“Hành khúc Toà án nhân dân” - Biểu trưng ngành Tòa án bằng hình tượng âm nhạc

Ths. Huỳnh Ngọc - Quàng Hà| 13/09/2020 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ với giai điệu đầu tiên của bài hát “Hành khúc TAND” đã cho người nghe cảm nhận thấy một sự hào hùng, thiêng liêng đầy cảm xúc tự hào về đội ngũ ngành tòa.

“Lời Bác răn... Tòa án ta..... trọn với dân là gốc muôn đời. Tự hào ngành Tòa án nhân dân” là câu hát mở đầu cho “Hành khúc Toà án nhân dân” với âm điệu hào hùng, ca từ cất cánh vang lên trong xúc cảm tự hào, thiêng liêng. Bài hát như lời truyền dạy của Bác để mỗi cán bộ ngành Toà án luôn khắc ghi “Phụng pháp chí công. Uy phong công đường xử án. Phán quyết nghiêm minh… Bảo toàn quyền, lợi ích nhân dân”.

“Hành khúc Toà án nhân dân” - Biểu trưng ngành Tòa án bằng hình tượng âm nhạc

Ảnh minh họa

Bài hát ngợi ca người thực thi công lý

Chỉ với giai điệu đầu tiên của bài hát “Hành khúc TAND” đã cho người nghe cảm nhận thấy một sự hào hùng, thiêng liêng đầy cảm xúc tự hào về đội ngũ ngành tòa. Những câu từ giai điệu như cuốn người nghe trở về với quá khứ và dường như một trang sử vàng của ngành Toà án nước ta đang trải ra.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bác dặn dò Ngành Tòa án phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Vì vậy, với một câu "Trọn với dân" tác giả đã khắc họa đầy đủ tinh thần, đạo lý lấy dân làm gốc của người xưa cũng như ngày nay mà ngành TAND đã và đang thực hiện.

Ngay sau điệp khúc là đoạn xướng: “Nhân danh nước Việt ngàn năm. TAND tô đậm sử vàng. Mãi khắc ghi sâu lời của Bác. Phụng pháp chí công”. Đây là câu nói mở đầu phần phán quyết của thẩm phán ở cuối phiên xử: “Nhân danh" nước CHXHCN Viêt Nam”. Ở Việt Nam duy nhất chỉ có ngành TAND mới có quyền năng pháp lý đặc biệt, xét xử và đưa ra phán quyết nhân danh Nhà nước.

Trong suốt 75 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, ngành TAND đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đã "tô đậm sử vàng" chói lọi của dân tộc.

Tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Hội nghị Tư pháp toàn quốc ân cần căn dặn cán bộ ngành tư pháp: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" cho nhân dân noi theo. Ðã là người cán bộ Tòa án, thì phải "Phụng công", là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Là người “cầm cân nảy mực”, cán bộ Tòa án phải "Thủ pháp" là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, cho "Chí công, vô tư" theo đúng quy định của pháp luật. Lời của Bác đã trở thành khẩu hiệu, là phương châm sống của cán bộ công chức toàn ngành TAND.

Lời bài hát lại tiếp tục vang lên với sự “Uy phong công đường xử án. Phán quyết nghiêm minh tiêu trị gian tà. Phải, trái, đục, trong định phân sáng tỏ. Bảo toàn quyền lợi ích nhân dân” giúp cho người nghe biết đến “Công đường" chính là nơi xét xử, nơi thực thi công lý. Ai đã từng đến công đường ắt hẳn sẽ ấn tượng với sự “uy phong” của nó. Và trên công đường đó, Thẩm phán là người có quyền lực cao nhất trên nền tảng luật pháp và đạo đức xã hội, ra “phán quyết” về quyền lợi và trách nhiệm của bị cáo. Trước công đường, mọi bị cáo đều có vị trí ngang nhau trong việc luận công, xét tội.

Trong lời bài hát vang lên quyết tâm của mỗi Thẩm phán là “ Phán quyết nghiêm minh” để “tiêu trị gian tà” và người Thẩm phán phải phân biệt rõ trắng đen, phải trái bằng sự phân tích, đánh giá chứng cứ, thận trọng đưa ra phán xét công tâm.

Do vậy, đòi hỏi người cán bộ ngành Toà án nói chung và Thẩm phán nói riêng phải có “Trí tâm” là trí thức và tâm đức sáng ngời trên con đường đi tìm sự thật và trên con đường xử án “phán quyết nghiêm minh". Lời bài hát như nhắc nhở cũng như khẳng định tầm quan trọng của ngành Tòa án với “Nắm chắc gươm thiêng giữ nền pháp chế”. Và những vất vả, khó khăn cũng như bao thử thách đương đầu trong hoạt động xét xử đã khiến mỗi người trong ngành Tòa án luôn “Tự hào người Thẩm phán nhân dân”

Lời bài hát còn biểu trưng niềm tự hào của ngành Toà án được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao thanh “gươm" pháp luật, để trừng trị gian tà, “bảo vệ kỷ cương" phép nước, bảo vệ công lý. Trong ngành Toà đều thực hiện theo “chân lý” là hoạt động xét xử độc lập theo pháp luật và bảo vệ công lý pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Chính chân lý đó là niềm tự hào của mỗi cán bộ đang công tác trong ngành Toà án.

