Hành trình “diệt giặc đói, giặc dốt” nơi biên giới

Nam Hoàng| 07/06/2018 06:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khắc ghi lời dạy của Bác, suốt bao năm qua, đồng bào các dân tộc ở vùng đất Bình Liêu đã và đang cố gắng, nỗ lực “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế, góp phần làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Gian nan “giữ đất”    

Bình Liêu là một huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh với những tên xã, tên bản chỉ nghe đã đủ gợi lên toàn hình dung hoang vắng như Tĩnh Húc, Lục Hồn, Vô Ngại, Phai Lầu… Đây còn là một trong những cửa ngõ biên giới có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng phía Đông Bắc nước ta với địa hình đồi núi phức tạp, có nhiều dân tộc cùng chung sống như Tày, Dao, Sán Chỉ... Xưa kia, vùng đất này từng là cát cứ của thổ phỉ và nhiều tổ chức phản động. Khắp núi cao thung sâu bom mìn còn giăng mắc, ẩn mình trong lòng đất, khe suối nhiều hơn bước chân người…

Hành trình “diệt giặc đói, giặc dốt” nơi biên giới

Ông Chìu Dầu Thài: “Dù tình thân cũng phải đặt sau tình đất nước”

Thời loạn lạc, đồng bào tứ tán khắp nơi, quanh năm chỉ biết có hai mùa: Mùa no và mùa đói. Lối sống du canh du cư, đốt nương làm rẫy cứ kéo đời sống của đồng bào ngày một lâm vào cảnh khó khăn khốn đốn. Lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của đồng bào, bọn người xấu đã tìm đến các bản để dụ dỗ, lôi kéo, vơ vét thóc gạo, tiền của rồi xúi giục đồng bào bỏ nhà cửa, nương rẫy để vượt sang bên kia biên giới. Cuối những năm 80, khi tình hình biên giới đã tạm yên, các chiến sỹ biên phòng đứng chân trên địa bàn chủ động tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức rà phá bom mìn do chiến tranh để lại và vận động nhân dân thành lập các bản giáp biên, giúp bà con ổn định đời sống gắn liền với bảo vệ chủ quyền biên giới. Dần dần, nhiều gia đình chạy loạn nơi xa đã trở về quê hương bản quán, vỡ đất trồng cấy hoa màu.

Chuyện “giữ đất” ở vùng biên này có thể coi là một khúc ca bi tráng về bao thế hệ con dân đất Việt đã và đang sinh sống nơi phên giậu. Tương truyền từ xa xưa, có một vị vua hiền đã ban chiếu đặt một hòn đá có khắc niên hiệu đặt lên đỉnh Cao Ba Lãnh. Chiếu dụ viết rằng, hòn đá được phải được đặt trên đỉnh núi cao nhất để đánh dấu bờ cõi nước Nam bắt đầu từ đó. Lệnh triều đình về đến Châu, rồi xuống các Lộ để quan binh theo đó mà cắt cử các suất đinh mang hòn đá lên đỉnh núi. Đã có bao người đi rồi nằm lại nơi sơn lam chướng khí, nhưng hòn đá cuối cùng cũng được đặt đúng trên đỉnh Cao Ba Lãnh. Dân đi rừng săn con thú, tìm cây thuốc trên núi căn cứ vào tảng đá để không phạm sang đất ngoại bang.

Biên cương mùa này là cả dải điệp trùng xanh ngằn ngặt, màu xanh của lúa nương và bãi ngô phủ kín các đỉnh núi, sườn non. Thấp thoáng đâu đó trong dáng núi có màu áo hoa của cô gái Dao đi làm cỏ lúa. Hương quế, hương hồi nồng nàn lẩn trong nếp áo. Có đi theo đoàn cán bộ đến các buổi tuyên truyền về Luật biên giới quốc gia trên đất liền, gặp đồng bào rồi mới thấy, đường biên giới trong lòng dân còn vững chắc hơn bất cứ loại vật liệu, ranh giới hữu hình nào. Những năm trước đây, chính họ đã theo chân các chiến sỹ biên phòng cùng nhau ra đường biên đấu trí, đấu lý buộc những người láng giềng không được chồng lấn sang phần đất của ta.

Ông Chìu Dầu Thài (67 tuổi, ở Hoành Mô, Bình Liêu Quảng Ninh) chỉ tay sang ngọn núi bên kia rồi bảo: “Toàn là người thân cả đấy (đồng bào hai bên biên giới thường có quan hệ thân tộc, dân tộc với nhau – pv), nhưng bây giờ đã có đường biên giới rồi, đã thành người của hai nước rồi thì cái tình thân ấy cũng phải đặt sau tình đất nước. Quyết không vì thân tộc mà làm trái quy định của Nhà nước, của bộ đội”. 

