Đúng sai xung quanh việc CSGT Đà Nẵng bắt người vi phạm chép phạt

Nguyễn Đình Kim Cương| 06/04/2016 16:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, việc một nữ sinh vi phạm luật giao thông bị CSGT Đà Nẵng bắt chép phạt 30 lần khiến dư luận quan tâm. Trong đó, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc này.

Xử lý vi phạm bằng hình thức chép phạt

Sự việc xảy ra vào chiều ngày 1/4, khi  nữ sinh Phan Thị Thanh Tuyền (SN 1994, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cùng bạn là Võ Thị Thu Tuyết (SN 1994, quê Đắk Lắk) từ chợ Bắc Mỹ An (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đi ra nút giao cầu Tiên Sơn - Lê Văn Hiến.

Tại đây, do 2 người mải nói chuyện nên không để ý biển cấm đi ngược chiều và bị Tổ công tác của Đội CSGT Công an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng thổi phạt.

Đúng sai xung quanh việc CSGT Đà Nẵng bắt người vi phạm chép phạt

Hình ảnh nữ sinh Tuyền đang chấp hành hình thức "chép phạt" gây "bão mạng"

Thấy hai bạn nữ này ngơ ngác, không biết mình vi phạm luật, nên các chiến sỹ CSGT đã chỉ rõ lỗi và cho chọn nhận hình thức phạt: một là nộp 300 ngàn đồng cho lỗi đi ngược chiều, hai là chép phạt 30 lần câu :”Tôi hứa không đi ngược chiều nữa”.

Việc xử phạt này sau đó đã được một người đi đường chụp ảnh, đưa lên mạng xã hội Facebook và gây sự tranh cãi từ dư luận. Nhiều ý kiến ủng hộ cách xử phạt này và cho rằng cách xử phạt rất nhân văn, không rập khuôn, máy móc, linh động giúp người phạt không bị ức chế, sẽ thấm thía, nhớ kỹ lỗi của mình và lần sau sẽ không tái phạm nữa. Tuy nhiên cũng có ý kiến phản đối vì lý do tính “thượng tôn pháp luật” cần được đặt lên hàng đầu.

Hợp tình nhưng chưa hợp lý?

Đó là ý kiến của hầu hết các Luật sư khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.

Theo Luật sư Lê Ngọc Hoàng – Trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Hà Nội): "Xét về góc độ tình cảm, việc bắt người vi phạm chép phạt phần lớn được sự ủng hộ của đông đảo dư luận, bởi làm thế, hình ảnh người chiến sỹ CSGT sẽ trở nên gần gũi, thân thiện hơn với nhân dân. Về góc độ này thì tôi ủng hộ cách làm của CSGT Đà Nẵng.

Xét về góc độ pháp luật, nếu đã là quy định thì chúng ta nên tuyệt đối tuân thủ theo quy định đó. Trong trường hợp, có quy định hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền, thì việc lựa chọn hình thức cảnh cáo, nhắc nhở là phù hợp. Nhưng nếu quy định chỉ có hình thức là phạt tiền mà CSGT áp dụng hình thức “chép phạt” là chưa đúng quy định theo Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 171/2014/NĐ-CP".

Còn Luật gia Vũ Văn Nhất – Giám đốc Công ty TNHH Vũ Gia Luật thì cho rằng: “Tính “thượng tôn pháp luật” cần được đặt lên hàng đầu. Đã là quy định pháp luật thì chúng ta cần nghiêm chỉnh tuân thủ, đúng quy tắc, kể cả người chấp hành và người thực thi pháp luật. Có như vậy việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền mới được bền vững. Việc CSGT Đà Nẵng bắt người vi phạm pháp luật chép phạt, tuy là việc làm được đa số ủng hộ, nhưng tôi sợ rằng nó sẽ phản tác dụng, trở thành tiền lệ xấu khi người vi phạm cứ nghĩ rằng “chép phạt mấy dòng chứ bao nhiêu” và cứ vi phạm đi”.

Luật sư Trần Anh Dũng – Giám đốc công ty luật Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) lại cho rằng, hiện nay, ý thức người tham gia giao thông rất kém nên thường xuyên vi phạm luật. Mỗi khi bị CSGT phạt đúng luật thì họ lại tỏ ra khó chịu, thậm chí thù ghét những người thực thi pháp luật, hoặc người vi phạm có mối “quan hệ” nên thường hay “xin xỏ”. Việc CSGT Đà Nẵng bắt người vi phạm chép phạt, trong đó cũng thể hiện tính nhân văn, giúp người vi phạm nhận thức rõ lỗi mình vi phạm. Tuy nhiên, để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, để cơ chế “xin cho” không còn tái diễn, để tiền lệ xấu không xảy ra, tôi nghĩ chúng ta cần phải làm đúng luật, theo pháp luật mà làm, không thể “du di” một vài lần và không nên làm trái luật định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đúng sai xung quanh việc CSGT Đà Nẵng bắt người vi phạm chép phạt