Công nhân "gánh" Tết về quê

Hà Linh| 12/02/2015 09:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, trong không khí rộn ràng của mùa xuân, niềm vui, nỗi buồn cùng hàng trăm nỗi lo toan cơm - áo - gạo - tiền cũng đang cận kề với những lao động trẻ đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Rục rịch sắm tết!  

Năm hết tết đến, những con người xa quê đi làm ăn đều mong chờ được đoàn tụ cùng gia đình đón giao thừa, và quây quần bên mâm cơm ngày tết sau 1 năm làm việc vất vả mưu sinh.

Tết năm nay, nhiều công ty, doanh nghiệp thưởng Tết sớm cho công nhân, do vậy công nhân cũng tranh thủ sau giờ làm việc, rủ nhau đi mua sắm quà Tết để mang về quê. Quà Tết mua về cũng đa dạng nhưng phù hợp với túi tiền của họ như bánh kẹo, quần áo may sẵn, vật dụng gia đình... 

Công nhân

Công nhân tranh thủ đi sắm tết buổi tối

Các loại hàng hóa đều có treo bảng niêm yết giá cụ thể nên người mua không sợ bị “hớ”. Một bộ quần áo trẻ em có giá chỉ từ 20.000 – 80.000 đồng/bộ, hoặc như các loại quần jean đắt nhất cũng chỉ từ 150.000 – 200.000 đồng/cái nên ai nấy cũng đều tranh thủ lựa cho mình một vài bộ quần áo mới trước khi về quê.

Chị Mai (sinh năm 1990, công nhân điện tử, của công ty Canon, ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long), chia sẻ: “Được thưởng tết từ hôm nay nên giờ tranh thủ tăng ca xong mình mua mấy chiếc áo về tặng mẹ, cuối năm nên họ xả hàng nhiều lắm, cái áo phao nhẹ mà có 80.000 đồng/cái”.

Còn anh Tuấn,quê ở Nam Định, công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cẩn thận cho chiếc bếp từ vào thùng giấy dán băng dính dọc ngang năm sáu đường cho “chắc ăn”, xong Tuấn cười khoe với chúng tôi: “Bảy trăm rưỡi đấy, mua về tết cả nhà ăn lẩu, chứ bình thường ở nhà phải dùng bếp ga mini, mỗi lần hết lại phải đổi bất tiện lắm” .

Công nhân

Mua sắm quà cáp, đồ dùng để trang hoàng nhà cửa

Chiếc bếp từ cùng với số tiền 20 triệu, là thành quả của một năm lên thành phố lao động cực nhọc của anh. Hơn 10 năm rồi, đối với anh như thông lệ “Tháng Giêng đi, tháng Chạp về”. Do là lao động phổ thông, công việc không ổn định nên thu nhập của anh mỗi tháng cũng chỉ trên dưới 3 triệu, nhưng anh tiết kiệm, chi tiêu có kế hoạch hàng tháng thì cũng còn chút ít dành dụm mang về sửa nhà, sửa cửa, năm nay nhà anh có thêm một “dụng cụ” nhà bếp tiện dụng chắc chắn niềm vui sẽ nhân lên.

Những người ở lại đón Tết

Thu Trang 24 tuổi, tốt nghiệp cao đẳng kế toán nhưng chưa xin được việc làm nên xin đi làm công nhân xây dựng ở Khu công nghiệp Phổ Yên(Thái Nguyên), đây là cái tết thứ hai cô không về quê.

Muốn về quê ăn tết nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, chắt chiu được 10 triệu đồng, gửi về để bố mẹ mua sắm 3 ngày tết và trả nợ.

Trang chia sẻ: “Nhà em ở tận trong Quảng Ngãi, mỗi lần về quê là tốn kém lắm, ở lại làm thêm tết được nhân gấp 3 lần tiền lương ngày thường. Mặc dù vậy nhưng thấy người ta háo hức về quê đón tết em cũng nôn nao lắm, cũng cố gắng tự an ủi bản thân cố gắng làm để gửi về cho gia đình trả khoản nợ ngân hàng”.

Công nhân

Công nhân khu công nghiệp (ảnh internet)

Đến dãy trọ ở Xóm Thành Lập- xã Hồng Tiến - Phổ Yên - Thái Nguyên, gặp Thủy, cô tâm sự: “Năm nay em quyết định ở lại công ty làm tết, kiếm thêm tiền để gửi về quê cho gia đình. Phòng em cả 3 đứa, năm nay đều ở lại làm thông tết luôn. Chúng em cũng muốn về nhưng đi lại tốn kém, ở lại đây chỉ là chuyện chẳng đừng, vì mỗi lần thấy họ đoàn viên bên gia đình là mình lại tủi thân, có đứa đi làm về rồi nằm khóc".

Tết xa nhà vẫn chứa nhiều nước mắt hơn nụ cười vì Tết là ngày sum họp, đoàn viên. Những người con, dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều mong ngóng được trở về để quây quần đầm ấm bên cha me, gia đình và người thân, tuy vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện để về quê ăn Tết, họ chấp nhận ở lại để đón Tết tại nơi làm việc, chỉ với mong muốn nhỏ nhoi là kiếm thêm chút ít thu nhập gửi về nhà, như những món quà của những người con đón Tết nơi phương xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nhân "gánh" Tết về quê