Hai người tử vong khi lao động trái phép ở Trung Quốc

Thanh Phương| 05/11/2019 18:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng chục người ở Thanh Hóa vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, rủi ro khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc. Họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu, thậm chí là cả tính mạng của mình.

Ngày 5/11, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, qua quá trình điều tra xác minh, cơ quan chức năng phát hiện có 2 người Thanh Hóa vừa bị hành hung dẫn đến tử vong trong quá trình đi lao động tại Trung Quốc. Cụ thể 2 nạn nhân bị đánh tử vong là Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1991, trú tại thôn Đông, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương) và Đinh Văn Ng. (sinh năm 1972, trú tại thôn Bắc, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương).

Hai người tử vong khi lao động trái phép ở Trung Quốc

Công an tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, xử lý một số người đi lao động trái phép bên Trung Quốc đầu năm 2019

Theo xác minh ban đầu, cả 2 người vừa bị nạn đều sang lao động chui tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc từ đầu năm 2019. Trong quá trình làm việc tại đây, đã xảy ra mâu thuẫn giữa 2 nhóm người đều là lao động Việt Nam. Hậu quả vụ xô xát khiến anh Tr. và anh Ng. tử vong. Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ 3 nghi phạm trong nhóm người nói trên, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh nhân thân, liên hệ với các gia đình nạn nhân bàn giao thi thể cho gia đình lo hậu sự.

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá, thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa còn 1.885 trường hợp đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Số lao động xuất cảnh trái phép tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Hậu Lộc (244 người), Quảng Xương (225 người), thành phố Sầm Sơn (110 người), Mường Lát (102 người), Hà Trung (95 người), Thạch Thành (75 người), Thường Xuân (73 người), Hoằng Hóa (73 người), Cẩm Thủy (68 người).

Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, thường xuyên triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi các nước lao động trái pháp luật, nhất là tại Trung Quốc. Lực lượng chức năng đã tiến hành ký cam kết không tiếp tục xuất cảnh trái pháp luật được 895 trường hợp và 464 gia đình ký cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về nước...

Hai người tử vong khi lao động trái phép ở Trung Quốc

Người dân được tuyên truyền, ký cam kết không đi lao động trái phép

Hàng năm, vào dịp trước, trong và sau tết, chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền, vận động nhân dân về xuất cảnh, nhập cảnh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Các xã tuyên truyền trong các cuộc họp tại thôn, xóm; bố trí công an viên dùng loa di động tuyên truyền ở tất cả các thôn; phát các bài tuyên truyền trên loa phát thanh của xã để người dân chấp hành đúng pháp luật. Bên cạnh đó, địa phương cũng yêu cầu người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép, không tổ chức, lôi kéo, rủ rê người dân xuất cảnh trái phép lao động tại Trung Quốc. Ngăn chặn không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép. Đồng thời thông qua số lao động đã trở về nước để kêu gọi số lao động đang sống và làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, vận động người thân trong gia đình có lao động trái phép động viên họ trở về địa phương theo quy định pháp luật.

Tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến sức khỏe, tính mạng… Biết là vậy, nhưng hiện nay địa phương đang gặp khó khăn trong công tác quản lý công dân xuất cảnh trái phép sang nước bạn. Bởi, khi người dân ra khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa thường không báo cáo với chính quyền địa phương, nên rất khó phát hiện những trường hợp lao động xuất cảnh bất hợp pháp. Trong khi đó, lao động tại các vùng biển không có tay nghề, khó xin việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại nước ngoài. Về lâu dài, một mặt các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý đối với các cá nhân môi giới lao động đi làm việc trái phép. Mặt khác cần đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển ngay tại địa bàn các địa phương này. Có sinh kế tại chổ ổn định sẽ không phát sinh các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và không còn đất sống cho cò, môi giới lao động “chui”.

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp xuất cảnh trái phép đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn tái xuất cảnh trở lại và bị bắt, trao trả, đẩy đuổi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai người tử vong khi lao động trái phép ở Trung Quốc