Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Kiến nghị một số quy định hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em

Việt An| 09/03/2023 16:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em. Để quy định về đất đai phù hợp và đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em đã có một số kiến nghị liên quan đến nội dung này.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 kéo dài cho đến ngày 15/3/2023.

Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.

Trong thời gian qua, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đã được tổ chức rộng rãi tại một số địa phương với sự tham dự đông đảo của đại diện cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp để góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Mục tiêu của việc sửa đổi này là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai, góp phần thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ13, Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng, đảm bảo Luật Đất đai thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Kiến nghị một số quy định hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội luật sư vì quyền trẻ em 

Đáng chú ý, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương 236 Điều, trong đó có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội đó là trẻ em.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em đã có một số kiến nghị liên quan đến nội dung này.

Cụ thể, quy định tại dự thảo tại Điểm d Khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật đất đai (Sửa đổi)

“Điều 104. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

2. Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

d) Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật.”

Luật sư Phạm Bích Hảo góp  ý sửa từ “trẻ em chưa đến tuổi lao động” thành trẻ em dưới 16 tuổi.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: “Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động”.

Theo luật sư Hảo, việc quy định trẻ em chưa đến tuổi lao động không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 1  Luật trẻ em 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi.”

Tuy nhiên, Điều 143 Bộ Luật lao động 2019 quy định, người chưa đủ 13 tuổi cũng có thể làm các công việc theo quy định pháp luật. Đơn cử như các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Do đó, việc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “hỗ trợ trẻ em chưa đến tuổi lao động” sẽ chưa bao quát và không cụ thể được quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ theo quy định tại Luật trẻ em 2016. Do đó, để có sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, kiến nghị quy định rõ “Hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi”.

Ngoài ra, tại Điều 143 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bổ sung thêm khoản 5a, quy định về nguyên tắc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất: “Người chưa thành niên được quyền đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Khi  người chưa thành niên đứng tên quyền sử dụng đất phải có người giám hộ".

Luật sư Hảo cho biết, pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định trẻ em có quyền tài sản riêng là bất động sản và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của trẻ em phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Trên thực tế vẫn có trường hợp bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất khi con chưa đủ 18 tuổi nên để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trẻ em nên có quy định trong Luật đất đai.

"Để có sự đồng bộ giữa các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cần có quy định trong Luật đất đai", Luật sư Hảo đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Kiến nghị một số quy định hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của trẻ em