Độc đáo tộc người “nghiện” nhuộm răng

Nam Hoàng| 14/12/2017 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho đến giờ, khi đặt chân đến bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu), người ta sẽ gặp rất nhiều phụ nữ có hàm răng đen óng. Đó cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá về nhan sắc của dân tộc này.

Với số dân chưa đến 6.000 người, sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu), dân tộc Lự là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tuy nhỏ bé là vậy, nhưng người Lự vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục cho đến các phong tục tập quán trong sinh hoạt thường nhật. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến phong tục nhuộm răng đã tồn tại suốt hàng thế kỷ.

Độc đáo tộc người “nghiện” nhuộm răng

Người phụ nữ Lự thường có hàm răng đen bóng

Những cư dân thành Xam Mứn

Bao phủ cả bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu), nơi có gần 500 hộ với xấp xỉ 3.000 nhân khẩu người dân tộc Lự sinh sống, là sự bình yên ấm áp, với nhiều cửa nhà vô tư khép hờ, dù chủ nhân vắng mặt. Rải rác dưới hiên của những ngôi nhà sàn bốn mái, những khung dệt, xa quay vẫn như đang chờ đợi tay người... Rồi những ôm tranh, thước củi chen nhau chất kín trên nhà, dưới sàn, cho thấy sự bám rễ thâm sâu của người Lự trên bản Hon, một miền đất lành mà tổ tiên họ đã chọn để an cư lập nghiệp sau khi phải thiên di ra khỏi thành Xám Mứn - Điện Biên để tránh nạn lửa binh từ bao thế kỷ trước.

Người Lự thuộc ngành Tày - Thái, trên con đường thiên di về phía Nam, họ bị phân tán và sống xen kẽ với người Dao, người Mông... Chính vì thế, điều dễ nhận thấy là văn hóa của dân tộc này vẫn giữ được văn hóa của cư dân Tày - Thái, song cũng đã có sự giao thoa, tiếp nhận thêm nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Người Lự đến định cư tại Tây Bắc từ bao giờ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Theo các nhà dân tộc học, sớm nhất vào thế kỷ thứ 11 - 12, người Lự đã có mặt ở khu vực Xám Mứn, nay thuộc tỉnh Điện Biên. Tại đây, người Lự đã khai hoang lập ấp và xây thành Xám Mứn, tức thành Tam Vạn mà di chỉ hiện còn nằm ở cánh đồng Mường Thanh. Theo cổ sử, thành Tam Vạn tồn tại dưới sự trị vì của 19 đời chúa Lự. Đến thế kỷ 18, chiến tranh bùng nổ khi giặc Phẻ tràn vào, người Lự phải phân tán đi khắp nơi và một bộ phận lớn đã thiên di lên Lai Châu.

Riêng người Lự ở nước ta thuộc nhóm Lự Đen hay còn gọi là Lừ Đăm. Gần 100 năm trước, các thế hệ người Lự ở Lai Châu vẫn còn những phong tục, lễ nghi trong sinh hoạt mang đậm tín ngưỡng Phật giáo và đặc biệt còn sử dụng chữ viết theo mẫu tự Pali của Phật giáo nguyên thủy. Đặc biệt, khi đó người Lự còn sử dụng bộ lịch riêng.

Ở bản Hon, hầu hết các ngôi nhà của người Lự đều quay lưng vào núi và gần như mỗi nhà đều có vườn để trồng trọt, chăn nuôi mang đậm hình thái kinh tế tự cung tự cấp. Theo các nhà dân tộc học, người Lự cũng là một dân tộc nông nghiệp có trình độ cao. Ngay từ xa xưa, người Lự đã biết làm thủy lợi dẫn thủy nhập điền, biết dùng phân bón ruộng, biết trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần và thâm canh các loại hoa màu. Nghề trồng bông dệt vải phát triển ở hầu hết gia đình người Lự.

Người dân tộc Lự sống có trước có sau, đặc biệt vợ chồng rất thủy chung với nhau. Nếu vì lý do nào đó mà vợ chồng phải ly dị thì họ sẽ bị dòng họ và dân làng phạt rất nặng. Họ rất thích hát dân ca của dân tộc mình, say sưa chơi các loại nhạc cụ truyền thống như sáo, nhị, trống trong các ngày lễ, ngày hội của bản làng. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi dân gian được thanh niên ưa thích như ném én, kéo co.

Độc đáo tộc người “nghiện” nhuộm răng

Thiếu nữ Lự giờ không còn mặn mà với việc nhuộm răng 

Theo truyền thống, người Lự sinh sống ở nhà sàn, nhà có hai mái, mái phía sau ngắn, còn mái phía trước kéo dài xuống che cả hàng hiên và cầu thang lên xuống. Cửa ra vào của nhà ở chính mở theo hướng tây bắc. Trong nhà có hai bếp lửa, một bếp để nấu ăn cho gia đình hằng ngày và một bếp để đun nước tiếp khách.

Muốn lấy chồng thì phải... nhuộm răng

Điều đặc biệt của dân tộc Lự là tục nhuộm răng đen ở phụ nữ. Cho đến giờ, khi đặt chân đến bản Hon, người ta sẽ gặp rất nhiều phụ nữ có hàm răng đen óng. Đó cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá về nhan sắc của dân tộc này. Nét cười mà khoe ra hàm răng đen, hay chiếc răng vàng thì dường như tươi tắn hơn trong mắt người Lự. Xưa kia, các cô gái Lự muốn lấy được chồng thì nhất định phải nhuộm răng, cô nào gia đình có điều kiện cấy thêm vài cái răng vàng thì càng có giá.

Giá trị thẩm mỹ của tục nhuộm răng đen, giờ đây, có thể người xuôi thấy lạc hậu, song người Lự thì khác, đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm màu độc đáo đã thành truyền thống của dân tộc. Từ những nguyên liệu như cánh kiến tán nhỏ, rồi vắt nước chanh rừng để khoảng một tuần thành thuốc. Sau đó, thuốc được phết vào hai mảnh lá cọ rồi ấp vào hai hàm răng lúc đi ngủ. Khi nhuộm răng thì phải kiêng nhai. Nhuộm như thế 5, 7 ngày cho răng đỏ già ra màu cánh gián thì bôi thuốc răng đen. Thuốc răng đen làm bằng phèn đen trộn với cánh kiến, nhuộm 1, 2 miếng là đen kịt lại, sau đó lấy dùng dao đốt nóng cho chảy nhựa ra, lấy nhựa ấy phết vào răng sẽ có một nụ cười độc đáo, nhất là vào dịp du xuân thì những nụ cười độc đáo sẽ tràn khắp bản...

Còn một phương pháp nhuộm răng đen khác hay được đồng bào Lự dùng, đó là đốt gỗ cây "mày tỉu" cho vào ống tre; sau đó lấy chảo gang vỡ hứng lấy muội khói tạo thành một lớp nhựa đen sệt; thỉnh thoảng nhuộm một lần để làm đẹp và phòng các bệnh răng miệng. Dường như người con gái Lự nhuộm răng đen để ý tứ giữ cho mình những nét duyên, giữ riêng cho người mình yêu những điệu Khắp Lử “Hát Lự” khi màn đêm buông xuống. Khi tiếng sáo “Pấu Pí” đôi của người con trai gửi tình cất lên dìu dặt. Điệu Pấu Pí Khắp như lời gửi tình của đôi trai gái đang tâm sự yêu đương.

Đối với đồng bào Lự, hay một số đồng bào thiểu số miền Tây Bắc, tục xưa đã gắn với bản, với dân tộc thì bằng mọi cách giữ tục như chính sự sống của họ. Giá trị thẩm mỹ của tục nhuộm răng đen giờ đây có thể người xuôi thấy lạc hậu ở xu hướng tân thời, song đồng bào Lự thì khác, họ cho rằng, đó không chỉ là cách làm đẹp của riêng họ mà còn là sự tinh tế trong “bí quyết” nhuộm mầu của đồng bào mình nên cần lưu giữ một cách kỹ lưỡng. Tuy nhiên, có một thực tế là phong tục nhuộm răng đen đang bị mai một...

Tinh xảo nhiều nghề

Người Lự, đặc biệt là những phụ nữ hầu như không lúc nào ngơi tay với những công việc vườn tược, cửa nhà. Dù có tuổi hay còn son trẻ, họ vẫn say sưa việc nhà như thể đó là hạnh phúc của mình. Không biết, đó có phải là do người Lự không có tục ép duyên hay gả bán, nên người phụ nữ luôn chăm sóc tốt tổ ấm cho người mà mình yêu thương.

Giống như người Lào ở Nà Luông, phụ nữ Lự cũng vấn khăn trên đầu với phương thức và kiểu dáng lệch hẳn sang bên trái. Có khác chăng là khăn của phụ nữ Lự có thêm khoảng 18 đường gấp hoa văn bổ dọc, khi vấn tạo thêm nét đặc sắc và tươi tắn cho họ. Phụ nữ Lự có bàn tay thêu thùa khéo léo, may, dệt trang phục cho cả gia đình; nhất là váy, áo, khăn của thiếu nữ về nhà chồng trong ngày hôn lễ được thêu hoa văn thổ cẩm trang trí trên nền vải nhuộm chàm rất đẹp. Họ mặc áo chàm, xẻ ngực; váy may bằng vải chàm đen, có thêu hoa văn thổ cẩm thành hai phần trang trí do vậy thoáng nhìn cảm giác như chiếc váy có hai tầng vải ghép lại.

Không quá khi nói rằng, sắc màu cũng như tính mỹ thuật của trang phục Lự thuộc vào hàng nhất nhì vùng Tây Bắc. Họ hết sức khéo léo và tinh tế khi kết hợp một cách hài hòa giữa hoa văn dệt với hoa văn ghép vải trên một bộ trang phục. Với kiểu áo xẻ nách chéo về bên phải, phụ nữ Lự thêu đường viền cổ áo nhiều màu sắc với hoa văn quả trám và chân chim. Song song với hoa văn chỉ thêu, các hoa văn làm bằng vải ghép cũng được phụ nữ Lự trang trí tỉ mỉ dọc theo váy, áo.

Độc đáo tộc người “nghiện” nhuộm răng

Phụ nữ Lự rất giỏi thêu thùa, dệt vải

Đặc biệt, là dải hoa văn mà người Lự gọi là "con suối uốn lượn" vòng quanh eo áo từ phía trước ra phía sau, được điểm tô thêm các đồng tiền theo hình rẻ quạt tạo cho áo có độ xòe so với eo. Bà Tao Thị Chăn (76 tuổi), nhà ở bản Hon, chia sẻ: "Để thực hiện được phần hoa văn vải ghép, chỉ riêng cho gấu váy, người phụ nữ Lự khéo léo nhất cũng phải mất 1 tuần. Đặc biệt, phần hoa văn dọc thân váy còn được chăm chút thêu thêm các hoa văn bằng các loại chỉ len. Ngoài ra, các phục sức như xà tích, vòng tay, hoa tai cũng được người Lự chế tạo hài hòa với trang phục, tôn thêm nét đẹp của người phụ nữ".

Dưới từng mái nhà bản Hon, ít nhiều đều có từ 1 đến 3 khung cửi và người phụ nữ phải dành nhiều thời gian trong năm để dệt váy, áo cho mình và cho cả gia đình. Giống như phụ nữ của nhiều dân tộc, chị em người Lự ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ từng bước dạy cho nghề dệt. Với một trình độ dệt thủ công độc đáo cùng tư duy thẩm mỹ đặc sắc, người Lự là một trong số các dân tộc Tây Bắc có trang phục riêng hết sức bắt mắt.

Vài năm gần đây, bản Hon đã trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách quốc tế. Lý do lớn nhất mà bản Hon thu hút được khách du lịch là vì họ còn giữ được nguyên bản sắc, đặc trưng của dân tộc mình về kết cấu nhà ở, kiến trúc, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán...

Chính quyền và các ngành chức năng đang quy hoạch bản Hon trở thành một điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh. Và nghề dệt truyền thống với vẻ đẹp dịu dàng, tỉ mỉ của người phụ nữ Lự hẳn sẽ là một điểm nhấn ấn tượng dành cho du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo tộc người “nghiện” nhuộm răng