Chuyện về một người lính “cắm bản” ở Cao Bằng

Nguyên Phong| 16/12/2015 06:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên biên giới Cao Bằng, có một dòng sông nước xanh thăm thẳm chảy vòng quanh biết bao chân núi vùng biên Trùng Khánh. Bắt nguồn từ Trung Quốc, dòng sông ấy chảy giữa hai nước Việt - Trung và trở thành đường biên giới thiên nhiên.

Có lẽ do uốn lượn quanh núi đồi biên giới nên sông có tên là Quây Sơn. Cuối dòng chảy, sông đổ từ độ cao hơn 30m xuống tạo thành thác Bản Giốc - ngọn thác đã định danh trong lòng đồng bào cả nước mỗi khi nhắc đến Cao Bằng.

Cách chân thác chừng 500m là đồn Biên phòng Đàm Thủy nằm dựa lưng vào núi. Và, dường như linh khí núi sông hội tụ cùng chí khí con người đã khiến cho lá cờ Tổ quốc luôn thắm đỏ giữa đồn, bất chấp nắng gió vùng quan ải. Còn con người nơi đây cũng vì thế mà khoáng đạt, mạnh mẽ như loài cây sau sau lá đỏ mỗi dịp Xuân về.

Bí thư áo lính

Từ đồn biên phòng Đàm Thủy, chúng tôi ghé thăm UBND xã Đàm Thủy cũng nằm dựa lưng vào núi, hướng nhìn ra khoảng xanh mướt mát rừng và dòng Quây Sơn hiền hòa đưa nước về xuôi. Không khí làm việc tại đây cũng yên bình như những trụ sở hành chính trên biên giới khác. Đón chúng tôi tại phòng làm việc của Chủ tịch xã là hai cán bộ, một già một trẻ. Nguyên Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy Mã Tự Lí đã 60 tuổi, có vẻ đẹp thuần hậu của một lão niên người Tày. Người còn lại kém ông 18 tuổi, song chức vụ đảm nhận lại không hề thấp. Đó chính là Thượng tá Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, Bí thư mặc áo lính nổi tiếng của Bộ đội biên phòng Cao Bằng.

Bí thư Đạt dáng người tầm thước, chắc chắn, khuôn mặt tròn, da bánh mật. Dấu ấn của một cán bộ chính trị lộ rõ trong từng cử chỉ, lời nói. Điềm đạm, mực thước Mê Văn Đạt kể cho chúng tôi nghe nguồn cơn đưa anh về với vùng đất này. Vốn là người lính biên phòng, suốt một dải biên giới từ Bảo Lạc sang Hà Quảng khắp các đồn Sóc Hà, Ba Cô, Cốc Pàng... anh đều đã trải. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, nên năm 2007, Bộ chỉ huy BĐBP Cao Bằng quyết định điều động anh làm cán bộ tăng cường xã Đàm Thủy. Dẫu đã được cấp trên làm công tác tư tưởng, song Đạt vẫn còn vân vi nhiều lẽ: Lẽ gia đình xa xôi cách trở, lẽ nhiệm vụ quá mới mẻ, chưa biết bắt đầu từ đâu đã đành, lại còn lẽ băn khoăn chuyện sau này quay trở lại thế nào… Suy đi nghĩ lại, nghị lực của người lính đã quen gian khổ thúc đẩy anh mạnh dạn xốc tới. Thế là vừa chân ướt chân ráo về phòng Chính trị BĐBP tỉnh, Mê Văn Đạt lại lóc cóc ba lô, vượt 80km đường rải đá cấp phối đến nhận nhiệm vụ tại UBND xã Đàm Thủy.

Chuyện về một người lính “cắm bản” ở Cao Bằng

Một góc Đàm Thủy

Vui vì được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã nhưng thử thách đặt lên vai anh Đạt hoàn toàn không nhẹ. Được sự ủng hộ của Chủ tịch Mã Tự Lí, Đạt giành thời gian xuống các xóm bản, trò chuyện với các cán bộ lão thành, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con. “Năng mưa thì giếng năng đầy, anh năng lui tới mẹ thầy năng thương”, câu ca dao của người Kinh được anh cán bộ biên phòng dân tộc Tày áp dụng triệt để. Bên chén trà xanh thơm ngát hay bát rượu thóc thơm nồng, Mê Văn Đạt thủ thỉ chuyện trong nhà, ngoài bản, chuyện dưới xã, trên huyện… chuyện gì anh nói cũng nhuần nhuyễn, cách nói lại cầu thị khiêm nhường. Người già nghe, biết tâm tư của Bí thư đều vì dân nên cũng ấm lòng, việc gì thấy phải đều khuyên con cháu thuận theo chủ trương, chính sách của chính quyền.

