Hà Nội thí điểm quản lý kinh doanh trái cây tại các quận nội thành

Đỗ Việt| 24/10/2017 17:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành, có đăng ký kinh doanh, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng.

Chiều 24/10, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở Công thương Hà Nội đã phê duyệt Đề án Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, nhằm tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ngăn chặn kịp thời tình trạng sử dụng hoá chất bảo quản trái cây, lây lan dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân…

Hà Nội thí điểm quản lý kinh doanh trái cây tại các quận nội thành

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội thông tin tại cuộc giao ban

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng bán trái cây tại các quận nội thành, có đăng ký kinh doanh, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng...

Cụ thể, các cửa hàng kinh doanh trái cây phải bảo đảm 4 nhóm điều kiện: Thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; Điều kiện nhân lực; Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; Điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.

Đặc điểm nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm an toàn: Cửa hàng chuyên doanh trái cây và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp, trong đó có sản phẩm trái cây được cấp biển nhận diện (logo); Cơ sở kinh doanh trái cây phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

Cùng đó, cơ sở kinh doanh trái cây đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh còn hạn theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Các cửa hàng được cấp biển nhận diện được công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn thể người tiêu dùng Thủ đô nắm rõ, lựa chọn.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, lộ trình Thực hiện Đề án được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (Từ tháng 8 đến tháng 9/2017) xây dựng và ban hành Kế hoạch, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thành phố và thành lập các Tổ công tác, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp Thành phố, cấp quận triển khai Đề án.

Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tập huấn, phổ biến, vận động thực hiện Đề án và các quy định của pháp luật và Thành phố về quản lý, kinh doanh trái cây đến trực tiếp các đối tượng của Đề án…

Giai đoạn 2 (Từ tháng 10/2017  đến tháng 2/2018) tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động thực hiện Đề án từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở; tăng cường tổ chức các chương trình khám sức khỏe; tập huấn, nâng cao nhận thức về quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm, kiến thức kinh doanh văn minh hiện đại. Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xác nhận kiến thức ATTP, xác nhận cam kết đảm bảo ATTP và cải tạo, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy định.

Giai đoạn 3 (Từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018) tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; Hoàn thành công tác cấp Biển nhận diện đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thí điểm quản lý kinh doanh trái cây tại các quận nội thành