Cơn bão số 10: Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa

Mai Đỉnh| 14/09/2017 12:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.

Vào 7h sáng nay 14/9, bão số 10 cách Đà Nẵng 500km, cách Hà Tĩnh, Quảng Bình 700km. Dự kiến đổ bộ đất liền vào trưa, chiều ngày 15/9 thuộc địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị, khi đó thủy triều đang ở mức cao trong ngày từ 2,2- 2,6m theo cao độ hải đồ tại Cửa Hội.

Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Philippine, đổ bộ vào Biển Đông ngày 12/9. Cơn bão số 10 được coi là rất nguy hiểm. Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 10 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, mỗi giờ di chuyển được 20km. Bão khi vào bờ biển Quảng Bình, Hà Tĩnh, đạt cấp 11- 12 giật cấp 15 vùng gần tâm bão.

Cơn bão số 10: Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa

Các tỉnh sẽ có mưa to trong vài tiếng tới do ảnh hưởng rìa phía Tây của bão số 10. Ảnh: Lâm Hoàng

Tại Hội nghị trực tuyến nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó bão số 10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thiệt hại sẽ rất lớn. Đồng thời đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển. 

Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm ngày 14/9.

Cần gia cố, bảo vệ các công trình xây dựng như nhà ở, bệnh viện, trường học, công sở, các tháp cao, hệ thống điện, gia cố các tuyến đê sông, đê biển, đảm bảo an toàn khi có bão xảy ra. Đảm bảo an toàn hồ đập, thủy lợi, thủy điện. Đảm bảo vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… cho người dân khi cơn bão đi qua. Đảm bao an ninh trật tự tại vùng thiên tai, khu vực người dân đến sơ tán. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công điện của Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương triển khai tích cực, đây là cơn bão lớn, nên không được chủ quan. Công tác dự báo khá sát với thực tiễn, cần tiếp tục bám sát để đưa thông tin kịp thời, cảnh báo sát với thực tế. Khi đã di dời vào bờ thì công tác sắp xếp phương tiện phải chú ý để an toàn cho người, không để người trên thuyền. Các tỉnh trọng điểm phòng chống bão theo phương châm 4 tại chỗ. Lưu ý đặc biệt tuyến đê biển. Đây là tháng triều cường cao điểm nhất trong năm, trong khi đê biển chỉ chịu được cấp 9-10. 

Còn theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, tính đến 6h sáng nay, đã kêu gọi 69.547 phương tiện toàn tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết, đã cử cán bộ xuống các địa bàn bám sát tình hình, cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng 14/9; triển khai trực ban từ tỉnh tới cơ sở. 

Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được lệnh di chuyển về nơi trú ẩn. Với diện tích Lúa hè thu và lúa mùa 95.000 ha, đã thu hoạch 100% lúa hè thu, lúa mùa thu hoạch 30%. Có 20.700 ha nuôi trồng thủy sản, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp xuống kiểm tra. Các công trình thủy điện đang vận hành bình thường, tiếp tục theo dõi tình hình mưa. Tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiểm cứu nạn cho tàu cứu hộ công suất lớn vào Cửa Lò để đề phòng bão gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, tỉnh đã ban hành công điện khẩn và triển khai xuống các địa phương. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, lo ngại nhất là 8.000 ha cây ăn quả đang mùa thu hoạch, trong đó có 2.000 ha bưởi, 2.000 ha cam. 

Còn theo đại diện tỉnh Quảng Bình, tỉnh không có khu vực neo đậu cho tàu lớn trên 300 CV. Tỉnh cũng đang triển khai các công việc từ tỉnh xuống địa phương để đảm bảo ứng phó với bão số 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơn bão số 10: Rủi ro thiên tai cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa