Hướng tới Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT: “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”

Lan Hương| 07/11/2014 16:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên thế giới mỗi ngày có hàng trăm ngàn người chết, bị thương vì tai nạn giao thông. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm tại nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 1,2 triệu người và làm bị thương khoảng 50 triệu người.

Tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo Ủy ban ATGTQG, chỉ trong 3 ngày từ 01/11 đến 03/11/2014, toàn quốc xảy ra 150 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 71 người, bị thương 81 người (trong đó có 40 vụ va chạm, làm bị thương 35 người).

Cũng theo báo cáo của Ủy ban ATGTQG, trong 9 tháng đầu năm 2014 toàn quốc xảy ra hơn 18.000 TNGT, làm chết 6.758 người, bị thương hơn 17.800 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.164 vụ (giảm 14,47%), giảm 282 người chết (4,01%) và 3.945 người bị thương (18,11%).

Trong 9 tháng đầu năm có 45 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT, trong đó có 11 địa phương giảm hơn 20%, 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn giảm hơn 30%. Dù vậy, còn 14 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 5 tỉnh tăng hơn 25%: Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vĩnh Phúc. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, lập biên bản hơn 3,3 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền hơn 1.900 tỷ đồng, tạm giữ hơn 441.000 phương tiện các loại, tước hơn 275.000 giấy phép lái xe.

Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục VII (Bộ Công an), Ủy viên Ban thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và tổng hợp của nhiều giải pháp. Trong đó, việc chọn chủ đề của năm 2014 là “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” là rất trúng, đồng thời việc coi chủ phương tiện và người thực thi công vụ là đối tượng chính để chấn chỉnh trật tự ATGT đã thực sự phát huy hiệu quả.

Trung tướng Đỗ Đình Nghị cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, điều kiện kinh doanh vận tải cũng được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quản lý vận tải được cải thiện rõ rệt với việc bắt buộc kiểm tra sức khỏe lái xe đã làm cho môi trường vận tải được lành mạnh, dịch vụ vận tải được cải thiện, chất lượng vận tải được tăng lên.

Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được thực hiện ngày càng chặt chẽ, theo hướng tăng cường trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch. Tất cả những giải pháp này cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt để kéo giảm TNGT.

Hướng tới Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT: “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”

Hiện trường vụ tai nạn xe khách tại Sa Pa, Lào Cai

Tại cuộc họp về tình hình công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2014 và triển khai công tác Quý 4-2014, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã chỉ rõ, TNGT vẫn ở mức cao, nhất là trên địa bàn nông thôn, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc. Ùn tắc giao thông đã được cải thiện nhưng vẫn diễn ra. Trong xử lý vi phạm xe quá tải vẫn còn hiện tượng “cò mồi”, tiêu cực.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các cấp các ngành và các địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương vẫn còn ở mức cao; một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông; công tác quản lý vận tải vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém… Vì vậy trong thời gian tới, các Bộ ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh an toàn giao thông đường sắt, đường thủy; nâng cao quản lý an toàn phương tiện vận tải, tăng cường kiểm soát tải trọng xe; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông tới quần chúng nhân dân…

Hoạt động thiết thực tưởng niệm các nạn nhân

Trên thế giới mỗi ngày có hàng trăm ngàn người chết, bị thương vì tai nạn giao thông. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm tại nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 1,2 triệu người và làm bị thương khoảng 50 triệu người. Những vụ tai nạn này đã để lại hậu quả to lớn, dai dẳng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội phát triển của cộng đồng, quốc gia.

Để nhắc nhở mọi người luôn ý thức về hiểm họa tai nạn giao thông, năm 1993, tổ chức Hòa bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng “ Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”. Trên cơ sở đó, ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm là ngày “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động hưởng ứng Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông bắt đầu được thực hiện từ năm 2012. Năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc phát động và tổ chức các hoạt động tưởng nhớ nạn nhân tai nạn giao thông trên phạm vi toàn quốc từ ngày 20/10 – 16/11/2014.

Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, thông qua các hoạt động tưởng niệm nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về hậu quả to lớn, lâu dài của tai nạn giao thông; chỉ ra các nguyên nhân và nguy cơ gây tai nạn giao thông tại Việt Nam; nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành pháp luật, trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông. Đồng thời kêu gọi, sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Năm nay, các hoạt động chính sẽ bao gồm: Các hoạt động truyền thông diễn ra liên tục từ ngày 20/10 – 16/11/2014; tổ chức các hoạt động tưởng niệm trong hệ thống trường học cả nước từ ngày 10/11 – 15/11; tổ chức đến thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân của tai nạn giao thông trong thời gian từ ngày 3/11 – 8/11/2014; phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ngày 9/11/2014 tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vào lúc 20h ngày 16/11/2014 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), sự kiện sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 Đài truyền hình Việt Nam.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Việc tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hàng năm là dịp để toàn xã hội tưởng nhớ đến những người thân, bạn bè, đồng bào xấu số và chia sẻ với gia đình họ về những mất mát, hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông. Từ đó, mỗi người sẽ nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân trong việc phát triển một hệ thống giao thông an toàn, thân thiện để cùng nhau ngăn chặn và giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT: “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”