Cổ tích nơi thượng nguồn sông Chảy

Đặng Giang| 15/11/2015 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 15 năm, kể từ ngày được tái lập, Si Ma Cai - huyện rẻo cao biên giới của tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, đặc biệt là trong giáo dục.

Trong sự phát triển ấy, có bóng hình của những thầy, cô giáo miền xuôi, những người vì nặng lòng với con chữ mà ngày ngày nhọc nhằn vượt núi để viết lên những câu chuyện cổ tích nơi thượng nguồn sông Chảy.

Nặng lòng với con chữ...

Thị trấn Si Ma Cai, huyện lị của huyện Si Ma Cai là nơi tập trung sinh sống của hơn một trăm thầy cô giáo trong huyện. Có được điều đó là do những năm gần đây, đường giao thông đến các xã đã được nâng cấp, các thầy cô có thể dùng xe máy để đi đến các điểm trường. Một số ít thầy, cô may mắn được giảng dạy tại các trường trong thị trấn, còn lại đa phần các thầy cô phải đi hàng giờ đồng hồ mới có thể đến điểm trường của mình.

Cá biệt, nhiều thầy, cô giảng dạy ở các điểm trường xa, địa hình hiểm trở phải gửi xe máy lại nhà dân và đi bộ đến trường. Ngày thường, tiết trời khô ráo việc đi lại như thế đã gặp rất nhiều khó khăn. Khi trời mưa, những con đường đến trường ngập đất đỏ và trơn trượt, chuyện ngã xe, trầy xước thân thể xảy ra như cơm bữa. Trên con đường đến trường gian nan đó, các thầy, cô giáo hằng ngày chứng kiến các em học sinh của mình, nhiều em chân trần, quần áo mặc không đủ ấm vẫn kiên trì, bền bỉ cắp sách tới lớp. Điều đó khiến các thầy, cô giáo càng thêm thương, thêm yêu học sinh mà gắn bó với lớp, với nghề.

Sán Chải là xã xa nhất của huyện Si Ma Cai, trong đó thôn Lù Dì Sán lại là thôn biên giới cách xa trung tâm nhất. Vùng đất hẻo lánh này “tọa lạc” bên ngã ba sông Trắng, nơi đặt cột mốc 172 tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Theo các già bản cho biết, sông Trắng là tên gọi khác của sông Chảy, chảy qua địa phận xã Sán Chải. Dân cư Sán Chải hầu hết là người Mông...

Trong tất cả các điểm trường của Trường Tiểu học xã Sán Chải thì xa nhất là hai phân trường Lù Dì Sán 1 và 2. Từ trung tâm xã, phải đi mất 2,3 tiếng đồng hồ qua những dãy núi cheo leo mới đến được hai điểm trường này. Đang là mùa khô nhưng đường vào bản vẫn ướt nhẹp, lầy lội. Người dân Lù Dì Sán sống rải rác theo triền núi. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, vất vả nên sự nghiệp gieo chữ, trồng người ở đây cũng không kém phần nhọc nhằn...

Cổ tích nơi thượng nguồn sông Chảy

Cô và trò ở vùng cao Si Ma Cai

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà đã gắn bó nhiều năm với điểm đường Lù Dì Sán 2, điểm trường xa nhất của xã Sán Chải. Thực chất, điểm trường là ngôi nhà cũ của một hộ dân, nó được cải tạo, ngăn phòng thành lớp học cho các em. Trong “căn nhà” ấy tập trung tất cả trẻ em trong bản để học từ lớp mầm non lên đến lớp 5. Cô Hà cùng hai thầy giáo khác phụ trách điểm trường này. Do thiếu giáo viên và phòng học nên các em phải học ghép lớp 2 với lớp 3, lớp 4 với lớp 5.

Ở thành phố, nhiều em có thể học nhận biết mặt chữ, các con số ngay từ khi mới bước vào lớp một, thì ở đây, việc trước tiên và cũng là quan trọng nhất đối với cô giáo Hà và đồng nghiệp là làm sao cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông. So sánh như vậy mới thấy việc dạy và học nơi đây còn khoảng cách rất lớn và khó bề rút ngắn với đồng bằng.

Không có nơi ở, hằng ngày cô giáo Hà phải đi 6 cây số bằng xe máy và đi bộ 5 cây số đường núi để đến lớp học. Nhiều hôm trời mưa, cô không thể quay về phòng trọ đành đến ở nhà phụ huynh học sinh. Những hôm như thế cũng là dịp cô Hà tranh thủ trò chuyện với dân bản về việc học của các em, động viên các gia đình tạo điều kiện cho các em đến lớp. Thấy cô giáo hết lòng yêu trẻ, yêu lớp, dần dần bố mẹ các em thêm phần yên tâm để con mình đi học.

“Để các em thường xuyên đến lớp học như ngày hôm nay, đó là công sức của nhiều lớp thầy cô giáo ở điểm trường đã bám trường, bám bản vận động người dân cho con em đi học. Chúng tôi bây giờ thấy “hạnh phúc” rồi vì ngày nay, trong bản đã có phong trào học, cha mẹ và các em học sinh đều có nguyện vọng cho con đến lớp”, cô Hà tâm sự.

Nỗi lo trò bỏ học

Thầy giáo Ly Seo Cú, 45 tuổi, người có thâm niên đến chục năm đứng lớp ở phân trường Lù Dì Sán 1. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Bắc Hà, thầy nhận công tác ở nhiều phân trường khó khăn trong đó có Lù Dì Sán. Gia đình thầy ở Si Ma Cai nhưng thi thoảng thầy mới “dám” về vì vắng thầy một ngày học trò có khi lại bỏ lớp bỏ trường. Lớp học ở đây tuy không phải mượn tạm nhà dân như ở phân trường Lù Dì Sán 2, nhưng cuộc sống của thầy và trò ở đây vẫn rất cực. “Quanh năm ăn ngô và thức ăn của thầy và trò là món cá khô, kho muối. Những người thầy như chúng tôi bám bản đã lâu, sống với các trò thương lắm, chia sẻ với trò từng cái nhỏ nhất”, thầy Cú chia sẻ.

Trò bỏ học, đó cũng là nỗi lo của thầy Ly Seo Chăng, 29 tuổi, đang đứng lớp 3 và 4 của phân trường Lù Dì Sán 1. Mỗi giờ lên lớp, thầy chỉ sợ nhất một điều là học sinh bỏ học đi lên rẫy theo cha mẹ, đi chăn trâu. Bởi theo thầy, chỉ không để ý một chút thôi là các em bỏ lớp ngay, hầu như lúc nào cũng phải để mắt và đi gọi các em đến lớp học tiếp. Trong lớp học của thầy giáo Giàng Seo Dín có 5 học sinh, lớp 1, lớp 2, không gian chật hẹp, nhưng thầy phải chia ra thành 2 cấp học, 2 cái bảng để dạy hai trình độ khác nhau. Các em lên lớp 3, 4 thì phải vào phân trường Lù Dì Sán 1 học, còn lên lớp 5 các em phải vào trường chính. Trường chính ở quá xa thôn, từ phân trường Lù Dì Sán 1 đến điểm trường chính gần 20km, đi lại khó khăn, nên không ít em đã bỏ học. Có lẽ đây là vấn đề nan giải mà các thầy giáo ở đây chưa tìm được lời giải.

Cổ tích nơi thượng nguồn sông Chảy

Học sinh Sán Chải phải tự lập từ tấm bé

Theo thầy Cú và thầy Chăng thì sau mỗi Tết Nguyên đán là quãng thời gian vất vả nhất. Không phải do gió mưa hay giao thông đi lại, mà là do phải ngược xuôi trong việc đi vận động các em trở lại trường. Thường thì trời chưa sáng, các em đã theo cha mẹ lên nương làm rẫy, bỏ học, hôm nào mưa thì không có em nào tới lớp. Sáng nào cũng vậy, các thầy phải đi vận động từng nhà. Hôm chúng tôi đến trường, lớp 4 của thầy Chăng có 2 học sinh, lớp 3 có 4 học sinh, mỗi lớp một trình độ, vừa giảng bài cho lớp 3, thầy vừa ra bài tập, hướng dẫn em học sinh lớp 4.

