Cơ sở đào tạo, sát hạch “gặp khó” khi thực hiện cấp bằng lái xe số tự động

Quang Toàn| 07/06/2015 21:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Giao thông Vận tải đang tiến hành sửa đổi Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe cơ giới đường bộ theo hướng có chương trình riêng đào tạo, thực hành và cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe số tự động.

Bước đầu có nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên cũng còn không ít người băn khoăn, nhất là các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chủ trương đào tạo cấp bằng lái xe số tự động được thực hiện khi sửa Thông tư 46 theo hướng sẽ bố trí một chương trình đào tạo, sát hạch riêng cho những người có nhu cầu chỉ học và thi lái xe số tự động. Những người không có nhu cầu học và thi lái xe số tự động thì vẫn học theo chương trình bình thường đang thực hiện. Dự kiến trong tháng 6 này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ trình những nội dung sửa đổi Thông tư 46 lên Bộ Giao thông Vận tải. 

Cơ sở đào tạo, sát hạch “gặp khó” khi thực hiện cấp bằng lái xe số tự động

Ảnh minh họa.

Cụ thể, đối tượng được học cấp bằng lái xe số tự động là những người học để điều khiển xe con từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe tải dưới 3,5 tấn không hành nghề kinh doanh vận tải doanh vận tải chỉ phục vụ sinh hoạt gia đình (được cấp bằng hạng B1). Đối với người học để cấp bằng hạng B2 nhằm hành nghề kinh doanh vận tải (taxi, lái xe tải nhỏ..) không thuộc đối tượng học lái xe số tự động. Những người có nhu cầu học lái cả số tự động và lái xe số sàn thì sẽ được học theo chương trình cấp bằng hạng B1 bình thường như hiện nay. 

Ông Nguyễn Văn Quyền lấy ví dụ, trong gia đình có xe con sử dụng số tự động nhưng cũng có một xe tải nhỏ là số sàn nhưng người đó có nhu cầu lái cả hai loại xe này thì vẫn phải học theo chương trình hiện nay. Dự kiến, chương trình đào tạo về nội dung Luật giao thông, hệ thống báo hiệu đường bộ… đối với việc cấp bằng lái xe số tự động sẽ được thực hiện theo chương trình bình thường đang áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, do thời gian tập lái xe số tự động có nhiều thao tác đơn giản hơn sẽ giúp giảm khoảng 60 tiết học tập lái. 

Ông Nguyễn Văn Quyền thừa nhận khi thực hiện theo chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải thì các cơ sở đào tạo muốn đào tạo, cấp bằng lái xe số tự động cần phải tăng số lượng xe tập lái lên theo nhu cầu. Nếu nhu cầu nhiều thì phải tăng số xe thực hành lái xe số tự động lên để đáp ứng… đây sẽ dẫn đến những khó khăn về kinh phí đầu tư cho các trung tâm, đào tạo, sát hạch lái xe. 

Ông Lê Quang Bốn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Đào tạo và Sát hạch lái xe (Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - Bộ Công An) cho rằng, với chương trình đào tạo hiện nay, người học được học số sàn chỉ có sự khác biệt với xe số tự động duy nhất là sử dụng xe không phải cắt ly hộp số khi mỗi lần về số. Như vậy, với một sự khác biệt nhỏ mà đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, đồng thời chưa phù hợp với nhu cầu của người học thì đây là điểm hoàn toàn không khả thi với cả doanh nghiệp đầu tư cũng như đối với học viên dự thi lấy giấy phép lái xe. Theo chương trình đào tạo hiện nay, học viên được học lái xe số sàn và làm quen với số tự động là phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như nhu cầu người học. Nếu có thay đổi, nên chăng chỉ điều chỉnh ở mức tăng thêm số tiết học làm quen số tự động. 

