Cuộc chiến chống buôn người trên dòng sông Chảy

Huyền Thương| 29/11/2018 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, lợi dụng địa hình giáp biên của các huyện nằm ven bờ sông Chảy như Si Ma Cai, Bắc Hà (Lào Cai), các đối tượng mua bán người tăng cường hoạt động làm cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng phức tạp.

Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng ở đây đã có nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.

Tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm

Trong những năm vừa qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng về số vụ, đối tượng và nạn nhân. Chỉ riêng lực lượng Biên phòng của tỉnh Lào Cai từ năm 2013 đến nay đã phát hiện, xử lý 334 vụ/91 đối tượng; giải cứu 561 nạn nhân. Trong đó, xác lập đấu tranh thành công 18 chuyên án, khởi tố 32 vụ/56 đối tượng; lập hồ sơ ban đầu, thông báo và bàn giao cho công an các địa phương như Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… 302 vụ/350 đối tượng.

Nắm bắt được nhu cầu cần việc làm của con em đồng bào dân tộc là rất lớn nên gần đây, bọn tội phạm buôn người thường dùng “lương khủng” làm mồi nhử để lừa phỉnh, dụ dỗ các nạn nhân, như trường hợp Cư Seo Trang (SN 1990, trú tại xã Mản Thẩn, Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) và Ma Seo Sàng (SN 1993, trú tại Dìn Chin, Mường Khương, tỉnh Lào Cai) và Giàng Thị Tùng (người dân tộc Mông, SN 1988, trú tại thôn Làng Đá, Sín Chải, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Vào khoảng cuối tháng 9/2017, Trang gọi điện thông báo cho Tùng đã quen được một thiếu nữ và rủ Tùng cùng tham gia, nếu bán được sẽ cho Tùng 10 triệu đồng. Thiếu nữ đó tên là Nùng Thị H. Không cần đắn đo, Tùng đồng ý và lập tức đi xe máy từ Cốc Ly xuống Phố Mới (thành phố Lào Cai) gặp Trang và Sàng để bàn bạc cụ thể. Sau thoả thuận, Trang phân công nhiệm vụ cho Tùng thuyết phục H sang Hà Khẩu (Trung Quốc). Qua tìm hiểu thông tin, Tùng biết H đang muốn tìm việc làm để có thu nhập phụ giúp cho gia đình nên Tùng khoe với H rằng mình cũng đang làm thuê ở Trung Quốc, lương 7 triệu đồng/tháng. Tùng hứa nếu H đồng ý sang Hà Khẩu, Tùng sẽ xin cho H được một chỗ làm tốt.

Cuộc chiến chống buôn người trên dòng sông Chảy

Đối tượng Giàng Thị Tùng

Để tạo lòng tin, suốt mấy ngày sau, Sàng, Trang và Tùng thường xuyên rủ H đi ăn uống, chơi bời ở những tụ điểm có tiếng. Nhận thấy “con mồi” đã có vẻ “say”, ít đề phòng, cả ba đối tượng quyết định đưa nạn nhân, vượt biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc. Khi sang đến nước bạn, bất ngờ nhất là Trang lại không bán được H do bị mối làm ăn từ chối nên Tùng chủ động “ra tay”. Tùng gọi điện cho bạn người Trung Quốc để gạ bán H với giá hơn 50 triệu, nhưng chưa có tiền ngay. Không còn cách nào khác, Tùng và đồng bọn đành đồng ý.

Sau khi bàn bạc, cả nhóm thống nhất Trang và Sàng sẽ về Việt Nam trước, còn Tùng ở lại để chờ lấy tiền. Tới lúc này, H đã tỉnh ngộ, phát hiện mình bị lừa bán nên bỏ trốn. Cùng lúc này, chờ mãi không thấy Tùng mang tiền về nên Trang sốt ruột liền trở lại Trung Quốc, tìm gặp các đối tượng đã mua người để đòi tiền. Trang nói với các đối tượng “người đã giao, lỗi H bỏ trốn là do canh giữ không tốt nên vẫn phải trả tiền”. Các đối tượng này sau khi tính toán đã đồng ý trả cho Trang khoảng 26 triệu đồng, coi như giữ mối làm ăn. Lấy được tiền, Trang quay trở về Việt Nam và đem đổi sang tiền Việt để gửi vào tài khoản ngân hàng chờ gặp Sàng và Tùng thì chia nhau.