Nỗi lo của thầy vẫn còn đấy, đeo đẳng theo chúng tôi suốt cả chặng đường về, thôn Lù Dì Sán lùi xa dần, các thầy cô vẫn cặm cụi bên con chữ nơi thượng nguồn sông Chảy. Với nhiệt huyết đem con chữ lên vùng cao, ngày đêm cắm bản, một mong ước rất giản dị là các em không bỏ lớp. Hy vọng vào một ngày không xa, những học sinh ở Lù Dì Sán mỗi năm tiếp bước một lớp học, con đường đến trường chính không còn heo hút, diệu vợi và để thầy cô không còn nỗi lo thường trực

Hầu hết các giáo viên của Trường tiểu học xã Sán Chải đều là những giáo viên trẻ từ nhiều địa phương khác nhau lên đây công tác, thế nên gặp phải rất nhiều khó khăn về chỗ ở. Từ trước tới nay đã có nhiều cô giáo bén duyên, thành vợ thành chồng với các anh bộ đội biên phòng hoặc với các thầy giáo, cán bộ lên đây công tác. Đã có mấy chục hộ gia đình như thế được hình thành trên vùng đất Si Ma Cai. Dù phải đi thuê hay đã mua được nhà, đa số họ xác định ở lại mảnh đất này lập nghiệp.

Thắp sáng ước mơ vượt núi

Khó khăn nhọc nhằn là vậy nhưng với nhiệt huyết công tác, các thầy cô giáo ở Si Ma Cai như cô Hà, thầy Cú, thầy Chăng... đã lập lên những thành tích đáng khâm phục. Mấy năm gần đây, tỷ lệ học sinh của huyện thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày một nhiều. Kết quả đáng khích lệ ấy đã và đang là nguồn cỗ vũ động viên to lớn cho những người làm công tác giáo dục ở Si Ma Cai nơi có trên 90% học sinh là người dân tộc và còn đó những vô vàn khó khăn về điều kiện vật chất.

Sán Chải giờ yên bình và mộc mạc như bất cứ  những bản làng khác trên dải đất biên cương của tổ quốc. Những người dân ở đây, những người từ xưa vốn chỉ quen với việc nương rẫy, lang thang từ cách rừng này sang ngọn núi khác đã biết trồng lúa nước, cây ăn quả, cây hoa màu kết hợp phát triển chăn nuôi để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm và nhất là con em được đến trường. Cái chữ đã dần đến được với những đứa trẻ người Mông, Nùng, La Chí, Thu Lao...

Có được điều đó một phần là nhờ sự đầu tư, quan tâm không nhỏ của cấp ủy, chính quyền các cấp và không biết bao nhiêu công sức, tâm huyết của các thầy cô giáo. Họ đã trở thành “ Người của bản” đối với bà con dân tộc. Họ đã mang “cái chữ của Bác Hồ” đến với từng góc làng xó bản, góp phần xóa đi những lề thói cổ hủ đã tồn tại từ nhiều đời trước. Công cuộc phát triển Si Ma Cai nói riêng và phát triển về lĩnh vực văn hóa, giáo dục nói riêng ở miền biên viễn này nói chung có thể coi như một cuộc cải cách trường kỳ mà ở đó, nếu thiếu sự kiên trì, tận tụy, tình yêu thương đồng loại thì chắc chắn sẽ không thể thành công.

Ngày lại ngày, mặt trời vẫn chiếu sáng trên đỉnh rừng Sán Chải, mang ánh sáng chan hòa soi xuống khắp bản làng, thắp sáng ước mơ vượt núi của những đứa trẻ Mông, Nùng, La Chí... Ngày lại ngày, đồng bào ở đây vẫn cần mẫn sớm tối trên nương. Dẫu họ chưa lên được vùng đất của Giàng, nhưng cuộc sống hôm nay đã no ấm, yên vui…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ tích nơi thượng nguồn sông Chảy