Phó Giám đốc Trung tâm Dậy nghề và Đào tạo lái xe – Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I (Bộ Công An) , Nguyễn Thanh Nam cho hay, khi thực hiện chủ trương đào tạo riêng cho những người học lái xe số tự động, khó khăn lớn nhất mà Trung tâm gặp phải là về kinh phí để mua xe ô tô số tự động cho các học viên thực hành. Chẳng hạn, nếu như quy định mỗi trung tâm phải có tối thiểu 10 xe số tự động thì các cơ sở cũng phải đầu tư 5-6 tỷ đồng. Đặc biệt, với các cơ sở sự nghiệp có thu thuộc Bộ Công an như chúng tôi rất khó kêu gọi nguồn vốn đầu tư”. 

“Với việc học và thi dễ hơn số sàn có thể dẫn đến xu hướng người dân đổ xô vào học lái xe số tự động. Tuy nhiên, học và thi số sàn vẫn là cơ bản nhất, đòi hỏi các học viên thực hiện các thao tác linh hoạt. Người đã lái xe được số sàn thì đương nhiên lái được xe số tự động. Thông thường những người học lái xe số tự động khi chuyển sang số sàn sẽ gặp khó khăn và ngược lại lái xe số sàn rồi khi chuyển sang lái xe số tự động sẽ cực kỳ đơn giản, thuận lợi. Thêm vào đó, các cơ sở sát hạch sẽ gặp khó khăn hơn khi họ phải xây dựng thêm sân sát hạch vì bài thi số tự động khác với bài thi số sàn (số sàn thi 10 bài liên hoàn). Khi sát hạch lái xe tự động không thể áp dụng bài tăng tốc, dừng ngang dốc… ”. – ông Nam chia sẻ. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, Bùi Danh Liên đánh giá, việc cấp thêm giấy phép lái xe số tự động sẽ gây khó cho người dân muốn lái xe số sàn, cảnh sát giao thông cũng khó kiểm tra hết. Lý giải, số vụ tai nạn do người đi xe số tự động tăng do giáo trình và việc đào tạo cấp giấy phép lái xe hiện chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo chất lượng chứ không phải do cấp loại bằng số sàn hay số tự động. Việc cấp phép lái xe số tự động thì các cơ sở đào tạo cũng phải trang bị thêm máy móc, phương tiện tốn kém. 

Do đó, việc trước mắt là phải đảm bảo chương trình đào tạo truyền thống hàng trăm năm nay của ngành vận tải là số sàn trong đó có thể bổ túc thêm một số giờ nhất định xe số tự động. Nguyên nhân gây tai nạn là con người chứ không phải vấn đề tự động hay không tự động. Quan điểm của ông Liêm là không ủng hộ việc cấp hai giấy phép lái xe như một số đề xuất mà phải tập trung vào các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. 

Anh Nguyễn Văn Tuyến, trú tại quận Bắc Từ Liêm bày tỏ, yêu cầu cấp bằng lái xe ô tô xe số sàn và số tự động khác nhau, khi vợ đi xe số tự động, còn anh đi xe số sàn thì hai vợ chồng không thể đi xe của nhau. Nếu có biện pháp nào trong quá trình đào tạo để chỉ cấp một bằng sẽ giảm phiền toái trong vấn đề một nhà có hai dòng xe khác nhau mà không sử dụng được. 

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, Đào tạo – Sát hạch lái xe (Học viện Cảnh sát nhân dân) Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, khi Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chủ trương đào tạo, cấp bằng lái xe riêng cho lái xe số tự động sẽ dẫn đến một xu thế người dân lựa chọn chương trình học lái xe số tự động thay vì chọn học lái xe số sàn vì học dễ và thi dễ hơn. Song khi thực hiện chủ trương này, các trung tâm đào tạo, sát hạch sẽ gặp khó khăn hơn vì mấy năm vừa qua, kinh tế gặp khó khăn, số lượng học viên giảm nhưng phải trang bị thêm xe thực hành số tự động rất tốn kém, nếu không trang bị thì sẽ không có học viên. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở đào tạo, sát hạch “gặp khó” khi thực hiện cấp bằng lái xe số tự động