Để "chiến dịch" giành lại vỉa hè cho người đi bộ thấu tình, đạt lý

Đỗ Việt| 01/03/2017 10:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, việc Phó Chủ tịch UBND Q.1 TP.HCM Đoàn Ngọc Hải kiên quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã gây sự quan tâm sâu sắc của dư luận xã hội. Trong đó, có nhiều quan điểm đồng tình, song lại cũng có một số người tỏ ra bức xúc.

Với quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lực lượng chức năng Q.1, TP.HCM đã đẩy mạnh công tác xử phạt các trường hợp vi phạm., kể cả các cơ quan nhà nước lấn chiếm vỉa hè.

Có không ít ý kiến cho rằng Q.1 “hơi quá đà” khi xử lý các vi phạm. Vậy việc cưỡng chế công trình vi phạm được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? PV Báo Công lý đã trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng Luật sư Interla để làm rõ hơn về vấn đề này.

Để

Luật sư Trương Quốc Hòe

PV: Thưa luật sư, có một số ý kiến cho rằng, hành động “cưỡng chế” giành lại vỉa hè cho người đi bộ của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, TP. Hồ Chí Minh là “hơi quá đà” và chưa đúng trình tự pháp luật. Vậy, luật sư nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Theo quy định của pháp luật thì hành vi lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ là một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và giao thông đường bộ, đường sắt. Người nào có hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Bên cạnh việc bị xử phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc,... và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra (khoản 9 Điều 12).

Tuy nhiên, để có thể xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè và thực hiện cưỡng chế buộc dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép cần phải do người có thẩm quyền thực hiện theo pháp luật tiến hành và theo trình tự thủ tục đã được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Đồng thời việc cưỡng chế buộc dỡ bỏ cũng cần phải được thực hiện theo một trình tự thủ tục được quy định trong pháp luật. Cụ thể:

Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính: Sau khi phát hiện hành vi lấn chiếm vỉa hè thì cơ quan chức năng phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trừ trường hợp hành vi lấn chiếm vỉa hè thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính (mức phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 500.000 đồng và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ: ví dụ như xử phạt đối với hành vi bán hàng rong trên vỉa hè các tuyến phố cấm bán,...)

Sau khi ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt quyết định đó trong thời hạn 02 ngày làm việc (Điều 70 Luật xử lý vi phạm hành chính). Cá nhân, tổ chức chịu phạt có trách nhiệm phải thi hành quyết định trong thời hạn 10 ngày (Điều 73). Sau thời hạn này, nếu người chiu phạt không thực hiện thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định cưỡng chế thi hành trong đó bao gồm cả buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật này.

Để

Ông Đoàn Ngọc Hải đi tiên phong trong "chiến dịch" giành lại vỉa hè cho người đi bộ

Như vậy, theo quy định pháp luật thì việc việc cưỡng chế đối với các công trình vi phạm giành lại vỉa hè cho người đi bộ từ những cá nhân, tổ chức lấn chiếm cần tuân thủ theo quy trình. Theo đó, đối với từng hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử lý có thể lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi đến cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Trong đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định rất cụ thể tại Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính (thẩm quyền thuộc về Chủ tịch UBND các cấp).

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế (ra quyết định cưỡng chế và thực hiện việc cưỡng chế) thuộc về Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng đồn Công an, Trưởng Công an cấp huyện... (những chủ thể được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012). Phó Chủ tịch có thể thực hiện công việc trên nếu được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND bằng văn bản.

PV: Như vậy, việc tháo dỡ công trình vi phạm trên vỉa hè có phải thông báo bằng văn bản đến các gia đình bị cưỡng chế, tháo dỡ không?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Như đã phân tích ở trên, để có thể xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Trong đó, sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải gửi bằng văn bản quyết định đó cho người bị xử phạt.

Để

Bức tường cao khoảng 2m trước tòa nhà Bộ Công Thương bị đập bỏ

Theo thông tin báo chí phản ánh thì trước khi thực hiện việc cưỡng chế các công trình vi phạm, UBND các cấp đã có thông báo tới các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Do đó, việc Phó Chủ tịch UBND quận 1 thành phố Hồ Chí Minh “cưỡng chế” giành lại vỉa hè cho người đi bộ bằng việc tiến hành tháo dỡ phần công trình không có giấy phép xây dựng lấn chiếm vỉa hè nếu được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đã được pháp luật quy định như trên thì hoàn toàn hợp lý hợp tình, thể hiện thái độ tôn trọng pháp luật và vì lợi ích chính đáng của người dân.

Xét trong trường hợp này, khi thực hiện việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình thì người có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản đến các gia đình bị cưỡng chế, tháo dỡ công trình để họ được biết.

PV: Để "chiến dịch" giành lại vỉa hè cho người đi bộ đảm bảo tính khả thi, Hà Nội và TP.HCM cần có biện pháp gì để vừa thấu tình vừa đạt lý?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Đứng dưới góc độ xã hội và nhân văn, hành động này của Phó Chủ tịch quận 1 thể hiện được tinh thần muốn làm điều đúng, muốn đem lại môi trường giao thông an toàn cho người dân, thể hiện nếp sống văn minh, xây dựng một đô thị xanh – sạch –đẹp –an toàn – lành mạnh.

Có thể khẳng định, hành động này xuất phát từ một mục đích tốt đẹp, không mang tính cá nhân, thể hiện tinh thần vì cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đứng trên cái nhìn của những người bị cưỡng chế tháo dỡ thì họ sẽ không hài lòng, thậm chí bức xúc. Bởi lẽ một phần công trình của họ cũng như hoạt động mưu sinh của họ phần lớn là từ việc lấn chiếm vỉa hè mà có.

Do đó, để không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè đồng thời giúp người dân ổn định cuộc sống và không còn các hệ lụy đáng buồn của “hậu giải phóng vỉa hè” tồn tại, thiết nghĩ thành phố cần phải có biện pháp quy hoạch cũng như có các chính sách nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện được có công ăn việc làm cho những cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hành động nói trên.

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để "chiến dịch" giành lại vỉa hè cho người đi bộ thấu tình, đạt lý