Kết thúc bài hát, vang lên tinh thần quyết tâm của ngành Toà án với “Kiên trung vì quyền Tổ quốc. Lợi ích nhân dân cao trọng hàng đầu .Vững bước tiến lên sánh cùng Thế giới. Tự hào ngành TAND”. Như một lời khắc tâm kiên định đi theo lập trường chính trị của Đảng, mỗi cán bộ trong ngành Tòa án luôn “kiên trung” – trung thành với Tổ quốc. Đặt Tổ quốc lên trên hết để bảo vệ công lý, bảo vệ “Lợi ích nhân dân cao trọng hàng đầu”. Với lời hát hùng hồn một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của ngành Toà án đã và đang tự tin “Vững bước tiến lên sánh cùng thế giới”. Ngành toà án nói riêng và toàn Đảng, toàn dân Việt Nam nói chung luôn khát khao được sánh vai cùng cường quốc năm châu để thực hiện được như ước mong của Bác Hồ lúc sinh thời.

Hành khúc TAND lặp đi lặp lại từng lời: “Tự hào ngành Tòa án nhân dân”. Đúng như vậy, ngành Toà án quan trọng như thế nào trong việc thiết chế tư pháp, pháp luật. Quan trọng hơn chính ngành Toà án đã bảo vệ cho công lý, bảo vệ cho người dân Việt Nam. Họ chính là lực lượng “ TAND tô đậm sử vàng”. Bài hát chỉ vẻn vẹn 188 ca từ, nhưng mỗi ca từ đều ẩn chứa trong từng lời hát cả một hành trình đảm đương trọng trách của ngành TAND đem lại sự bình yên cho nhân dân.

Ca khúc chính trị đầu tiên ca ngợi ngành Tòa án nhân dân

Với tầm nhìn xa, chỉ sau 11 ngày, kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945), ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33c/SL về việc thành lập Tòa án quân sự trong phạm vi cả nước để xét xử tất cả các hành vi vi phạm pháp luật. Đó là tiền thân của TAND ngày nay.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành TAND đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thông qua hoạt động xét xử, ngành TAND đã góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Cùng với quân và dân cả nước, ngành Tòa án đã và đang sôi nổi thi đua, tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thực hiện lời Bác Hồ dạy đối với ngành TAND "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" theo phương châm "Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân".

Từ khi ra đời đến năm 2010, ngành Tòa án chưa có một bài hát nào phản ánh về ngành, ca ngợi những cán bộ, Thẩm phán giữ cán cân công lý... Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành TAND trong giai đoạn mới, nhân kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống của ngành (13/9/1945-13/9/2010), Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo TANDTC quyết định tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành TAND. Cũng thông qua cuộc vận động này, trong số các ca khúc viết về ngành, sẽ tuyển chọn một ca khúc mang âm hưởng hào hùng, nội dung nêu bật được tầm vóc và sự phát triển đi lên của ngành để làm bài ca chính thức của ngành TAND.

Qua các vòng chấm sơ khảo, chung khảo, đặc biệt là thông qua việc lấy ý kiến bình chọn của đông đảo cán bộ, công chức, Thẩm phán trong toàn ngành, đã tuyển chọn được ca khúc “Hành khúc Tòa án nhân dân” của tác giả Hoàng Kỳ và ngày 13/9/2012, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 59/QĐ-TA Quyết định công nhận ca khúc này làm Bài ca chính thức của ngành TAND.

Cùng với “lô-gô”, biểu trưng của ngành Tòa án về mặt mỹ thuật đồ họa, ca khúc “Hành khúc Tòa án nhân dân” trở thành biểu trưng của ngành Tòa án bằng hình tượng âm nhạc. Nói cách khác, chỉ một nét giai điệu, lời ca của bài hát chính thức vang lên ở bất kỳ nơi nào, là người nghe cảm nhận được đó là những nét tiêu biểu, hào hùng của truyền thống ngành Tòa án, niềm tự hào của những cán bộ làm công tác xét xử.

Để kịp thời phổ biến ca khúc trong toàn ngành cũng như tạo sức lan tỏa trong xã hội, TANDTC đã ghi đĩa bài hát và cấp phát cho tất cả các đơn vị trong toàn ngành; đồng thời, yêu cầu các cấp lãnh đạo trong toàn ngành TAND tổ chức triển khai, luyện tập bài hát “Hành khúc Tòa án nhân dân” đến toàn thể cán bộ, công chức cơ quan; sử dụng lời 1 (phần nhạc chào cờ được ghi trên đĩa) làm bài ca chào cờ (hát tiếp sau bài Quốc ca) vào tất cả các ngày lễ, các sự kiện, hoạt động của cơ quan, đơn vị mà có hát Quốc ca;

Trong những ngày tháng 9 lịch sử, ngành TAND tròn 75 năm hình thành và phát triển, mỗi chúng ta hãy đặt tay vào trái tim nhớ về Bác và cùng hát vang “Hành khúc Toà án nhân dân” để gửi tới những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người đang ngày đêm “cầm cân nảy mực” – bảo vệ công lý cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hành khúc Toà án nhân dân” - Biểu trưng ngành Tòa án bằng hình tượng âm nhạc