Dân vận khéo vốn là thương hiệu của lính biên phòng, nên Bí thư Đạt được lòng dân cũng chưa phải chuyện gì ghê gớm. Ngày mới về Đàm Thủy, thấy phong cách làm việc, bố trí trụ sở còn nhiều bất cập, tính nhà binh nổi lên, anh đề xuất với Ủy ban đưa ra các quy định về quản lý văn bản giấy tờ. Anh trực tiếp làm mẫu rồi tập huấn tại chỗ cho các cán bộ ban, ngành về cách thức viết, lưu giữ văn bản trên vi tính, lại hướng dẫn cho anh em làm việc tại UBND xã từng thể thức văn bản và quy định rõ từng loại cụ thể, dù viết tay hay viết máy. Ai chưa thạo văn bản thì được hướng dẫn thêm, ai hoàn toàn chưa biết thì Bí thư làm mẫu hộ rồi bắt chép tay lại cho nhớ. Mọi việc cứ thế đi dần vào khuôn khổ. Từ đó, công văn, giấy tờ các loại của xã được sắp xếp, phân loại, lưu trữ khoa học, dễ lấy, dễ tìm.            

Trăn trở với đồng bào

Theo chân anh Đạt, chúng tôi đến thăm thôn Lũng Phiắc. Anh Đạt bảo, nếu thác Bản Giốc là “bạc trắng”, mang lại tiềm năng du lịch to lớn, là niềm tự hào của người dân Đàm Thủy thì dưới những lớp đá sỏi của dải đất biên cương này còn chứa một trữ lượng “vàng đen” đáng kể. Dẫu đặt dưới sự kiểm soát của Sở công nghiệp tỉnh Cao Bằng, song nhiều năm, địa danh Lũng Phiắc nổi tiếng bởi tình trạng khai thác quặng trái phép bán qua biên giới. Người dân hám lợi bắt tay với những đối tượng quá khích cạnh tranh quyết liệt với những đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản. Thậm chí họ còn kéo vào ủy ban biểu tình, đập phá máy móc của Công ty khai thác quặng.

Hệ lụy đâu chỉ có vậy, mải mê khai thác quặng, người dân bỏ bê lao động sản xuất, đất đai hoang hóa, đồi núi vùng biên bị cày sới, thanh niên nghiện ngập, trẻ con bỏ bê học hành... và tình hình an ninh chính trị khu vực biên giới trở nên phức tạp. Tỉnh ủy Cao Bằng đã phải ra Chỉ thị 15 về củng cố thôn Lũng Phiắc gồm 218 hộ với 1.080 nhân khẩu. Từ khi có sự vào cuộc của Công an tỉnh Cao Bằng, tình hình được dẹp yên. Khi Mê Văn Đạt về Đàm Thủy công tác, anh tìm cách củng cố lại chính quyền xã, thôn và đầu tư sửa chữa thêm nhà sinh hoạt cộng đồng cho bà con. Việc tuy nhỏ nhưng thể hiện uy tín cán bộ, nói là làm, làm vì dân.

Chuyện về một người lính “cắm bản” ở Cao Bằng

Bí thư Đạt (bên phải) xuống địa bàn 

Khi tình hình đã tạm yên thì phải tính đến chiến lược lâu dài. Đảng ủy, UBND xã Đàm Thủy tập trung vào việc ổn định đời sống nhân dân, động viên bà con chú trọng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bí thư Mê Văn Đạt đã trực tiếp liên hệ với Công ty giống cây trồng của tỉnh để xin ứng giống lạc về địa phương trồng thử.

