Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả

Thanh Phương (Ghi theo lời kể của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)| 20/06/2019 06:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người ta vẫn bảo, ở đời cần mơ mộng nhưng đừng ảo tưởng. Tôi hy vọng, bằng việc kể lại thật thà về cuộc chiến của mình với các giá trị cần tu sửa của xã hội kia, tôi đã không bị ngộ nhận... nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trải lòng trong câu chuyện.

Tôi đã từng làm phóng viên theo dõi mảng đoàn thanh niên cho Tạp chí Thanh niên - Tuổi Xanh, mảng Văn hóa Văn nghệ cho Báo Thanh niên, mảng phóng sự bút ký cho Báo An ninh thế giới, rồi sau này nhập vào làm điều tra cho Báo Công an nhân dân. Những năm tháng đầy hoài niệm ấm áp. Suốt 16 năm qua, tôi tiếp tục gắn bó với Báo Lao động, cũng là về mảng phóng sự. Trong 27 cuốn sách đã xuất bản của tôi, hơn 20 cuốn là về phóng sự. Có thể nói “Ăn phóng sự, ngủ phóng sự”.

Sự thật của đời đã dẫn tôi đi

Tôi nhớ những ngày đi bất phóng bất phú, viết phóng sự ly kỳ cho Báo Văn nghệ Trẻ thời hoàng kim với chế độ nhuận bút hấp dẫn: Mỗi bài một chỉ vàng. Lúc đó, chân còn vương bèo tấm xứ Đoài mây trắng. Thuê nhà trọ, đi xe máy cà tàng. Về quê bắt bố mẹ vay nặng lãi có tiền mua cái máy ảnh cũ từ thời Liên Xô cũ. Chạy ăn từng bữa, nuôi thêm ông em ăn học. Khỏi phải nói cảm giác nhận một chỉ vàng cho một bài báo nó sung sướng đến mức nào.

Khi mon men từ tầng trên (Báo Văn nghệ Trẻ, với những danh sỹ bậc thầy như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Trần Quang Quý, Bảo Ninh, Nguyễn Thành Phong...) leo xuống tầng dưới của tòa nhà 17 Trần Quốc Toản, sang Báo Văn nghệ “già”, gặp một nữ nhà văn nổi tiếng để gửi cái bút ký. Lắm lúc hứng lên gửi thêm cái truyện ngắn. Bà nhà văn nói một câu mà khiến tôi nhớ rõ từng âm sắc và cả sự chùng xuống của lòng mình khi ấy: “Cháu trẻ khỏe, viết cái gì mạnh mẽ và có tính chiến đấu, cho ngòi bút nó "nam tính" được không?”.

Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả

Nhà sử học Dương Trung Quốc trong một buổi giao lưu về các tác phẩm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Nhà văn Trung Trung Đỉnh bồi thêm trên một bài báo viết về “cây phóng sự Đỗ Doãn Hoàng” lang bạt giang hồ, rằng là: Hoàng đi và viết giản dị, thay vì cao đàm khoát luận, tôi thường thấy anh chìa tay ra cho dân bản dắt mình đi. Thước đo phẩm cách của một ngòi bút, phải là anh đã làm được gì cho một xã hội tốt đẹp hơn, đừng múa chữ, múa văn làm gì cả.

Sau này, bề trên trong làng chữ nghĩa, anh Sương Nguyệt Minh bảo tôi đã làm việc như một điều tra viên lão luyện, tố cáo, đề nghị cơ quan pháp luật bắt giữ kẻ xấu bằng chính các bài báo, thước phim đầy tính chiến đấu của mình. Từ bấy, tôi như Tôn Ngộ Không bị sư phụ gõ ba cái vào đỉnh đầu và giác ngộ “xoay 180 độ”. Tôi sang làm mảng phóng sự điều tra. Đi vào “Trong tận cùng hang ổ” (tên cuốn sách phóng sự điều tra mới nhất của tôi), ở Việt Nam và nhiều ngõ ngách của địa cầu khác.

Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu trong lễ ra mắt sách của Đỗ Doãn Hoàng, năm 2019

Chẳng ai áp đặt đâu, là tôi tự áp đặt cho mình thôi. Là sự thật ở đời đã dẫn tôi đi. Tôi đã buốt lòng khi chứng kiến người dân đi tìm mình và gửi gắm cả núi tài liệu. Nếu im lặng thì thật đáng xấu hổ. Nhưng nếu viết bài cho có, nếu lên tiếng nửa chừng thì đôi khi lại còn là sự điêu trá và đáng xấu hổ hơn. Cần phải đo đếm được tác động xã hội tích cực của mỗi bài phóng sự điều tra. Trong cuốn sách này và trong vài cuốn đã xuất bản khác; trong mỗi bài hay tuyến bài khi in báo, tôi luôn nhắc mình đều phải có hồi âm cho minh bạch. Cái “hồi âm” chứng minh sức mạnh của con chữ, nó phải làm nở mày nở mặt cho người viết và cho người yêu công lý.

Cảm ơn ngài Đôn ki-hô-tê

Với suy nghĩ đó, khi bìa cuốn sách này được hoàn thành, nhìn lại 20 năm cầm bút chính thức của mình, tôi đã cảm khái viết như thế này: “20 năm, đủ mùi vinh quang và cay đắng. Cay đắng, nhưng nó là mùi của cuộc sống, cái thứ mùi đáng ngửi. Cho sống lại ngần ấy năm đã qua thì tôi vẫn sống thế và hà hít ngửi đúng cái mùi quyến rũ đó của Đời”.

Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả

Sau loạt bài của Đỗ Doãn Hoàng, cựu binh oan khuất Nguyễn Xước Hiện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 2018

“Nghề phóng sự điều tra, nhà báo điều tra, trách nhiệm xã hội của người cầm bút - những cụm từ xướng lên thấy xôn xao, xốn xang, tỉnh mỉnh cả người. Mỗi lần Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và cơ quan hữu trách nói chung... đánh công văn/ ra quân/ xuống tay yêu cầu giải quyết các vấn đề “hot” đặt ra trong các loạt bài của mình, của tờ báo mà mình gắn bó; mỗi lần người ta mời đi diễn thuyết đối thoại (có khi nảy lửa và ứa nước mắt, có khi sợ tái mặt) với cơ quan hữu trách về một chủ đề mà loạt bài của mình xới lên; mỗi lần luật của Việt Nam thay đổi nhiều khoản mục do các kiến nghị từ bài viết của mình và cộng sự - là hai chữ “nghề báo” lại vang lên trong tôi, có gì đó đầy hân hoan kiêu hãnh.

Đôi lúc tôi đã ảo tưởng về sức mạnh của ngòi bút và tự nghĩ rất AQ: Không ít nhiều ảo tưởng hoặc rơi rớt lại chút thơ ngây thì làm sao mà sống và sáng tạo nổi trong cái “trái đất ba phần tư nước mắt” này. Dần dà, tôi không thấy mình ảo tưởng gì nữa. Mà đích thị, sau các cuộc lăn xả vào sự thật ở đời, tôi đã hiểu rằng: Ngòi bút của các nhà báo có sức nặng đấy chứ. Nó có sức nặng thật sự khi nhà báo chân thành coi việc làm gì đó hữu ích cho cuộc đời là thước đo cao nhất cho phẩm cách của một ngòi bút.  

Thời trẻ tôi thích Đông Ki Sốt. Bây giờ hoặc sau này già có khi chỉ xin làm con ngựa gầy và cái mũ sắt ghỉ của ông ấy. Nhưng quả là, càng ngày tôi càng biết ơn cái chất Đông Ki Sốt trong mình. Ít ra là đốt lên một que diêm nào đó, truyền cảm hứng nào đó cho những người nào đó. Thế là đủ để an ủi mình rồi.  

Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả

Dòng sông Hiến cấp nước ăn cho 7 vạn dân TP. Cao Bằng bị đầu độc bởi thủy ngân và xyanua từ các công ty khai thác vàng sa khoáng. Các phóng sự “Chuyện buồn bên dòng sông chết”, “Thị xã bị đầu độc”, “Các công ty vàng thách thức cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Cao Bằng” liên tiếp được ra đời. Ăn dầm ở dề trên núi và trong hang sâu tăm tối để viết chùm bài khác: “Bới tung rừng Phia Oắc”. Một tuần, hai công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về hai loạt bài trên đã ra đời: Yêu cầu các Bộ, ngành và UBND tỉnh Cao Bằng quyết liệt chấn chỉnh và khẩn cấp báo cáo.