Nhưng chưa kịp gặp gỡ đồng bọn để chia tiền thì Trang bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai bắt giữ. Đến ngày 15/10/2017, lần lượt Ma Seo Sàng, Giàng Thị Tùng cũng lần lượt sa lưới. Trước những bằng chứng không thể chối cãi, các đối tượng Sàng, Trang và Tùng đã cúi đầu nhận tội. Đây là một đường dây mua bán người có sự bàn bạc kỹ lưỡng cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng.

Cuộc chiến chống buôn người trên dòng sông Chảy

Tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời hoạt động mua bán người trên biên giới

Lừa bán phụ nữ lấy tiền mua quần áo

Qua công tác điều tra, phá án của lực lượng chức năng cho thấy phần lớn đối tượng mua bán người hoạt động trên địa bàn các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà cũng như Bát Xát, Mường Khương... đều là những kẻ đua đòi, ham chơi bời lêu lổng. Thậm chí có những đối tượng vì muốn kiếm tiền để tiêu tết liền lừa bán cả bạn gái mình.

Ngày 12/2/2018, Công an huyện Bắc Hà nhận được tin trình báo của gia đình em Hảng Thị G (16 tuổi, trú tại thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, học sinh một trường THPT trên địa bàn huyện Bắc Hà) bỏ nhà đi từ ngày 6/2/2018. Gia đình đã hỏi khắp nơi nhưng không ai biết em G đi đâu.

Sau đó ít ngày, gia đình em G bất ngờ nhận được 1 cuộc điện thoại thông báo G đã bị lừa bán sang Trung Quốc và hiện nay đang ở khu vực biên giới giáp ranh với thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Thấy gia đình nạn nhân hoang mang, lo lắng, đối tượng này đã yêu cầu gia đình phải mang tiền đến chuộc, giao dịch như thế nào sẽ được thông báo cụ thể.

Tiếp nhận tin báo, Công an huyện Bắc Hà phối hợp với Đồn Biên phòng Bản Lầu cùng gia đình đã nhanh chóng triển khai các biện pháp giải cứu thành công cháu G và bắt giữ 3 đối tượng: Cư Seo Mùa (17 tuổi), Sùng Seo Chú (19 tuổi) cùng trú tại thôn Sín Chải, xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai; Vàng Seo Dì (22 tuổi), trú tại xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai. Tại cơ quan công an, 3 đối tượng khai nhận do cần tiền ăn tiêu trong dịp Tết nên đã bàn nhau lừa cháu G sang Trung Quốc bán. Trong đó, Cư Seo Mùa chính là người yêu của cháu G.

Cũng giống như 3 đối tượng trên, Giàng Seo Vư (sinh năm 1988, trú tại thôn Na Lốc 4, xã bản Lầu, Mường Khương) chỉ vì muốn có tiền để thỏa mãn một số nhu cầu cá nhân như mua sắm quần áo, điện thoại đẹp mà lao đầu vào con đường phạm tội. Nạn nhân của Vư là hai chị em ruột Vàng Thị L và Vàng Thị D. Khi bị lừa bán, D mới có 14 tuổi.   

Trước đó, Vư có quen với Giàng Seo Cư, sinh năm 1988, trú tại thôn Hoàng Thu Phố B, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai. Hai bên thường gặp nhau tại lán của Cư tại thôn Na Lốc 4 (Bản Lầu, Mường Khương). Thỉnh thoảng Giàng Seo Vảng, sinh năm 1991, trú cùng thôn cũng sang ngồi chơi cùng với Cư, Vư. Một lần nghe Vảng than về chuyện không có tiền mua quần áo, Cư liền bảo Vảng tìm phụ nữ giao cho Cư mang sang Trung Quốc bán.

