Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Ý Thơ| 30/04/2015 09:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch Fidel Castro đã phát biểu một câu mà sau đó đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết của nhân dân Cuba với nhân dân Việt Nam: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”...

Sau khi được Đảng và Nhà nước cử đi học tập, công tác tại Cuba từ năm 1967 - 1971, ông Phạm Tiến Tư được bổ nhiệm làm Bí thư Đại sứ quán, phụ trách quan hệ Đảng với Đảng Cộng sản Cuba và các Đảng cộng sản, cũng như phong trào giải phóng dân tộc các đảng cánh tả ở châu Mỹ Latinh từ 1977 - 1980.

Từ 2002 - 2007, ông trở thành Đại sứ Việt Nam tại Cuba sau một thời gian làm đại sứ tại Angola và châu Phi. Hiện ông làm Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba , Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Nhân dân các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Từng có nhiều năm công tác học tập tại Cuba, Đại sứ Phạm Tiến Tư đã chứng kiến những thăng trầm lịch sử, cũng như tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, nhiều bài học, nhiều kỷ niệm sâu sắc trong quan hệ anh em giữa Việt Nam - Cuba và các nước Mỹ Latinh.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, Đại sứ Phạm Tiến Tư đã có những chia sẻ xúc động về tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý thế giới nói chung, cũng như sự giúp đỡ đặc biệt của người bạn lớn Cuba nói riêng đối với nước ta trong và sau cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Đại sứ Phạm Tiến Tư, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cuba

Bản hùng ca 1975 có lời hát của sức mạnh thời đại

Có thể khẳng định tình đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới là một trong hai yếu tố quyết định sự thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam nói chung và của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng.

Cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta đã đoàn kết triệu người như một, trong chính sách Đại đoàn kết toàn dân để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mà trên thực tế, cũng ít quốc gia, dân tộc nào có thể làm được điều đó. Chúng ta đã vận động và xây dựng, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi nhất, đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta để đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975.

Có thể nói, vào thời kỳ đó, chúng ta đã huy động được cả ba dòng thác cách mạng của lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này.

Dòng thác thứ nhất là dòng thác của lực lượng hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, mà đứng đầu là Liên Xô vào thời kỳ đó, và một loạt nước đã giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần đối với nhân dân chúng ta, như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria, Rumania, cùng một số quốc gia khác.

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Những hình ảnh thể hiện tình đoàn kết giúp đỡ của bạn bè thế giới với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Dòng thác thứ hai là của lực lượng giải phóng dân tộc trên thế giới, bao gồm cả trăm nước ở Á, Phi, Mỹ Latinh. Dòng thác thứ ba là của giai cấp công nhân và lực lượng dân chủ tiến bộ ở các nước tư bản chủ nghĩa.

Chúng ta thường nói rằng, Việt Nam là một dân tộc nhỏ. Chúng ta lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, vậy thì tại sao chúng ta lại thắng một kẻ thù rất to lớn như vậy? Bởi vì chúng ta đã huy động được tất cả những lực lượng đó và biến tình đoàn kết và sự ủng hộ to lớn của họ thành sức mạnh của chúng ta.

Chúng ta đã kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đây là một trong hai nguyên nhân sâu xa của việc chúng ta giành được thắng lợi vang dội trong lịch sử giải phóng dân tộc, cũng như sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đấu tranh thống nhất đất nước, và xây dựng một nước Việt Nam đúng như tinh thần của Bác: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Về sự đoàn kết chiến đấu và ủng hộ hết lòng của Cuba hòa chung trong phong trào đoàn kết của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, có thể nói Cuba như là một ngọn cờ đầu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Cuba đã ủng hộ về vật chất đối với Việt Nam đúng với khả năng của mình khi đó. Về mặt này, Cuba bao giờ cũng cam kết ủng hộ ở mức cao nhất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức trên 100%.

Ngày 02/02/1966, trong một Hội nghị đoàn kết ba châu Á - Phi - Mỹ Latinh đoàn kết với Việt Nam, Chủ tịch Fidel Castro đã phát biểu một câu mà sau đó đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết của nhân dân Cuba với nhân dân Việt Nam: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói đó đã hiệu triệu hàng triệu triệu người trên thế giới ủng hộ chúng ta.