Bà Triệu Mùi Chài nằm chờ chết với khối u lớn kỷ lục Việt Nam trùm kín mặt mà ai cũng gọi là “Sơn nữ mặt quỷ”, y tế cơ sở nói dối ra sao suốt hơn 20 năm qua, địa phương vô trách nhiệm thế nào, xe nào, tiền nào đưa bà đi khám chữa? Cuộc phẫu thuật chưa từng có trong lịch sử Việt Nam ra đời bằng sự vào cuộc của các nhà báo.

“Tìm lại gương mặt người” là bộ phim tài liệu do Đài PTTH Cao Bằng thực hiện đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm đó, ngay sau khi chúng tôi kêu gọi độc giả quyên góp đủ 450 triệu đồng cho bà Chài chữa bệnh, cắt khối u “mặt quỷ” và ổn định cuộc sống.

Tương tự, “Cởi tiếng oan cho người hùng chịu nhiều tai tiếng” ở Phú Thọ, với các cuộc tranh luận nảy lửa với đủ thứ ban bệ ở xã, tỉnh, huyện và họ “kiện” tôi lên tận Bộ Thông tin và Truyền thông, để rồi cuối cùng, chúng tôi đã góp tiếng nói tâm huyết, giúp cựu binh Nguyễn Xước Hiện - một con người tận khổ trong quên lãng suốt nửa thế kỷ trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Về Thủ đô gặp Phó Chủ tịch nước nhận danh hiệu cao quý, ông cụ khóc rưng rức, còn tôi thì ngồi viết: Niệm khúc cho danh dự của người cầm bút. Phim tài liệu “Nửa thế kỷ thầm lặng” về cuộc đời đau khổ hiếm có của ông Hiện cũng đạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2018. Và, còn hàng trăm vụ việc như vậy nữa...

Những đứa con tinh thần chưa dám thừa nhận

Nhiều vụ việc chúng tôi thực hiện trong dăm bảy năm với mong muốn lớn hơn, ấy là sửa đổi các bất cập, tồn tại của luật; là truyền cảm hứng “đốt một que diêm” để người khác cùng chung tay lo toan cho cộng đồng. Vụ tàn sát rùa biển ở Nha Trang, do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) và chúng tôi nhiều năm điều tra trước khi tố cáo lên Bộ Công an bắt giữ, đã được báo chí Việt Nam và quốc tế bầu chọn là vụ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từng bị phát hiện. Vụ vạch mặt hàng loạt quỷ ấu dâm ngoại quốc, đưa chúng từ chỗ là bác sỹ, thầy giáo, nhạc sỹ “đức cao vọng trọng”, phải vào tù rồi trục xuất khỏi Việt Nam. Hoặc như các seri bài đi từ Việt Nam sang Lào, Campuchia, tới Nam Phi để điều tra tố giác các thủ đoạn hủy hoại thiên nhiên tàn độc và mù quáng.

Đó là lý do để có rất nhiều bài và loạt bài từng gây chấn động, từng bóc mẽ các đối tượng, các giới người và các đường dây kinh thiên động địa, nhưng chúng tôi chưa bao giờ dám thừa nhận... do mình thực hiện. Vì cả đời làm điều tra, suốt những năm tháng theo đuổi đề tài, khi bài báo nhận giải thưởng, tôi vẫn không dám ra mặt nói: Tôi là người điều tra vụ này! Bởi chúng có thể trả thù một cách bẩn thỉu nhất, có thể vu vạ và thóa mạ, có thể tấn công tôi và các cộng sự... Với tôi, dám thực hiện các bài và tuyến bài một cách bí mật, đã là một đánh đổi.

...Ở đời, hiếm có nghề nào không phải đánh đổi. Trong số đó, tôi cho rằng nhà báo điều tra thuộc loại nghề dễ bị nếm nhiều cay đắng nhất. Tôi hy vọng mình không hồ đồ trong nhận định này. Và mong sao, chúng ta có một hành lang bảo vệ tốt hơn nữa, để các nhà báo điều tra không đơn độc.

"Người ta vẫn bảo, ở đời cần mơ mộng nhưng đừng ảo tưởng. Con gà trống nó rất hay nghĩ rằng, vì nó gáy nên mặt trời mới lên. Tôi hy vọng, bằng việc kể lại thật thà về cuộc chiến của mình với các giá trị cần tu sửa của xã hội kia, tôi đã không bị ngộ nhận. Như đã nói, tôi đã cố gắng không ảo tưởng về cái gọi là “quyền lực thứ tư” - Báo chí"- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những bài báo giấu tên tác giả