"Đốt vàng mã" biến tướng cuối năm

Hà Linh| 09/01/2015 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Điện thoại Iphone 6, laptop, tivi, biệt thự, xe sang... tất cả đều xếp đống để chờ “người dương” châm lửa gửi cho “người âm”. Không biết ở “thế giới bên kia” có nhận được hay không chỉ biết rằng số tiền quá lớn đã bị tiêu tan trong thế giới hàng mã.

Nặng nề hủ tục đốt vàng mã

Như đã thành thông lệ, càng gần đến cuối năm các loại hình mê tín dị đoan như đốt vàng mã, bói toán. Dẫu là chuyện “biết rồi  khổ lắm nói mãi” nhưng thiết nghĩ một hồi chuông cảnh báo nữa tới người dân là không bao giờ thừa.

Theo quan niệm của người xưa “Trần sao âm vậy” vì vậy người ta thường cúng tế cho người đã chết những vật dụng tự làm bằng tre, gỗ, rơm rạ, giấy, sau đó đốt để người cõi âm mang đi, việc đốt vàng mã chỉ là một vài vật dụng mang tính tượng trưng và được tiến hành đốt khi cúng giỗ cho ngày rằm lớn. Nhưng những năm gần đây  việc đốt vàng mã trở nên phức tạp hóa với nhan nhản những mô hình vật dụng hàng ngày được dựng giống như thật từ kích thước đến hình dáng bên ngoài có giá đắt đỏ.

Chúng tôi đến đến làng Đông Hồ (Bắc Ninh) những ngày cận tết này thì điều đầu tiên có thể thấy là lần lượt những chuyến xe được xếp ngồn ngộn vàng mã được chở đi phân phối ở các nơi như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…Tìm vào một cơ sở sản xuất hàng mã ở làng Đông Hồ chúng tôi đã mục sở thị và không khỏi sửng sốt với những đơn đặt hàng lên tới hàng trăm triệu. Bà chủ cơ sở sản xuất cho chúng tôi xem một đơn đặt hàng của người khách tên Hằng ngụ tại Hoàn Kiếm – Hà Nội kèm theo số lượng hàng là những dòng chữ ghi lại những yêu cầu quái lạ của người phụ nữ này.

 

 

Đến Đông Hồ những ngày cận tết như lạc vào cõi âm với ngồn ngộn vàng mã và biển hiệu

"Ngân hàng âm phủ", "Tiệm quần áo bà cô, ông cậu" 

Bà cho hay về vị khách có đơn đặt hàng “đặc biệt này”, chẳng là vị khách này có cậu quý tử năm nay 20 tuổi nhưng do được nuông chiều nên không chịu học hành mà suốt ngày ăn chơi lêu lổng, đua xe. Trong một lần tổ chức đua xe, vào tháng 10 năm 2014 “tay đua” đã mất lái, đâm vào cột mốc và chết ngay tại chỗ. Sau đám tang bà khách đi “xem bói, gọi hồn” thì cậu con trai hiện về đòi gửi trong dịp tết nguyên đán sắp tới  một chiếc xe đua mà khi sống cậu thường “tôn sùng”. Bà yêu cầu cơ sở phải làm giống y như thật, có thương hiệu nhãn mác đầy đủ như những chiếc xe thời thượng, ngoài chiếc xe như vậy bà còn đặt thêm ngôi nhà 5 tầng với đầy đủ tiện nghi và có cả hình nhân để giúp việc nhà cho con trai ở “dưới cõi âm” không chỉ vậy bà còn đặt làm một cô gái xinh xắn với kích thước như thật để bà “cưới vợ” cho con, giá cả mỗi món hàng bà đặt không dưới tiền triệu.

