song cũng sẵn sàng hi sinh tất cả để đất mẹ mãi trường tồn ngàn năm. Khát vọng bảo vệ sự bình yên cho biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng luôn ngời sáng trong ánh mắt những người lính Trường Sa đang miệt mài bám thao trường bãi tập, với phương châm “Thao trường đổ mồ hôi - chiến trường bớt đổ máu” và “Không để cho tổ quốc bị bất ngờ”.

Khát vọng ấy ngời ngợi xanh trên những tán dừa, phong ba, bàng vuông, mù u, đu đủ; trên luống rau xanh gợi nhớ quê nhà và hàng trăm sắc hoa nồng nàn trước nắng gió trùng khơi. Đó là thành quả của hàng ngàn ngày công lao động, sự chắt gạn từng giọt nước, từng nắm đất của những người lính làm nhiệm vụ canh giữ đảo.

“Lần đầu tiên được đặt chân lên đến đảo chứng kiến màu xanh nước biển hòa cùng màu xanh của biển đảo quê hương tôi có một cảm xúc rất dâng trào. Dường như trong màu xanh đó có khát vọng hòa bình rất lớn lao của cả dân tộc nói chung và quân và dân trên quần đảo Trường Sa nói riêng” -  Đại úy Phan Văn Tuệ - Trợ lý Tuyên huấn - Trường Sĩ quan Chính Trị Bộ Quốc Phòng đã nói với chúng tôi như vậy.

Giữa miên man màu xanh, không thể không nhắc tới cây bàng vuông được công nhận là cây di sản cùng với hai cây mù u ở đảo Sinh Tồn và Sơn Ca, một cây phong ba trên đảo Song Tử Tây với tuổi cây ước chừng đã trên 30 năm. Chừng đó thời gian bám đất cằn gắn bó với đảo, cây lớn lên và trưởng thành cùng đảo, là chứng nhân cho lòng dũng cảm và nghị lực can trường của bao thế hệ chiến sĩ Trường Sa. Có ai đó đã ví, hoa bàng vuông đẹp tựa như người, dù sóng dập gió vùi hoa vẫn tươi như những chiến sĩ Trường Sa. Trong đêm, những cánh hoa bàng vuông tím hồng bung nở làm rực rỡ cả một góc trời, lặng lẽ tỏa hương thơm dịu ngọt.

Đã có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được lấy cảm hứng từ bàng vuông ở đảo và họa sỹ Nguyễn Du cũng đã yêu loài hoa bình dị ấy theo cách của riêng mình khi thiết kế bộ tem “Bàng vuông”. Với hai mệnh giá 3000 đ và 6000đ, bộ tem đã thể hiện được vẻ đẹp rực rỡ của loài hoa biển, sức sống mãnh liệt, hiên ngang của cây, lá, quả bàng vuông trước ngàn bão tố phong ba nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần quảng bá, giới thiệu và tuyên truyền cho công tác bảo tồn loài cây quý hiếm, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Vượt ngàn sóng gió, bộ tem đầy ý nghĩa này như mang lại một luồng gió mát khiến cho tinh thần cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo thêm phấn chấn. Chính tấm lòng của đất liền đã hun đúc thêm ý chí của những người chiến sỹ Trường Sa.

Vâng, những chiến sĩ của lữ đoàn đặc công 126 giải phóng đảo năm xưa xin hãy vững tin về một Trường Sa ngày một vững vàng và phát triển. Và những người lính biển hôm nay vẫn chắc tay súng nơi ngàn trùng xa cách bởi đất liền vẫn luôn tin tưởng và dõi theo các anh, những chiến sĩ đang ngày đêm thao thức với Trường Sa.

“Biển này là của ta, đảo này là của ta” - chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Nên màu xanh của sự sống, màu xanh của hòa bình sẽ luôn hiện diện nhờ trái tim và đôi tay của họ - những người con ưu tú đang căng mình giữa bão tố phong ba, giữa bao hiểm họa luôn rình rập để giữ vững một phần máu thịt phía Đông tổ quốc, giữ khát vọng hòa bình cho mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng Trường Sa