Dự án đại lộ Đông - Tây tạo "cú hích" hạ tầng cho tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Cúc| 07/11/2018 09:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỉnh Thái Nguyên đang trong quá trình thi công đại lộ Đông - Tây, Dự án nằm trong quy hoạch đường vành đai V - là một công trình giao thông trọng điểm của địa phương.

Đại lộ Đông – Tây nối từ huyện Phú Bình sang thị xã Phổ Yên nhằm giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn của nhân dân. Góp phần tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao - Đô thị và dịch vụ Yên Bình, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa khu vực phía tây nam của tỉnh.

Theo quy hoạch, đường vành đai V đi qua 8 tỉnh, thành phố, có chiều dài 331,5km, trong đó Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đi qua tỉnh Thái Nguyên 28,9km. Riêng đoạn tuyến đi trùng đại lộ Đông - Tây tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu có đoạn tiếp giáp với tường rào Công ty TNHH MTV Cơ điện và Vật liệu nổ 31 (hay Nhà máy Z131). Chiều dài tiếp giáp khoảng 850m, điểm tiếp giáp gần nhất theo thiết kế của đường vành đai V đến nhà máy là trên 54m, điểm xa nhất là 254m. Hiện nay, đoạn đường này nằm trong phạm vi vành đai an toàn kho chứa vật liệu nổ của Nhà máy Z131. Để đảm bảo kế hoạch triển khai dự án, không phá vỡ quy hoạch đang xây dựng của thị xã Phổ Yên và của tỉnh, đồng thời kết hợp hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh quốc phòng, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị thống nhất phương án đường vành đai V - Vùng Thủ đô Hà Nội, cũng như thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn tại Nhà máy Z131.

Dự án đại lộ Đông - Tây tạo

Khi hoàn thành, đại lộ Đông - Tây sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực phía Tây Nam tỉnh Thái Nguyên.

Đại lộ Đông - Tây nối Quốc lộ 37 tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình đi qua Khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao - Đô thị và Dịch vụ Yên Bình nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình, thuộc thị xã Phổ Yên. Đại lộ Đông - Tây được xây dựng với nền đường rộng 33 m, mặt đường rộng 24 m, ở giữa có dải phân cách rộng 5 m, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư... với tổng số vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, trong đó vốn Trái phiếu Chính phủ 670 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh Thái Nguyên.

Khi hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đến Hà Nội, giải quyết nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa rất lớn giữa huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, giảm tải cho Quốc lộ 37, đặc biệt là tuyến từ ngã tư Điềm Thuỵ sang thành phố Sông Công hiện nay nhỏ hẹp, thường xuyên ắch tắc và tai nạn giao thông.

Mặt khác, đại lộ Đông - Tây mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Khu Công nghiệp - Nông nghiệp công nghệ cao - Đô thị và Dịch vụ Yên Bình rộng hơn tám nghìn ha, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình.

Với ý nghĩa đó, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu chủ đầu tư và các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, quản lý chặt chẽ để tuyến đường hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong quá trình thi công phải giảm tối đa tác động đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án đại lộ Đông - Tây tạo "cú hích" hạ tầng cho tỉnh Thái Nguyên