   

Tivi, bếp ga, tủ lạnh "Giấy" được dựng mô hình như thật

 Có thể nói thủ tục đốt vàng mã ngày càng trở nên biến tướng và dần dần trong các ngày lễ, giỗ chạp thì người người nhà nhà chẳng nề hà đốt tiền, những vật dụng rất đỗi thực tế trong cuộc sống đời thường như tivi, tủ lạnh, xe cộ… họ cứ thản nhiên đốt với những ý để cho “người âm” có cuộc sống sung túc. Thậm trí nhiều người còn đua nhau đốt vàng mã với nhiều lý hết sức buồn cười, có người khi đốt vàng mã chỉ vì buôn bán thua lỗ nên đốt để giải xui, cầu xin các “cô hồn” cho buôn may bán đắt. Có người đốt vàng mã để toại nguyện ước muốn có một vật dụng nào đó thì lại đốt mô hình đồ vật mong ước. Rồi có những người chỉ vì hợm của, khoe mẽ đã bỏ cả cả triệu để mua đồ mã về đốt để cho thiên hạ biết mình giàu, mình thuộc hàng có “tâm” nên đốt để tích đức.

Trong Phật giáo, chúng ta không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết ghi trong tam tạng kinh điển. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên các con cái thân thuộc của người chết nên làm các việc như bố thí giúp người nghèo khổ, cúng dường trai tăng, ăn chay niệm Phật và phóng sinh rồi hồi hướng công đức ấy cho vong linh để siêu độ vong linh.  Tuy nhiên vốn là phong tục tập quán tồn tại lâu đời của người dân Việt, nên việc loại bỏ ra khỏi đời sống là điều vô cùng khó thực hiện, nhưng điều đáng nói là chúng ta cần biết phát huy và giữ gìn những tập quán ấy như thế nào cho hợp lý để vừa giữ được ý nghĩa tốt đẹp mà lại không gây tiêu cực cho đời sống hàng ngày.

Trao đổi với Thạc sĩ Trần Văn Phương (Giảng viên Khoa Văn hóa – Phát triển, Học Viện Báo chí và tuyên truyền)  biết rõ hơn về nguồn gốc của hủ tục đốt vàng mã trong dịp tết: “Tục đốt vàng mã không phải xuất xứ từ Việt Nam mà từ thời Trung Hoa cổ đại khi đó còn có chế độ chiếm hữu nô lệ, các vua chúa phong kiến khi qua đời thì có tục là chôn cùng những vật dụng thường dùng hàng ngày, nhưng qua bao đời thấy việc chôn theo những vật dụng thật như thế là sự lãng phí nên họ chuyển đổi bằng các đồ bằng giấy để đốt gửi cho người chết, từ đó ở Việt Nam cũng hình thành tục đốt vàng mã vào những dịp như rằm tháng 7, rằm tháng chạp…”

Lạc vào cõi âm

 Để phản ánh trọn vẹn hủ tục này một buổi chiều của tháng cận tết chúng tôi dạo qua các cửa hàng bán đồ vàng mã ở Hàng Mã – Hà Nội cũng như tiếp xúc với, những người chuyên đốt vàng mã để giải mã thêm cho câu hỏi: Vì sao thiên hạ hay đốt vàng mã?. Trên các ki- ốt nằm sát mé đường bày biện, treo móc la liệt nào là ô tô, nhà lầu, quần áo thời trang… xen lẫn là những chồng “hiện kim” được xếp tầng tầng với những miếng vàng ký hiệu 9999, những thỏi bạc, tờ polime, đô la.. nhìn xa như thật.

 

Xe máy sh, xe đạp điện với giá hàng trăm, hàng triệu xếp đống chờ người trần "châm lửa"

Vừa bước đến trước dãy ki- ốt chúng tôi đã nhận được những lời mời chào rôm rả: “Chọn đồ đi em ơi, ở đây đầy đủ hết, cái gì cũng có mẫu mã đảm bảo như thật,  khỏi phải chê”. Có người còn tường tận giải thích: “Cuối năm rồi mua đốt cho các cụ để các cụ phù hộ cho sang năm được vạn sự như ý, tiền bạc dồi dào” .

Thấy chúng tôi đang ngắm chiếc tivi hình dáng lạ kèm tên nhãn hiệu Samsung chị bán hàng nhanh nhảu: “Cái này năm nay mới có đấy, tivi màn hình cong mới quảng cáo đó, đốt cho các cụ thì hợp thời thượng quá còn gì”.

Vài năm gần đây ngoài những món đồ cổ điển như giày, mũ, quần áo, giấy tiền… thì nay để theo nhịp thời đại, các cơ sở sản xuất hàng mã đã tung ra thị trường nhiều mẫu mã thời thượng.

