Chuyện hôn nhân ở miền Tây sông nước

Nam Hoàng| 04/12/2015 10:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lượn một vòng qua các Tòa án ở miền Tây Nam Bộ, thấy ở đâu tỷ lệ án ly hôn cũng đều tăng, tôi không khỏi bật lên câu hỏi: Hôn nhân giờ sao mong manh thế?

Mong manh đến độ, có những xóm ấp mà trong một năm, số vụ ly hôn nhiều ngang bằng với kết hôn. Lý do thì có đến cả trăm nghìn...

1. Tôi không nhớ mình đã đứng lặng bao lâu, trước căn nhà vọc vạch của ba mẹ con Hường ở Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, mảnh đất nằm mút ngọn miền Tây. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra nó chả khác gì cái lều của dân chăn vịt chạy đồng. Sàn nhà gồm dăm ba tấm ván gỗ ghép gác nửa trên bờ, nửa tựa trên vài mươi cây đước đứng “kiễng chân” dưới lòng kênh, nóc phủ tôn, tường vách tả tơi. Ngồi trong nhà, Hường muốn xòe diêm châm lửa cũng khó, bởi góc nào cũng gió.

Hường, SN 1975, quê gốc gò đồi trung du Cẩm Khê, Phú Thọ. Bố mất sớm, mấy mẹ con Hường rau cháo nuôi nhau. Hết lớp 7, Hường nghỉ học, loanh quanh chăn trâu, cắt cỏ, ruộng nương, đồng áng được vài năm thì lấy chồng. Chồng Hường tên Hải, người cùng thôn, cùng xã và cũng nghèo. Rồi hai đứa con ra đời, thiếu khó càng thêm chồng chất. Đang lúc túng bấn thì có người bạn chồng rủ vào miền Tây lập nghiệp. Anh bạn đó bảo rằng, miền Tây đất rộng, người thưa, tôm cá đầy kênh, ruộng đồng thẳng cánh cò bay, phù sa màu mỡ, cây lúa chỉ cần cắm xuống tự khắc sẽ lớn lên trổ bông trĩu hạt. Đất ấy, có ném vứt vào đâu, con người ta cũng sống.

Chuyện hôn nhân ở miền Tây sông nước

Ngôi nhà của chị Hường

Dẫu chả biết “miền đất hứa” đó nằm ở góc nào trên bản đồ hình chữ S, nhưng nghe vậy, Hường đã mủi lòng. Chị nghĩ, thôi thì cứ đi vài năm, không ổn lại về, chứ bám lấy mấy vạt đồi đá sỏi nhiều hơn bùn đất thế này biết lấy gì để sống? Nghĩ là làm, đầu năm 1997, chị bàn với chồng bán cặp bò và cái xe cúp cà tàng lấy tiền lận lưng làm vốn rồi cả gia đình bìu ríu, gánh gồng lên tàu “Nam tiến”.

Khi đặt chân lên mảnh đất Hà Tiên, Hường mới nhận ra, cuộc sống không hẳn màu hồng như bức tranh mà anh bạn chồng đã vẽ. Mảnh đất cắm dùi không có, hai vợ chồng chị phải oằn lưng làm thuê, làm mướn đắp đổi miếng ăn. Mất chục năm dành dụm, vợ chồng chị mới gom đủ tiền mua được hơn công đất để dựng nhà. Tuy nó vọc vạch, thông thống, trống trước hở sau nhưng dù sao vợ chồng chị cũng đỡ phải đi thuê...

Cách đây mấy năm, người ta có mở con đường chạy xuyên qua ấp nhà Hường. Từ ngày có con đường, phố thị đã phả hơi “thơm phức” của nó vào rừng, xuyên qua những vạt tràm, lan rộng như gió chướng. Hàng quán mọc lên, nhà nhà đổ ra đường buôn bán, trong đó có chồng chị. Kể từ khi theo đám thương hồ tập tành buôn bán, anh đi miết, lâu lâu bắt xe đò về ngó vợ trông con. Dần dà, các chuyến đi - về của anh càng thưa vắng, mỗi ngày, vẻ chai sần, quê kiểng của anh càng phai lạt. Anh dần không còn là anh của ngày xưa. Mãi, rồi Hường cũng phát hiện ra chồng có bồ, ở tuốt trên thị xã. 

Có lần, Hường quyết đi tìm người đàn bà đã đang tâm giành chồng của mình, cha của con để “nói điều phải quấy”. Tưởng là sẽ lu loa, hú hét, vò đầu xé áo người ta cho hả giận, nhưng khi gặp rồi, chị lặng thinh. Hường bảo, gần hai chục năm lặn ngụp sình bùn, chị nhớ chưa bao giờ mình được đẹp hớn hở rỡ ràng đến thế. Cũng một nách hai con, nhưng người đàn bà góa chồng đó chẳng có cách nào làm cho duyên đừng sóng sánh, từ đi đứng đến nói cười. Đàn bà gì mà đến chị còn mê, trách chi chồng chị...