Thì ra cái lý của người dân tộc rõ ràng, mạch lạc là thế, đúng là làm, theo lẽ phải và ưng cái bụng mọi người thì làm. Nghìn suối trăm sông rồi cũng đổ về biển lớn, người muôn nơi, thuộc dân tộc nào thì cũng vẫn là người Việt Nam mình. Phải một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ không dám đơn sai. Chẳng thế mà hàng bao năm qua, trải nhiều biến cố nhưng những cột mốc trên tuyến biên giới Bình Liêu vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, vững vàng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Người dân nơi đây còn nghèo, còn thiếu ăn thiếu mặc nhưng lúc nào cũng tự hào vì truyền thống giữ đất, giữ nước ngàn đời của cha ông và cả sự no ấm đang đến với vùng đất này.

Bố của ông Chìu Dầu Thài, cụ Chìu Dầu Hòe – “cây đại thụ” của cộng đồng người Dao ở vùng đất biên viễn Bình Liêu đã từng dặn dò con trai mình rằng: “Đất của ta bắt đầu từ dòng suối này. Bao đời nay tiên tổ nhà mình đã ở đây, bảo vệ từng tấc đất, từng cái cây, ngọn cỏ. Con đừng có học con hươu, con nai nhảy nhót mà xa lìa bản quán. Phải chăm chút, bảo vệ đất đai của tổ tiên, đó là tài sản vô giá truyền lại cho con cháu”.

Thắp sáng một vùng biên

Lời dặn của “cây đại thụ” Chìu Dầu Hòe đến nay vẫn còn tươi rói trong đầu ông Thài và các con của ông, như dòng suối kia vẫn chảy giữa hai đất nước. Dòng suối nhỏ đến nỗi nếu nhìn từ vệ tinh, nó sẽ nhỏ như không hề tồn tại trên trái đất. Vậy mà với đồng bào ở bản Pác Khương, nó là dòng nước của Trời, của tổ tiên. Giữ gìn dòng suối là giữ gìn đất nước, giữ gìn mạch sống cha ông để lại. Đi bên họ, bạn sẽ hiểu chiến thuật việc xây dựng thế trận biên phòng lòng dân nó quan trọng nhường nào.

“Bác Hồ cũng dạy rồi, muốn ấm no hạnh phúc thì phải “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Giờ không còn “giặc ngoại xâm”, còn “giặc đói” và “giặc dốt” thì mình chỉ cần cố gắng là được thôi mà. Mình già rồi, không còn làm được nhiều việc thì đốc thúc con cháu để chúng hăng hái tham gia sản xuất. Có như thế mới ấm no được. Cũng may, mấy năm nay Bình Liêu mùa mưa thuận gió hoà. Chắc là sắp tới sẽ có một vụ mùa bội thu. Kể từ ngày có đường đi, có lớp học, có nhiều nhà ngói mới, chúng tôi cũng thêm gắn bó với đất, với rừng”, cụ bà Pẻng, hàng xóm của ông Thài tâm sự.

Quả thật, đúng như lời cụ Pẻng nói, trong mấy năm gần đây, bộ mặt Bình Liêu đang ngày một tươi sáng, kinh tế, xã hội đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhờ huyện đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển.  Cùng với đó, các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện cũng liên tục được phát động và ngày càng có sức lan tỏa, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Từ các phong trào đó đã có nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình.

Hành trình “diệt giặc đói, giặc dốt” nơi biên giới

No ấm đang về với Bình Liêu

Thông qua phong trào, các cấp hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cụ thể như tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công  nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên tham gia; tổ chức lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, điểm để hội viên, nông dân học tập và nhân rộng như mô hình nuôi dê, lợn nái, nuôi bò, ong mật, trồng cam... Từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu.

Sau nhiều năm trăn trở với cái đói, cái nghèo đã đeo đuổi, nhiều gia đình ở Bình Liêu đã dần thoát nghèo nhờ các mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ hay chăn nuôi bò, dê kết hợp với trồng rừng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hay Quỹ hỗ trợ nông dân cũng đã cho hàng ngàn lượt hội viên vay vốn để phát triển kinh tế như nuôi dê, trồng dong và sản xuất miến.

Ngoài ra, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” còn là bước tạo đà, là hiệu ứng tích cực cho các Chương trình khác cùng phát triển, điển hình như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia đóng góp gần 33.000m2 đất, trên 60.000 ngày công làm đường giao thông và xây dựng các công trình thủy lợi, làm mới trên 40 km đường giao thông, 98 km kênh mương; ủng hộ trên 300 triệu đồng, tổng nguồn lực đóng góp từ nông dân đạt trên 13 tỷ đồng.

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên địa bàn huyện Bình Liêu đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nông dân. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, góp phần thoát nghèo bền vững.

Rời Bình Liêu, thỉnh thoảng người ta sẽ gặp những đoàn ngựa chở gạo, chở xi măng, sắt thép của đồng bào đi ngược chiều. Màu áo lam hoà sắc thổ cẩm đỏ vàng lấp lánh trên nền lá xanh, những gương mặt hồn hậu gùi từng quẩy tấu ngô vàng óng rảo bước nhanh về bản như báo hiệu sự no ấm đang về với vùng đất biên viễn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình “diệt giặc đói, giặc dốt” nơi biên giới