Chủ tịch Fidel cũng là nguyên thủ quốc gia trên thế giới đầu tiên và duy nhất vào thăm chiến trường Quảng Trị (tháng 9/1973) để trực tiếp gặp, và động viên tinh thần nhân dân và quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục chiến đấu giành thắng lợi.

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng - tháng 9/1973. Ảnh: Phòng lưu trữ Cách mạng/Tạp chí Cubadebate

Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”

Chủ tịch Fidel Castro thăm các chiến sỹ tại Quảng Trị. Ảnh tư liệu

Trong cuộc gặp Sư đoàn Vinh Quang (Sư đoàn 320) ở cao điểm 241 tại Khe Sanh, Quảng Trị, Chủ tịch Fidel để chân lên trên khẩu pháo, trao lá cờ của Mặt trận giải phóng nhân dân miền Nam Việt Nam cho đại diện Sư đoàn và nói rằng, các đồng chí sẽ mang lá cờ bách chiến bách thắng này của nhân dân miền Nam tiến vào Sài Gòn cắm vào Dinh Tổng thống ngụy. Và thực tế, Sư đoàn 320 đã làm được điều đó vào ngày 30/4/1975.

Như vậy, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thời kỳ chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Cuba là một trong những lá cờ đầu, là đỉnh cao của tình đoàn kết nhân dân Việt Nam. Cuba coi việc đoàn kết ủng hộ Việt Nam là lương tâm và trách nhiệm của mình.

Còn nhớ, khi các đồng chí lãnh đạo Việt Nam đến thăm và cảm ơn tình đoàn kết của Cuba, thì Chủ tịch Fidel đã nói, chính Cuba và các dân tộc bị áp bức trên thế giới phải cảm ơn, bởi vì Việt Nam đã thay mặt Cuba, thay mặt nhân dân thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chính nghĩa này. Và một khi Việt Nam thắng lợi, thì Cuba cũng như các dân tộc bị áp bức trên thế giới cảm thấy vui mừng và cảm thấy được tự do hơn bởi vì kẻ thù hung ác là đế quốc Mỹ đã thất bại trên chiến trường Việt Nam.

Tình đoàn kết, sự ủng hộ hết lòng đó của người bạn Cuba không chỉ thể hiện trong thời chiến, mà cả sau khi hòa bình lập lại.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1973 tại Quảng Trị, Chủ tịch Fidel phát biểu rằng, nếu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Cuba đã vì Việt Nam mà hiến dâng cả máu của mình, thì trong thời bình Cuba cũng sẵn sàng đổ mồ hôi để xây dựng lại một đất nước Việt Nam 10 lần to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn trong di chúc gửi lại toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.

Có những công trình Cuba đã giúp Việt Nam xây dựng lại như Khách sạn Thắng Lợi (Thủ đô Hà Nội), đường Xuân Mai - Ba Vì dài 59km hiện nay vẫn rất tốt, Trại gà Lương Mỹ (nơi nuôi gà đẻ trứng và lấy thịt), nông trường bò sữa Mộc Châu 1.200 con thụ tinh bên Cuba và sang đẻ ở Việt Nam. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba ở Đồng Hới, Quảng Bình với 500 giường lớn nhất miền Trung, trong chiến đấu thì chữa bệnh, cứu chữa cho các chiến sĩ của chúng ta từ miền Nam tập kết ra Bắc, sau này thì chữa bệnh cho nhân dân miền Trung…

Cuba cũng gần như là nước duy nhất trên thế giới, sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đã tiếp tục giúp đỡ chúng ta 10 năm nữa, như đường và một số vật dụng thiết yếu… Bởi Cuba nhận thức được rằng, ngay sau chiến đấu, Việt Nam chưa đủ ăn, chưa đủ mặc để duy trì cuộc sống bình thường, nên cần phải hỗ trợ Việt Nam thêm nữa. Có thể nói, đó là tinh thần đoàn kết hết sức chí tình, chí nghĩa của người bạn lớn Cuba đối với nhân dân Việt Nam chúng ta.

Đón đọc P.2: Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại thắng mùa Xuân 1975: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”