Hậu quả khôn lường từ tín dụng đen

Phong Trần| 02/03/2013 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng hoạt động “tín dụng đen” đã càn quét và để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Nạn nhân không chỉ là những người giàu, mà cả những người lao động, những nông dân chân chính ở các làng quê nghèo. Kéo theo đó là các hoạt động đòi, xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản gây mất trật tự.

Thời gian gần đây tại Thanh Hóa nhiều vụ vỡ nợ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với số tiền ngày một lớn. Theo thống kê của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính riêng năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 29 vụ, với 30 đối tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiệt hại hơn gần 200 tỷ đồng.

Những vỏ bọc được các đối tượng tự đánh bóng thân thế bằng vẻ hào nhoáng không nằm ngoài mục đích tạo lòng tin đối với những người nhẹ dạ để có thể dễ dàng huy động vốn, rồi vay tiền của người dân rồi o ép để chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Bên cạnh đó, do hám lãi, nhiều người đã vô tình tiếp tay cho hoạt động phi pháp của các đường dây "tín dụng đen". Trước khi tuyên bố vỡ nợ rồi ra đầu thú, nhiều đối tượng cầm đầu đường dây đã tẩu tán tài sản, chuẩn bị sẵn một "kịch bản" để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Thiệt hại chủ yếu thuộc về người cho vay. Chế tài xử phạt sẽ không đủ sức răn đe, nếu như không phát hiện dấu hiệu phạm pháp hình sự của các đối tượng. Mặt khác, các đối tượng phạm tội cho vay “tín dụng đen” cũng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt nhằm mục đích thu lời bất chính và chiếm đoạt tài sản của người vay khi không còn khả năng chi trả.

Cụ thể: Cho người khác vay tiền có thời hạn, lãi suất ở mức rất cao, (3.000đ đến 5.000đ/01 triệu/01 ngày) nhưng trên giấy vay tiền không ghi mức lãi suất và phương thức tính lãi, hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn thực tế khi cho vay. Nhiều trường hợp muốn vay được tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất trước và thế chấp bằng sổ đỏ. Đến thời hạn mà người vay chưa trả nợ, thì chủ cho vay tính lãi gộp vào gốc và bắt người nợ viết giấy vay tiền mới (bao gồm tiền gốc cũ cộng với tiền lãi thành tiền gốc mới) để tiếp tục tính lãi mới theo tiền gốc mới, cứ phương thức như vậy để tính lãi chồng lãi, số tiền nợ tăng lên nhanh gấp nhiều lần. Nhiều gia đình lâm vào cảnh “khuynh gia bại sản”, hoặc do bị thúc ép trả nợ đã phải lừa dối người thân vay tiền để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng thực chất là để thanh toán nợ do vay tín dụng bất hợp pháp, dẫn đến phạm tội hình sự, bị khởi tố, bắt giam. Những cá nhân hoạt động cho vay tín dụng bất hợp pháp còn tổ chức cho đối tượng côn đồ, đầu gấu hoặc trực tiếp đến để đe doạ, hành hung, rồi dùng cả mưu hèn là ném chất bẩn vào nhà nhằm đạt được mục đích đòi nợ, xiết nợ. Không dừng lại ở việc xiết nợ bằng tài sản, bọn chúng còn đe dọa gây sức ép đến gia đình như bố mẹ, vợ con để con nợ phải cầm cố hoặc bán tài sản; hoặc bao vây, ăn ở tại nhà con nợ và bắt giữ người trái pháp luật…

Hậu quả khôn lường từ tín dụng đen

Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn thần đèn)

Trước tình hình đó Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ là Công an tỉnh và Công an các huyện, Thị xã, Thành phố trên địa bàn tỉnh đã một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hoạt động tín dụng “đen” để nhân dân cảnh giác, tố giác tội phạm. Mặt khác, tập trung lực lượng, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ linh hoạt để đấu tranh mạnh với các loại tội phạm này. Điển hình  trong năm 2012, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phá 3 Chuyên án, khởi tố bị can và ra lệnh và bắt tạm giam trên 10 đối tượng trong 3 băng nhóm tội phạm hoạt động tín dụng “đen’, xiết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản do Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn thần đèn), Hoàng Trường Thọ (tức Thọ lột) và Đỗ Quốc Hùng (tức Hùng máu) cầm đầu. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thang Hóa cũng đã tiến hành khởi tố nhiều vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức vay, mượn “tín dụng đen”.

Hậu quả khôn lường từ tín dụng đen

Hoàng Trường Thọ (tức Thọ lột)

Để đấu tranh ngăn chặn các có hiệu qủa đối với tội phạm “tín dụng đen”, ngoài việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an cần phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đề cao cảnh giác cho nhân dân, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm. Mặt khác, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các lực lực lượng chức năng nhằm tạo khí thế đấu tranh trấn áp mạnh mẽ đối với loại tội phạm này.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả khôn lường từ tín dụng đen