Cứu hồ Tây: Chỉ sợ Hà Nội không có tiền!

Huy Hùng| 07/10/2016 11:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến sự việc cá chết ở hồ Tây, chuyên gia đưa ra các giải pháp và cho rằng Hà Nội cần tập trung hơn vào công tác quản lý nước thải cũng như khắc phục môi trường nước.

Nguồn nước bị ô nhiễm

Như đã đưa tin, từ khoảng tối 1/10, tại khu vực mặt nước hồ Tây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt gây ra tình trạng ô nhiễm không khí và môi trường khá nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu xác định ra do lượng ôxy trong tầng nước mặt hồ Tây xuống bằng 0.

Đến chiều 3/10, lượng cá chết ngày một nhiều và có chiều hướng gia tăng. Hàng loạt các loại cá như cá chép, cá rô phi đủ kích cỡ, thậm chí có những con có trọng lượng 5 - 7kg cũng vẫn chết. Các lực lượng đã vớt được khoảng 200 tấn cá chết để chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn theo đúng quy định.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý tình trạng này. UBND Thành phố cũng đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và khẩn trương triển khai 7 biện pháp cấp bách để giải cứu hồ Tây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra. Nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.

Hà Nội cũng cam kết với Chính phủ sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân của hiện tượng cá chết bất thường ở hồ Tây để công khai sớm nhất.

Cứu hồ Tây: Chỉ sợ Hà Nội không có tiền!

Cá chết dày đặc nổi trên mặt hồ Tây

Trao đổi với PV Báo Công lý về vấn đề trên, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, hiện nay hồ Tây đang bị ô nhiễm hữu cơ khá mạnh, thậm chí là quá giới hạn cho phép.

Theo ông Tề, thời tiết mùa thu rất ôn hòa nên cá ít khi chết hàng loạt, lại thêm hồ Tây hàng ngàn năm hiếm khi xảy ra hiện tượng cá chết như trong mấy ngày qua. “Có thể nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, có chứa chất hữu cơ chưa được xử lý, xả trực tiếp vào hồ khiến cá chết hàng loạt vì các chất hữu cơ là nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước cũng như phân hủy ra các chất độc hại”.

Ông Tề phân tích, hồ Tây có từ hàng ngàn năm nay và tự làm sạch được nhưng vì con người đã xả quá nhiều nước thải ô nhiễm xuống hồ, ví dụ như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp. Với số lượng nước thải khổng lồ, hồ sẽ không tự làm sạch được nữa.

"Cá chết do thiếu oxy thì rõ ràng nước hồ đã bị ô nhiễm hữu cơ cực mạnh. Các chất ô nhiễm đã lấy hết oxy thì tất cả sinh vật dưới hồ không thể tồn tại được”, ông Tề cho biết.

Trên thực tế, lượng oxy phân tích được chỉ còn có 1,5 mg/lít (rất thấp). Ngoài ra, một khi đã thiếu oxy, còn kèm theo phân hủy ra các chất độc, ví dụ như NH3, NO2. NH3 là amoniac, NO2 là nitorit. Những tác nhân này cũng góp phần làm cá ở hồ Tây bị chết hàng loạt trong mấy ngày gần đây.

Về giải pháp khắc phục, trước mắt cũng như lâu dài vấn đề cá chết hàng loạt tại hồ Tây nói riêng và các hồ khác nói chung, theo TS Bùi Quang Tề, chỉ có UBND TP Hà Nội mới làm được.

Theo đó, TS Bùi Quang Tề cho rằng, đầu tiên phải ngăn chặn việc xả nước thải chưa qua xử lí xuống hồ Tây từ các nhà hàng, nhà máy, người dân sinh sống xung quanh. “Đây là nhiệm vụ số một, không làm được điều này thì đừng làm những việc khác” – Ông Tề nhấn mạnh.

Việc tiếp theo cần làm là phải vớt tất cả cá chết ở dưới hồ lên. Bởi lẽ, số cá này sẽ là tác nhân khiến cho hồ Tây bị ô nhiễm nặng hơn.

Cứu hồ Tây: Chỉ sợ Hà Nội không có tiền!

Chuyên gia hiến kế làm sạch nước hồ Tây

Thứ ba là giải pháp tình thế, cứu được đoạn nào hay đoạn ấy, đó là dùng máy sục khí, quạt nước để tạo thành vùng có lượng ôxy cao hơn những chỗ khác. Từ đó, cá sẽ tập trung quanh khu vực này, những con nào còn sống thì được cứu.

“Về vấn đề sục khí. Tôi nói thẳng, sục khí còn chưa làm được vì hiện nay số máy sục khí vẫn quá ít và chưa đạt yêu cầu. Hồ Tây rộng 500ha thì phải cần bao nhiêu máy? Hà Nội có kinh phí để làm không?”

Biện pháp cuối cùng ông Tề đưa ra là sử dụng chế phẩm sinh học. “Chế phẩm sinh học xử lí phân hủy nhanh các chất hữu cơ trong hồ Tây, song giá thành rất đắt, ví dụ như công nghệ của Nhật Bản lên tới 500 USD/m2. Tôi cho rằng Hà Nội khó có đủ sức và kinh phí để làm sạch được hồ Tây theo cách này” - vị chuyên gia thẳng thắn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu hồ Tây: Chỉ sợ Hà Nội không có tiền!