Để dân hưởng ứng mô hình mới, lãnh đạo xã lại phải động viên cán bộ, đảng viên làm trước, nêu gương để bà con học tập. Người ta thấy Bí thư trẻ cùng Chủ tịch tóc muối tiêu cùng xuống ruộng với nông dân, hướng dẫn cách gieo trồng, chăm sóc lạc. Những tìm tòi, thử nghiệm đã cho kết quả tốt, vụ lạc đầu tiên đã bội thu, dân tin lời cán bộ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai phổ biến các chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đàm Thủy bây giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Bí thư Đạt cũng đã thuộc từng thôn bản trong xã, thuộc bản tính của từng cán bộ cơ sở như thuộc dòng Quây Sơn lúc hiền hòa, khi âm ỉ thác ghềnh để mà lựa sao cho trúng. Khúc nông, khúc sâu, khúc quanh có ghềnh đá ngầm Đạt đã biết, biết để mà tránh, biết để mà lựa. Gần 20 năm gắn bó với màu áo biên phòng, anh đã quen với núi với rừng, với đường biên có những cột mốc chủ quyền nằm len lách trong cây cỏ và cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quản lý địa bàn biên giới. Và giờ đây, nó lại giúp anh trên cương vị mới. 

Gắn bó với biên cương

Những ngày ở Đàm Thủy, chúng tôi còn có dịp cùng Mê Văn Đạt đến thăm những lớp học bán trú dân nuôi. Mô hình này giờ đây không còn xa lạ trên địa bàn biên giới, song để có được ngày hôm nay, Mê Văn Đạt cùng Đảng ủy xã Đàm Thủy đã phải nỗ lực rất nhiều. Để việc học tập của các cháu trong xã được thuận lợi, nâng cao chất lượng, qua nhiều cuộc họp, bàn bạc, Thường vụ Đảng ủy đã quyết định tổ chức mô hình học bán trú, các gia đình không có tiền thì góp bằng củi, bằng gạo. Xã tổ chức khoan giếng cấp nước sạch phục vụ cho sinh hoạt của học sinh, động viên các cô giáo bám lớp, chăm lo học tập và sức khỏe của các em. Nhờ đó học sinh trong xã được các cô giáo kèm cặp ngoài giờ tốt hơn, kết quả học tập được nâng cao hơn, bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng yên tâm hơn, giảm được gánh nặng quản lý, chăm sóc con cái để tập trung vào việc phát triển kinh tế gia đình. Có lẽ từ những bài học đầu tiên trên lớp như hôm nay, các em rồi đây sẽ trở thành những công dân gương mẫu của vùng biên xa xôi này.            

Diện mạo mới của Đàm Thủy hôm nay hứa hẹn một tương lai tươi sáng của vùng đất bên sông này. Giờ người dân Đàm Thủy có thể tự hào với cuộc “trường chinh” vượt khó của mình, từ một xã tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 20,47%, đến nay chỉ còn 8,04%; các chi bộ trực thuộc đạt trên 80% trong sạch, vững mạnh, hơn 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Liên tục 6 năm liền, Đảng bộ xă đạt trong sạch, vững mạnh.         

Mê Văn Đạt bảo, anh làm được nhiều việc cho dân, cho xã như vậy là bởi có biết bao người vun ven, chung vai gánh nặng cùng anh. Bên cạnh anh có Chủ tịch Mã Tự Lí trung thực, thẳng ngay; bên cạnh anh còn có đồng đội đang đóng quân nơi chân thác Bản Giốc, cùng anh chia sẻ ấm lạnh chốn biên thùy. Gian khó đã lùi lại phía sau, phía trước là con đường cần xốc tới, Đạt vẫn cần mẫn bám bản, ngày ngày “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” trong căn phòng tuyềnh toàng trong trụ sở Ủy ban xã. Vợ anh vẫn bám trường tại huyện Bảo Lạc, còn hai đứa con anh cũng đang phấn đấu học hành, tìm con đường riêng cho mình. 

Chia tay Đàm Thủy, chia tay người lính “cắm bản” Mê Văn Đạt, chúng tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh hai con người ấy đi bên nhau dưới ngọn thác đang tung bọt trắng xóa. Dòng Quây Sơn vẫn đang làm trọn thiên chức “biên giới thiên nhiên” giữa hai quốc gia, hai dân tộc, hối hả đổ một dải xanh ngời, xanh như màu áo của những người lính đứng chân trên biên giới. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về một người lính “cắm bản” ở Cao Bằng