Ít lâu sau, Vảng gọi điện cho Cư nói đã lừa được 2 hai chị em Vàng Thị L và Vàng Thị D (trú tại đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai). Sau đó, Cư đã gọi cho Vư tìm cách đưa hai nạn nhân sang Trung Quốc qua khu vực thôn Na Lốc, xã Bản Lầu (Mường Khương). Khi đưa hai nạn nhân đi còn có Giàng Seo Tráng, sinh năm 1994; Cư Hùng Liền, sinh năm 1993; và Giàng A Nhà, sinh năm 1995, trú tại xã Mản Thẩn (Si Ma Cai).

Sau khi đưa sang bên kia biên giới, hai nạn nhân bị các đối tượng bán cho người Trung Quốc lấy 24.000 Nhân dân tệ. Sau nhờ một người quen chỉ đường, L và D đã bỏ trốn được về Việt Nam. Ngay sau đó gia đình nạn nhân đã làm đơn tố. Ngay sau đó, Vư và đồng bọn bị bắt.

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Những vụ án mua bán người nói trên chỉ những thí dụ điển hình cho phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt, táo tợn của bọn mua bán người. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm cấu kết giữa các đối tượng ở nước ngoài và đối tượng trong nước lừa, dụ dỗ phụ nữ, trẻ em từ nội địa hoặc địa bàn bên kia biên giới để bán. Nạn nhân bị bán với nhiều mục đích khác nhau như làm vợ hoặc làm con nuôi; bị bán vào các quán cà phê trá hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; bị ép hoạt động mại dâm; cưỡng bức lao động; cho vay nặng lãi; đẻ thuê; bán nội tạng...

Cuộc chiến chống buôn người trên dòng sông Chảy

 Tăng cường công tác tuyên truyền

Táo tợn hơn, các đối tượng mua bán người lợi dụng địa hình, bắt cóc phụ nữ khi đi chợ, làm nương sát biên giới, hoặc tổ chức đông người vào nhà nạn nhân khống chế, bắt phụ nữ tiêm thuốc mê rồi đưa qua biên giới. Một số phụ nữ từng là nạn nhân của mua bán người, nhất là số phụ nữ bị bán vào các ổ mại dâm, khi được giải cứu trở về, thấy việc mua bán phụ nữ, trẻ em dễ dàng, lại thu lợi nhuận lớn (từ 30 đến 80 triệu đồng/người) đã khiến họ tự biến mình thành tội phạm.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ, trinh sát có kinh nghiệm lâu năm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người cho rằng, chính sự mất cân bằng giới tính của các quốc gia lân cận đã làm gia tăng hoạt động của các đường dây mua bán người qua biên giới. Bởi một khi còn “cầu” thì ắt sẽ còn “cung”. Trong khi đó, khung hình phạt cho loại tội phạm này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, so với những hậu quả nặng nề mà bọn chúng gây ra. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm việc làm ngày càng tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Ðiều đó cho thấy, sức “nóng” của loại tội phạm sẽ không thể giảm trong những năm tới mà còn có chiều hướng gia tăng.

Nhằm ngăn chặn tội phạm mua bán người trong thời gian tới, các Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, trong hệ thống nhà trường về những mánh khóe, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Tại buổi tuyên truyền, đồng bào được nghe về phương thức thủ đoạn của các đối tượng mua bán người và cách phòng chống tội phạm mua bán người, xem những phóng sự về công tác phòng chống mua bán người trên biên giới, được quan sát tình huống có thật do Bộ đội Biên phòng thực nghiệm lại hiện trường trong các chuyên án.

Ngoài ra, người dân dự buổi tuyên truyền còn được tham gia trò chơi hái hoa dân chủ với các câu hỏi liên quan đến tội phạm mua bán người và cách phòng chống. Lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, các cán bộ, chiến sỹ còn tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, phổ biến pháp luật, thông tin về dịch vụ tham vấn - hỗ trợ miễn phí các đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực như thế của các cơ quan, ban ngành đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng, tội phạm mua bán người trên biên giới Lào Cai nói chung và các huyện nằm thượng nguồn con sông Chảy nói riêng sẽ dần dần thuyên giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống buôn người trên dòng sông Chảy