Hiểm họa khôn lường từ việc khai thác đá

Thanh Phương| 13/05/2015 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan tới khai thác đá.

Bên cạnh ý thức của người lao động chưa cao, các chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cũng như trang bị các thiết bị bảo hộ. Do lao động thời vụ nên bảo hiểm lao động không được quan tâm, khi xảy ra tai nạn thiệt thòi đều đẩy về phía người lao động.

Một ngày ở công xưởng đá

Chúng tôi có mặt ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định từ sáng sớm, khi ánh mặt trời mới ló rạng, nơi đây là “công xưởng đá” lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, những người gửi phận nơi vách đá đã bắt đầu cuộc mưu sinh… Chứng kiến công việc của những người làm nghề khoan đá, nổ mìn, việc mà người dân ví là “nghề bán thịt nuôi miệng” chúng tôi không khỏi rùng mình.

Năn nỉ mãi, được Đông - một anh thợ nổ (người chuyên đặt thuốc nổ) cho đi cùng, leo lên đỉnh núi Cây Đèn. Vừa đi anh vừa tâm sự: “Làm cái nghề này phải có sức khỏe, có thần kinh tốt không sợ độ cao và đôi tay rắn chắc để đủ sức leo lên những vách núi. Để có đá, trước tiên người thợ khoan phải trèo lên vách núi bằng dây thừng, dùng khoan để khoan đá thành một lỗ thủng sâu hơn 2m. Sau đó cho thuốc nổ vào những lỗ khoan, đặt kíp, tìm một vách núi kín để trú (gọi là nơi an toàn) ra hiệu cho đội ở dưới đợi đến giờ nổ thì kích nổ để đạp đá xuống làm vật liệu trong xây dựng”.  Công việc nghe ra thật đơn giản nhưng khi chứng kiến công việc của những người thợ này mới thấy được sự nguy hiểm thường trực. Mỗi ngày người thợ nổ mìn phải treo mình trên vách núi cao từ 20m đến 30m để tìm điểm khoan đá, đặt kíp mìn, phá núi, hầu hết công việc trên được tiến hành một cách thủ công, từ 2 đến 3 ngày mới xong 1 lỗ. Khi cho nổ thông báo rộng rãi với người dân xung quanh, nhưng sẽ có người nghe, người không và di chấn sẽ làm núi lở bất kể khi nào.

Hiểm họa khôn lường từ việc khai thác đá

Khoan đá là một công việc cực nhọc và nguy hiểm

Phía dưới những người đàn ông, phụ nữ, trẻ em quần quật đập, lăn, bê, bưng đá từ bãi vào khu vực xưởng. Chỉ cần sơ xuất nhỏ thôi thì núi lở, đá lăn sẽ có tai nạn xảy ra. Nghiệt ngã hơn, mỗi khi có tai nạn là có người bị “thần chết” gọi đi!

Hiểm họa khôn lường

Anh Nguyễn Văn Hoàng, một thợ khoan đã gắn hơn 20 năm đời mình vào nghiệp đá tâm sự: “Đã có nhiều trường hợp bất cẩn khi đang khoan, trượt chân rơi từ độ cao 30m xuống dẫn đến tử vong”. Những trường hợp như vậy người ta gọi là sinh nghề tử nghiệp, làm cái nghề này không nói trước được điều gì, nhiều người thợ đã gắn bó lâu năm với nghề nhưng vẫn gặp nạn. Trường hợp anh Bùi Văn Thắng ở Thôn Phúc Trí, là thợ khoan lâu năm, lăn lộn với đá núi nhiều năm đánh đu trên các vách núi cao hàng chục mét, anh được coi như thợ bậc 1 trong nghề, nhưng chỉ một lần sai sót trong khi khoan, anh Thắng  phá trúng mạch đá… Dưới sức ép của mìn, khối đá 50m3 rời ra, kéo tuột người thợ xuống, kết thúc một đời khoan đá 20 năm.

