Hậu quả của sự buông lỏng, giáo dục con cái

Châu Sơn| 28/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm trở lại đây, những đối tượng phạm tội có chiều hướng ngày càng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng. Đây cũng chính là một phần kết cục của sự buông lỏng quản lý, không quan tâm, giáo dục con cái của nhiều bậc phụ huynh.

Trao đổi với ông Lê Văn S. (SN 1952, khối phố Mỹ Hòa, thị trấn Nam Phước, tỉnh Quảng Nam), ông cho biết: Con trai ông, Lê Văn Pháp (SN 1990) học đến lớp 9 thì nghỉ. Từ đó, Pháp thường xuyên đến tiệm nét chơi game. Ông S. làm nghề giữ xe đạp, còn vợ ông buôn bán ở chợ nên họ không có thời gian theo dõi, quản lý chặt chẽ con cái. Năm 2011, ông bà nghe hàng xóm bảo Pháp đang có hoạt động phạm pháp nên cũng nhắc nhở Pháp. Tuy nhiên, lời khuyên của cha mẹ đối với Pháp như “nước đổ lá khoai”. Hàng ngày, Pháp đeo bám ở các tiệm nét và sử dụng công nghệ cao để lừa đảo những người cả tin. Năm 2012, Pháp bị Công an huyện Duy Xuyên bắt và sau đó lãnh án 1 năm tù. Ra tù được 2 tháng thì Pháp lại “ngựa quen đường cũ”.

Hậu quả của sự buông lỏng, giáo dục con cái

Bà P.T.Đ. hy vọng Phương sẽ hoàn lương sau lần vấp ngã này

Khi vợ chồng ông S. chưa biết làm cách nào để con trai đoạn tuyệt với thói hư tật xấu thì đầu năm 2014, Pháp thú nhận với cha mẹ mình đã nghiện ma túy. Khi không đủ tiền mua thuốc, Pháp mượn xe máy của cha mang đi cầm cố hoặc nói dối mẹ đi tìm việc làm để xin tiền. Những tháng ngày qua, vợ chồng ông S. phải sống trong lo âu, dằn vặt, hối hận bởi không quản lý, giáo dục con ngay từ nhỏ. Đến 24/4/2015, Pháp một lần nữa “vướng” vào vòng lao lý khi bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt về hành vi lừa đảo trúng thưởng qua mạng.

So với Pháp, Phạm Hữu Chiến (SN 1991, thôn Long Bàn Nam, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng có “chiến tích” không kém cạnh. Vừa được đặc xá tha tù trước thời hạn trở về hơn một tháng, ngày 5/10, Chiến tiếp tục bị Công an Quảng Ngãi bắt vì tội cướp giật tài sản. Điều đáng chê trách, Chiến lại lôi kéo em ruột của mình Phạm Hữu Hoay Phong (SN 2000) đi vào con đường tội lỗi. Ông Phạm T. (SN 1953, cha Chiến) cho biết, Chiến học hết lớp 6 thì bỏ học, 14 tuổi đã “khăn gói” bỏ nhà vào Nam. Còn Phong, học đến lớp 8 cũng “nối bước” theo anh trai. Gia đình ông T. thuộc hộ nghèo của xã gần 30 năm nay, hai vợ chồng suốt ngày ngoài đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên dường như không có thời gian quan tâm dạy bảo các con. Hơn nữa, ông T. cũng thường xuyên chìm trong rượu chè nên hầu như những lời nói của ông các con đều để ngoài tai. Ngày hai con bị Công an bắt, ông không giấu được nỗi day dứt và ân hận.

Gia đình chúng tôi tìm đến tiếp theo là gia đình Nguyễn Thị Phương (SN 1995, thôn Trung Đông, xã Duy Trung, đồng phạm của Pháp). Ông Nguyễn Văn L. (SN 1968, cha Phương) cho biết, gia đình ông thuộc hộ nghèo của địa phương. Ông làm thợ hồ nên đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà. Bà P.T.Đ (SN 1970), vợ ông thì đau ốm liên miên nên không ai quản lý được Phương, ngay cả cơm ăn, thỉnh thoảng Phương lại sang nhà ông nội gần đó nương nhờ. Chính vì không có sự giáo dục, quản lý sát sao của gia đình nên học xong lớp 12, Phương lao vào tụ tập, đàn đúm với các đối tượng xấu. Thấy Phương ăn diện, nhuộm tóc xanh đỏ, gia đình chỉ nhắc nhở Phương không nên đua đòi chứ không hề biết Phương chơi ở đâu, làm gì. Cho đến khi Phương bị Công an TP. Hồ Chí Minh bắt, vợ chồng ông L. mới biết con mình là tay chân đắc lực của Pháp, can tội lừa đảo. Không những vậy, Phương còn cùng Pháp sử dụng ma túy đá và mang thai với thanh niên này. Ông L. nói trong buồn bã: “Làm thợ hồ cả đời mới tích cóp được 10 triệu, định sửa lại mái nhà bị dột nhưng giờ phải lo cho nó sinh nở. Mong sao nó thức tỉnh được mà đoạn tuyệt với những trò lừa đảo qua mạng này”.

Để không còn những nỗi ân hận trong muộn màng, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì gia đình và các bậc cha mẹ cũng nên cần có sự quan tâm, quản lý, giáo dục các em nhằm tạo cho con em có chỗ dựa vững chắc để bước vào đời một cách trọn vẹn và đúng nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả của sự buông lỏng, giáo dục con cái