Chúng tôi mon men tìm hiều giá cả các mặt hàng với đủ giá, từ một vài trăm cũng có mà vài triệu đồng, thậm chí cả chục triệu cho một món hàng “giấy” cũng có. Hầu như ở ki - ốt bán hàng nào cũng có vài cuố album với nhiều kiểu để khách hàng tiện đặt mua.

Nhà loại “cao cấp” thì có giá từ 500.000 – 2.000.000 đồng/ căn… “xe máy” thì cũng giá tương đương như vậy, mặc dù giá cả không hề rẻ nhưng chúng tôi đã chứng kiến gần 20 vị khách bỏ hàng trăm, hàng triệu để mua một lô lốc tiền giấy. Trò chuyện với bà Lan (60 tuổi) đang đi “chọn đồ” tại Hàng Mã: “Lúc còn sống ông nhà tôi khổ quá rồi, sống thiếu thốn đủ cái. Nay ông ấy mất mình ở trên này cũng không phải có điều kiện gì nhưng cứ đến những ngày cuối năm cũng cố bỏ ra vài trăm mua những thứ ông ấy chưa được hưởng bao giờ, để dưới ấy đầy đủ”

Hàng mã được các cơ sở sản xuất chất đầy xe để phân phối đi các nơi

Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, nhưng lại có rất nhiều người có những hành vi, mê tín đến ngu muội, mặc dù những điều vô lý rõ sờ sờ trước mắt nhưng do chẳng thèm quan tâm, khi đặt ra câu hỏi là nếu đốt những vật như xe máy, tivi mà không đốt cây xăng, dây điện thì những đồ đó đốt xuống liệu có dùng được không thì nhận được câu trả lời hết sức hồn nhiên của một vị khách: “ Những thứ ấy kiểu gì chẳng có sẵn rồi lo gì, nếu không đốt thì người ở dưới ấy lại kêu, đòi vì không có quần áo và đồ dùng để dùng”

Hủ tục cần loại bỏ

Khi những phong tục trở nên lạc hậu, cản trở tiến trình phát triển của xã hội thì cần phải loại bỏ và trong đó hủ tục đốt vàng mã mang màu sắc mê tín và trở thành vật cản, là gánh nặng truyền đời đối với các cộng đồng người. Ngoài sự nguy hại với nỗi ám ảnh giặc hỏa tung hoành, ô nhiễm môi trường và hệ lụy ghê gớm thấy rõ nhất là sự lãng phí. Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể cho việc mỗi năm người ta tiêu đốt bao nhiêu cho đồ mã, nhưng chỉ nhìn lướt qua những danh sách đặt hàng của các cơ sở sản xuất, bán hàng mã thì dám khẳng định rằng con số không hề nhỏ.

Đã không ít những vụ "bà hỏa"  viếng thăm người dân theo làn khói hàng mã

 Cách đây không lâu tại mộ ngôi chùa trong Thành Phố Hồ Chí Minh thay vì mang vàng mã đến các phật tử tiến cúng bằng tiền mặt để nhà chùa làm công đức,  giúp đỡ những người thang thang cơ nhỡ và số tiền tiết kiệm được trong vòng 2 năm đã lên tới gần tỉ đồng. Thiết nghĩ số tiền hằng năm người ta “châm lửa đốt” một cách vô tác dụng như vậy nếu đem đến các cơ sở từ thiện hoặc giúp đỡ người nghèo khó thì thật ý nghĩa bao và đó có lẽ mới thực sự là sự “tích đức”.

Xuân đến Tết về là dịp các hủ tục xuất hiện, chỉ mong rằng những người vốn tin mù quáng vào ma quỷ, vào thần thánh phải thực sự tỉnh táo để khỏi rơi vào vòng xoáy của sự mụ mị rồi phó mặc số phận, tương lai vào những điều hư không để rồi tự rước họa vào thân. Những người “gửi gắm” cho người quá cố chỉ cần một vài đồ vật tượng trưng để bày tỏ lòng thành là điều không đáng nói, nhưng nếu lạm dụng “đốt tiền” một cách tràng giang đại hải để đua đòi, adua theo phong trào thì thật không nên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đốt vàng mã" biến tướng cuối năm