Hưởng ứng Tháng thanh niên: Kỳ tích trên cao nguyên đá

Nam Hoàng| 30/03/2017 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây gần 50 năm về trước, hàng nghìn thanh niên đến từ các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và Nam Định - Hải Dương đã cùng nhau lao động miệt mài tạo nên một kỳ quan dựng giữa đất trời. Con đường đã được Bác Hồ đặt tên là Hạnh Phúc.

Chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam

“Huầy là, huầy hừ. Ta đi phá đá, này anh chị em ơi. Phá đá cổng trời, huầy là, huầy hừ. Mở con đường lên đỉnh Đồng Văn, hư huầy. Xe lên, ới là, xe lên xe chở thêm nhiều muối hư huầy. Người Mèo không sợ thiếu muối ăn, huầy là huầy hư, ới là, ơi là không sợ thiếu muối ăn”.

Cách đây vài năm, trên chuyến công tác ngược cổng trời Quản Bạ để lên với Đồng Văn, chúng tôi đã được nghe một bà lão người dân tộc Giáy ở bản Thiên Hương đi bán măng khô hát cho nghe bài hát này. Bà bảo năm mươi năm trước đây, nếu bất cứ ai đi ngang qua con đường mòn ngổn ngang đá sắc từ tỉnh lỵ Hà Giang lên tới Đồng Văn, chắc sẽ không thể quên những câu hát yêu đời và tràn đầy quyết tâm chinh phục thiên nhiên của những chàng trai cô gái đang treo mình trên những kẽ đá để mở quốc lộ 4C, con đường đã được Bác Hồ đặt tên là đường Hạnh Phúc với mong muốn con đường sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc cho tám vạn đồng bào ta đang sinh sống phía sau cổng trời Quản Bạ.

Hưởng ứng Tháng thanh niên: Kỳ tích trên cao nguyên đá

Ông Hùng Đình Quý: “Đường Hạnh Phúc là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam”

Nếu so sánh văn hoa một chút thì cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc là vầng trán kiêu hãnh và nhiều trăn trở của đất mẹ. Trên vầng trán ấy, đường Hạnh Phúc như một sợi chỉ mỏng manh vắt ngang lưng chừng từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, giống như một nếp nhăn. Nói như nhà thơ Hùng Đình Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Văn, “tác giả” của Cờ thiêng Lũng Cú thì nếu như đường Hồ Chí Minh là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần yêu nước sâu sắc thì đường Hạnh Phúc là biểu tượng của tình đoàn kết các dân tộc, là lý tưởng, là chứng tích về lòng quả cảm của tuổi trẻ Việt Nam. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi tìm lại những con người đã tham gia vào cuộc trường chinh lịch sử  ấy, những người đã mang khát vọng “Nữ Oa đội đá vá trời”, mở ra con đường chạy giữa biển đá sau một thời gian dài bằng cả đời người.

Chúng tôi đã bắt gặp giữa hun hút cao của dốc Mã Pí Lèng, hay còn được gọi là dốc chín khoanh một tấm bia đá khắc dòng chữ: “Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công 10/9/1959; ngày hoàn thành 10/3/1965. Thành phần mở đường gồm bà con của 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và Nam Định - Hải Dương. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”. Dòng chữ ấy được ông Sùng Đại Dùng (1931 - 2014, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang, từng là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên, chỉ huy hàng vạn thanh niên xung phong của 18 dân tộc thuộc 8 tỉnh phá đá mở đường Hạnh Phúc) khi còn sống đã nhắc lại cho chúng tôi nghe không sai một chữ.

Năm mươi năm trước, ông Dùng là Uỷ viên Uỷ ban tỉnh Hà Giang, Phó Ban chỉ huy kiêm Bí thư Đoàn thanh niên công trường mở đường Hạnh Phúc. Khi đó, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, hàng nghìn thanh niên xung phong từ tám tỉnh đã lên Hà Giang để làm đường. Nhưng khi vừa mới khởi công chưa bao lâu thì bị bọn thổ phỉ bắt đầu phá hoại. Bọn chúng giết hại một số cán bộ và bà con. Chúng cho người tung tin xấu và vu rằng bao giờ đá mọc trên đầu người, bao giờ con dê đực biết đẻ thì người thanh niên mới mở được đường vào Đồng Văn.

Bọn thổ phỉ càng rêu rao thì tinh thần làm việc của thanh niên xung phong càng mạnh mẽ. Ngày ấy cả nước còn khó khăn, người tham gia mở đường không có nhiều chế độ đãi ngộ, phương tiện làm đường chỉ dựa vào cuốc, xẻng, một ít thuốc nổ dùng hết sức dè sẻn. Cả nghìn người dùng sức để chọi lại với đá, cần mẫn mở từng mét đường lấn sâu vào lòng cao nguyên. Qua lời kể của ông Dùng, chúng tôi hình dung thật rõ nét về những gì đã diễn ra cách đây năm mươi năm trên con đường Hạnh Phúc.

Trường tồn với thời gian

Những con người nhỏ bé treo mình trên những sợi thừng to bằng cổ tay người. Họ treo mình trên đá, gồng tay trổ vào đá những âm thanh đục khấc, chát chúa khiến cao nguyên vang vọng những âm hưởng rộn ràng của sự sống. Đường mở ra đến đâu, bà con các dân tộc kéo từ trên núi xuống để đổi gạo, muối, nhu yếu phẩm và không kém quan trọng là để... nhìn cho rõ cái xe ô tô mặt mũi nó thế nào. Kỳ tích của sự đoàn kết các dân tộc anh em và sức trẻ đã đánh thức một vùng cao nguyên mênh mông, chấm dứt những chuỗi ngày mê mụ tin theo những điều hoang đường của những kẻ có dã tâm.

