Đón Tết yên vui, đầm ấm

Lê Tính| 07/02/2015 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dân lao động Việt Nam ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh...

Tuy vậy, nhân dân Việt Nam rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân Việt Nam luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” – lời dạy của Bác đã thấm sâu trong cách nghĩ, cách làm của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) và được hiện thực hóa trong từng chương trình, hoạch định, chính sách chăm lo cho nhân dân TP. Không chỉ nâng cao về đời sống vật chất, tinh thần, các giá trị văn hóa cho nhân dân, mà đảng bộ TP.HCM còn coi công tác xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước ta.

Giải quyết những vấn đề phát sinh

Trong nỗ lực ấy, TP.HCM tập trung ưu tiên phát triển ở một số lĩnh vực trọng yếu, đạt được những bước tiến vượt bậc trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh, nhưng vẫn không ngừng quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh doanh được ban hành đã tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Thành phố đã và đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực giúp người nghèo vượt khó. Tuy nhiên, nói như Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM - Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Trong quá trình phát triển của một đô thị đặc biệt, đông dân như TP.HCM, giải quyết vấn đề này, thì sẽ phát sinh vấn đề mới, và giải quyết vấn đề mới, lại phát sinh những vấn đề mới nữa. Đó là quy luật tất yếu của quá trình phát triển. Mà giải quyết được những vấn đề phát sinh đó là đã tạo điều kiện để phát triển, đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP.HCM”.

Những vấn đề phát sinh rất nhiều, phát sinh đến đâu, thành phố giải quyết đến đó. Nhân dân thành phố thời gian trước thường phàn nàn có quá nhiều dự án treo. Ngay sau đó, TP.HCM đã rà soát và công khai chấm dứt 550 dự án không khả thi, hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, đã xóa “treo” theo nguyện vọng nhân dân và điều chỉnh, bổ sung thêm 2.000 dự án đầu tư trên địa bàn  có sử dụng đất.

Đón Tết yên vui, đầm ấm

Sự quan tâm của các cấp, đơn vị và nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã mang lại cái Tết ấm cúng cho người lao động (Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân thăm và chúc Tết công nhân lao động nghèo)

Để có thêm trường lớp cho con em nhân dân học tập, thành phố hiện đang triển khai 11 dự án với hơn 1.500 phòng học. Trong đó, đã hoàn thành 5 dự án cho khối nhà trẻ, mầm non với 156 phòng học. Nhiều đề án hiệu quả đào tạo nghề lao động nông thôn cũng được đưa ra, bên cạnh việc đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển giao khoa học công nghệ, phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa các tuyến hẻm ở các khu dân cư, làm cho diện mạo nông thôn của thành phố từng bước đổi thay.

Xóa đói, giảm nghèo, chăm lo tết

Điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo của TP HCM là đã nâng thu nhập bình quân người nghèo vượt mức 12 triệu đồng/người/năm, hoàn thành giai đoạn 3 sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 9 đề ra, tiếp tục nâng mức thu nhập xác định hộ nghèo giai đoạn 4 lên 16 triệu đồng/người/năm. Thực tế, vấn đề đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số đang được Đảng bộ TP.HCM đặc biệt quan tâm. Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM - Nguyễn Thị Quyết Tâm: “TP.HCM làm rất nhiều việc, có rất nhiều chính sách chăm lo toàn diện cho người dân. Tuy nhiên, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, giá cả sinh hoạt rất đắt đỏ, điều kiện sinh hoạt, nhu cầu đời sống người dân ngày càng ngày được nâng cao, chính vì vậy, quan điểm của TP là làm sao vừa chăm lo cho người dân, nhưng phải vừa đảm bảo rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nhất là giữa nội thành với ngoại thành”.

Nhiều chính sách, chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở như người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, người nghèo ở nông thôn, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị... đã được TP HCM ban hành và triển khai thực hiện. Việc đào tạo nghề và tạo việc làm mới, nâng cao trình độ, y tế, sức khỏe, xây dựng các thiết chế văn hóa mà trong đó, có các chính sách để người dân, đặc biệt là người nghèo được tiếp cận với các hoạt động văn hóa có chất lượng.

Không đâu xa, trong số những người nghèo ở TP HCM, mỗi gia đình được giúp đỡ cách khác nhau. Nhờ chính sách chăm lo cho người nghèo của thành phố, chị Triệu Lệ Anh, một phụ nữ người Hoa nghèo ở P.15, quận 5 được san sẻ bớt gánh nặng nuôi dưỡng mẹ già 90 tuổi và người chồng bệnh nằm liệt giường, thêm đứa con bị tâm thần. Chị bảo, nhờ Đảng bộ TP, Mặt trận, chính quyền địa phương quận 5 giúp đỡ, mẹ già chị được tặng thẻ bảo hiểm y tế để khám bệnh, con trai út chị được trợ cấp tiền học bổng giờ cũng đã tốt nghiệp Cao đẳng ra trường có việc làm phụ giúp gia đình, nhờ vậy chị đã bớt đi phần nào sự cơ cực mà bao năm nay một mình chị gánh vác…

Tết Nguyên Đán Ất Mùi gần kề, công tác chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, chính sách, có công cũng đã được TP.HCM triển khai tích cực tới các cơ quan ban ngành, đoàn thể, quận huyện, nhân dân trên địa bàn thành phố. Tại quận Thủ Đức, nơi nhiều công nhân lao động, doanh nghiệp, có ít là 500 lao động và cao nhất là 1.800 lao động. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thọ Truyền thì hiện Liên đoàn Lao động quận đang quản lý 315 tổ công nhân tự quản ở 8 phường, trong đó, quận sẽ tập trung cho 3 phường có đông công nhân và người lao động như: Linh Trung, Bình Chiểu, Linh Xuân, dự kiến sẽ trao gần 900 phần quà trong dịp Tết. Ngoài ra quận còn tổ chức các tiết mục văn nghệ phục vụ công nhân lao động.

So với năm ngoái, năm nay, mức hỗ trợ chăm lo Tết cho các hộ nghèo, người có công, người chính sách trên địa bàn TP.HCM đều tăng hơn do kinh tế thành phố khởi sắc và chỉ tiêu thu ngân sách năm 2014 đã vượt mức kế hoạch giao. Dự kiến TP. HCM sẽ chi 198 tỉ đồng chăm lo Tết cho 246.400 người trong diện chính sách, người có công, người nghèo... Trong đó, chỉ riêng chi cho người nghèo, người thuộc diện bảo trợ đã hơn 104 tỉ đồng. Ngoài ra, gần 180.800 cán bộ, công nhân viên chức nhà nước thuộc diện thu nhập thấp sẽ được hỗ trợ gần 181 tỉ đồng. Với những nỗ lực trên, hy vọng nhân dân TP.HCM, các hộ nghèo, người có công, chính sách… sẽ có một cái Tết Ất Mùi thật ấm cúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đón Tết yên vui, đầm ấm