Rất nhiều trường hợp thương tâm do từ nghề khoan đá nổ mìn mang đến, câu chuyện của anh Lê Văn Việt xã Hoàng Sơn (Nông Cống) in sâu vào tâm trí người nghe. Vốn là thợ bắn bẩy, Việt chuyên khoan mồi, đặt dây cháy chậm, cho đá nổ rồi kiểm tra hốc đá. Trong một lần làm việc, sau khi cho 10 lỗ đá nổ; phát hiện ra 1 lỗ “xịt”, đá chưa vỡ, anh lại gần kiểm tra. Ngờ đâu, do hốc khoan sâu, dây cháy chậm hơn nên vừa chạy đến nơi thì bẫy đá nổ. Đá bắn văng mạnh ra xung quanh, kết quả là anh Việt bị thương nặng, khâu gần 30 mũi, phải về “hưu non”.

Để có thể khoan, bắn đá và nổ mìn, những người thợ ấy vẫn phải đánh đu ngang mặt núi, và treo mình trên vách đá một ngày 8 tiếng. Nhưng cũng vì miếng cơm manh áo những người làm nghề khoan đá nổ mìn vẫn phải dấn thân vào nguy hiểm bởi ở địa phương, ít có công việc nào cho thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng.

 Đó là chuyện của những người làm trên cao còn đối với công việc dưới chân núi là vác đá, bê đá, khênh đá… những công việc này cũng nguy hiểm không kém. Tai nạn lao động khi đá đá rơi từ trên xuống khiến người chết hoặc bị thương thường hay xảy ra. Chị Lê Thị Huệ khu vực núi Vức (Đông Sơn) làm nghề đá bốc đá đã được 5 năm tâm sự: “Đời bố mẹ mình đã phải làm phu đá cả, đến mình cũng thế thôi. Nhiều hôm, trời mưa to, đáng ra không được làm, nhưng “ráo mồ hôi là hết tiền” đành phải liệu mình vậy.” Câu chuyện chưa dứt thì chiếc xe tải chờ đá đã bấm còi inh ỏi, chị cầm lấy đồ nghề chỉ là chiếc thúng được đan, buộc chằng chịt dây nhợ chạy ra đống đá ngổn ngang. Nhìn chị đội cả thúng đá lên đầu ngất ngưởng mà đi tôi chợt nghĩ đến hình ảnh mẹ Nữ Oa đội đá vá trời và cuộc đời họ “sống và chết” phó mặc cho đá.

Mới đây nhất, ngày 29/3/2015 trên địa bàn xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa khi nhóm công nhân đang tiến hành quá trình khai thác đá mìn nổ bất ngờ khiến 2 người tử vong tại chỗ và 1 người bị thương.

Khó khăn, nhọc nhằn, nguy hiểm là vậy, nhưng các ông chủ thuê lao động đều phớt lờ việc bảo hiểm an toàn cho công nhân. Họ chỉ hợp đồng miệng với người lao động. Nếu xảy ra sự việc đáng tiếc, gia đình người xấu số sẽ nhận được tiền đền bù với một khoản tiền, còn tất cả không có giấy tờ gì liên quan đến pháp lý. Biết là nguy hiểm đến tính mạng và bị thiệt thòi, nhưng người lao động làm nghề này rất khó kiếm được công ăn, việc làm. Nhiều người coi đây là nghề để kiếm cơm qua ngày, rủi, may hãy để cho số phận định đoạt!?

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Tấn, Trưởng phòng Lao động Thương bình &  Xã hội huyện Yên Định thừa nhận: “Hàng năm các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị khai thác đá về công tác đảm bảo an toàn lao động cũng như mở nhiều lớp tập huấn cho chủ doanh nghiệp, công nhân nhưng tính chất đặc thù nguy hiểm luôn tiềm ẩn. Mỗi năm trên địa bàn huyện đều xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên quan tới đá. Lao động chủ yếu là thời vụ nên ý thức kỷ luật, chấp hành các điều kiện an toàn chưa cao, một số đơn vị trang bị bảo hộ chưa đảm bảo. Tỷ lệ đóng bảo hiểm đối với các lao động này mới đạt 20- 25%, nên khi xảy ra tai nạn người lao động rất thiệt thòi.”

Chính vì thế, các cơ quan ban ngành cần tăng cường kiểm tra, xử lý mạnh tay các đơn vị vi phạm về công tác đảm bảo an toàn lao động, sử dụng lao động trong các khâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao phải có chứng chỉ, được đóng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi khi xảy ra rủi ro.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa khôn lường từ việc khai thác đá