Ngay ở những ngày tháng cuối đời, ông Dùng vẫn không thể quên được những kỷ niệm buồn vui trong suốt tám năm vắt mình trên đá của mình và đồng đội. Đã có biết bao tình yêu được nở hoa trên đá. Nhiều đôi trai gái thuộc mười sáu dân tộc khác nhau đã xe duyên và tạo lập thành tổ ấm trong quá trình làm đường. Và, cả những sự hi sinh, mất mát không thể nguôi quên. Người cán bộ lão thành dân tộc Mông ấy đã từng nói với tôi rằng, công trường làm đường Hạnh Phúc đã dạy ông hiểu được hạnh phúc là cho những gì mình quý, mình yêu, làm mọi việc tốt để người xung quanh mình được hạnh phúc. Giờ “Lão tướng biên thùy” Sùng Đại Dùng đã vĩnh viễn nằm lại với cao nguyên đá, nhưng công trạng của ông với con đường Hạnh Phúc mãi mãi được đồng bào sống sau cổng trời nhắc nhớ.

Cũng vào tuổi xưa nay hiếm, ông Trịnh Văn Đảm cũng là một trong những thanh niên xung phong lên với cao nguyên đá ngày ấy. Trong căn nhà nhỏ nằm giữa thành phố Hà Giang, ông đã cho chúng tôi xem những bức ảnh đen trắng mà ông giữ gìn cẩn thận mấy mươi năm. Trong ảnh là những gương mặt còn rất trẻ và những đôi mắt rất sáng. Để làm việc được trên mênh mông đá không hề đơn giản.

Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích gần 2.356 km2 trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang thì có tới 80% là đá và các loại trầm tích cổ có niên đại từ 600 đến 400 triệu năm. Muốn đục được đá thì chỉ có cách dùng đoạn sắt hình trụ dài từ 20 đến 80 cm có tám cạnh (còn được gọi là troòng) để đục, khoét núi đá ra rồi đặt thuốc nổ phá đá mở đường. Mặt đường kè theo cách thủ công, nghĩa là dùng đá dạng cấp phối kè thành đường rộng 4,5m cho ôtô đi mà không cần chất kết dính gì. Những đoạn đường hẹp, họ phải kè đá ra phía ta luy âm (mép vực).

Hưởng ứng Tháng thanh niên: Kỳ tích trên cao nguyên đá

Con đèo quanh co, dốc đứng thách thức những con tim khao khát chinh phục

Ấn tượng nhất trong quá trình làm đường Hạnh Phúc có lẽ là đoạn thông đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc. Dốc Mã Pí Lèng dựng đứng là thách thức rất lớn đối với sức trẻ trên đại công trường. Vậy là Đội cơ dũng gồm 17 người là những kiện tướng đục lỗ troòng có sức khỏe và giàu kinh nghiệm phá đá. Mỗi sáng, Đội cơ dũng thắt dây an toàn rồi được thả từ đỉnh núi xuống dưới vực. Suốt một ngày, họ treo mình như thằn lằn trên đá lạnh, thậm chí luôn đung đưa bởi gió núi mây ngàn, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống dòng Nho Quế nhỏ như một sơi chỉ ở phía dưới. Thậm chí, chỉ huy công trường đã phải cho đóng sẵn mười cỗ quan tài để phòng trường hợp rủi ro. Anh Đào Ngọc Phẩm (người Thái Nguyên), một thành viên trong đội đã hi sinh  dưới vực Mã Pí Lèng.

Chả thế mà lịch sử khai sơn phá thạch làm đường Thanh niên Việt Bắc (tên gọi khác của đường Hạnh Phúc) đã lưu cho mai hậu cả một khu “Nghĩa trang Thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc” ở huyện lỵ Yên Minh, nơi dành riêng để chôn cất, tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống cho con đường dài gần 200km được khai sinh. Họ đã đánh thức, giác ngộ cả một miền đất mẹ mênh mông bị chìm khuất trong mây mù tự hồng hoang và không ít lầm lạc trong những khúc quanh của lịch sử, khi mà kẻ xấu đã đóng cổng trời lừa mị đồng bào.

Theo lời kể của ông Đảm thì công việc của Đội cơ dũng hết sức gian nan. Khi làm việc, mỗi người mang theo ba cái troòng đục đá. Các troòng sẽ được dùng lần lượt để có thể dũi vào đá một lỗ khoan sâu 60cm. Lỗ khoan đó dùng để nhét thuốc nổ. Mỗi ngày, họ chỉ có thể khiến cho Mã Pí Lèng rung lên một chút và vỡ ra một vài tảng đá to đủ một người ôm. Suốt mười một tháng ròng không nghỉ, những thành viên của Đội cơ dũng cùng hàng trăm anh chị em khác đã vượt qua Mã Pí Lèng một cách đầy lẫm liệt như thế.

Năm mươi mùa xuân đã trôi qua, con đường Hạnh Phúc vẫn còn đó với hai làn xe chạy giữa lòng cao nguyên đá mênh mông như một chứng tích về lòng quả cảm, sự hi sinh, là biểu hiện của tình đoàn kết các dân tộc, lý tưởng của tuổi trẻ. Con đường ấy đã và sẽ tiếp tục mang lại những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên hùng vĩ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưởng ứng Tháng thanh niên: Kỳ tích trên cao nguyên đá