Từ 20/11, các loại sữa nhập cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi… đều được đưa vào diện hàng bình ổn giá và buộc phải kê khai với BTC khi điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, bất chấp các chế tài quản lý, sữa vẫn rục rịch tăng giá.

 

Giá sữa vẫn “loạn”

 

Nhiều mặt hàng sữa lại rục rịch tăng giá Ảnh: Ngọc Dung

 

Đại diện Bộ Tài chính (BTC) khẳng định sẽ rà soát và xử lý những trường hợp tăng giá bất hợp lý, từ đó đưa ra quyết định xử lý. Nhiều năm qua, các sản phẩm sữa - nay là thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống - đã liên tục tăng giá với tốc độ “phi mã”, dù đã được đưa vào danh mục hàng hóa phải kê khai giá từ năm 2007. Đã có những thống kê cho thấy giá các sản phẩm này đã tăng khoảng 30 lần trong 6 năm. Như vậy, trung bình cứ hơn 2 tháng, giá sữa lại tăng 1 lần. Ngoài các yếu tố như giá nguyên liệu, tỉ giá, chi phí kinh doanh… thì đa phần những lần tăng giá sữa đều là do DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhất là với sữa nhập khẩu. Thông tư 104/2008 của BTC đã quy định trong vòng 15 ngày liên tục, sữa không được tăng giá 20% nhưng hiện nay, DN thường để sau khoảng thời gian này mới tăng giá. Vì vậy mà liên tục nhiều năm, giá sữa tăng vài lần mỗi năm nhưng các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được, vì DN vẫn tuân thủ đúng quy định của Pháp lệnh giá. Đây chính là kẽ hở của những quy định về quản lý giá, không chỉ là chuyện sữa thay đổi tên gọi là nguyên nhân để các cơ sở lách luật tăng giá.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng khó có thể kiểm soát được giá sữa nếu cứ áp đặt các biện pháp hành chính, bộ nào cũng quản lý nhưng suy cho cùng chẳng bộ nào quản. Thị trường sữa bột cho trẻ em hiện có tới 200 nhà nhập khẩu, phân phối nhưng hầu hết đều thuộc các hãng nước ngoài, chiếm đến 80%. Có thể thấy sữa đang bị thao túng bởi một số “ông lớn” chiếm thị phần cao.

 

Hiện nay, khi các quy định kiểm soát giá sữa đã có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhìn nhận đây cũng chỉ là những biện pháp hành chính, chưa phải giải pháp thị trường nên tính khả thi và hiệu quả sẽ khó như mong muốn. Thị trường sữa cần được quản lý bằng những giải pháp mang tính thị trường, chứ không phải chỉ là kê khai giá. 

 

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá sữa vẫn “loạn”