Từ đó, Hường quên hẳn cái chuyện tìm người ta để đánh ghen. Lần cuối chị gặp anh, cũng cách đây vài tháng, đó là ở Tòa án, khi hai người đến hoàn tất nốt những thủ tục cần thiết để chấm dứt cuộc hôn nhân. Chị bảo: “Người đàn bà đó khiến anh còn chả thèm động đả đến thứ gì, ngoài mấy bộ quần áo cũ!”. Nói rồi chị ngước lên tấm ảnh cưới của hai vợ chồng treo trên vách. Ở đó, anh nhìn chị, đắm đuối, si mê. Có lẽ, đối với Hường, người đàn bà cả đời bị những gam màu u ám bôi vào thì trong ký ức chỉ mỗi ngày cưới là rực rỡ, duy nhất chói lên mỗi khi ngó lại.

Đầu ngõ nhà Hường có trồng một giàn bông giấy, giờ đang vào mùa lẫm liệt, hoa thắp lửa suốt cành. Mỗi đận gió, bông giấy bay lơ phơ như tàn lửa. Ngày hai bận, sáng và chiều, Mận - con gái của Hường phải quét gom những “tàn lửa” đó rồi mang ra đổ bờ kênh. Tôi hỏi: “Sao chị không chặt hoặc tỉa bớt cành đi? Vừa thoáng, vừa sạch và vừa đỡ muỗi?”. Chị khẽ khàng: “Chặt chi mất công, cứ để đó, người đi xa còn biết lối mà về...”.

Liệu “người đó” có về, và nếu không thì ai sẽ giang tay đưa Hường đi nốt kiếp phận đàn bà? Câu hỏi đó thật khó lời hồi đáp.

2. Rời Hà Tiên, quành qua Đất Mũi, ngó cảnh nom người cũng thấy buồn chao chác. Chỉ cách TP. Cà Mau náo nức ngoài kia chừng trăm cây số mà ở đây nó hoang biệt, tội tình chả khác gì một thế giới bị bỏ quên. Ngày, gió tháng mười ráo khan thông thốc thổi qua các căn nhà còm cõi cặp mé kênh. Đêm, mưa xuyên mái lá rách thấu trời, tràn ướt những giấc mơ. Rừng đước mênh mông, đồng sâu hun hút, đi xóm ấp nào cũng gặp những phận người chông chênh như sóng. Con người, cảnh vật, tất cả đều mù mịt, chỉ có cái khó, cái nghèo là thật, thật như có thể rờ đụng, nắm níu vào.

Suốt gần hai tiếng đồng hồ ngồi tàu cao tốc từ Năm Căn ra Rạch Tàu - thị tứ cuối cùng nơi cực Nam Tổ quốc, trung tâm hành chính của xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, phóng tầm mắt về hướng nào tôi cũng chỉ bắt gặp cảnh nhà cửa thưa vắng, xóm ấp đìu hiu. Phần lớn cư dân ở đây đều gốc gác từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và các huyện khác của Cà Mau. Họ về đây, từ nhiều năm trước, trong những chuyến dong thuyền ra đi tìm miền đất mới. Đến đây thấy chằng chịt sông nước, tôm cá dồi dào, họ neo đậu lại, cắm cọc, chặt cây, cắt lá lợp một túp lều ven kênh rạch mà sống.

Chuyện hôn nhân ở miền Tây sông nước

Chánh án TAND quận Bình Thủy Trương Hoài Bình (bên phải) trao đổi với PV

Ngày xưa tôm cá còn nhiều, bà con ở đây chỉ cần ra bãi bồi bắt tôm cua cá, có người còn lên rừng chặt đước hầm than, “săn bắt hái lượm” mỗi ngày được chút “của trời đất”, đem bán cho người ta, cũng kiếm được vài chục nghìn sống qua ngày. Giờ tôm cá ít dần đi, việc lấp đầy cái dạ dày của bà con mỗi ngày mỗi khó. Bữa cơm của họ cũng biết cất lên tiếng nói của người nghèo, từ tiếng đũa bát khua vào nhau ràn rạt, đến tiếng muỗng cào lạo xạo đáy xoong. 

Mỗi khi cuộc sống bếp bênh, đám thanh niên ở đây thường truyền nhau câu cửa miệng “đi Bình Dương”, “đi Sài Gòn”. Ý là đi lên Sài Gòn hoặc Bình Dương, rồi vào các khu công nghiệp làm thuê hoặc xin được việc gì thì làm nấy. Nhưng, phố thị thì đầy cạm bẫy. Rất nhiều khi, làm “công nhân khu công nghiệp” vất vả, cực nhọc, khổ sở gấp cả chục lần việc “săn bắt hái lượm” ở quê. Hơn nữa, trong cuộc mưu sinh nơi phố thị, con người ta cũng phải đánh đổi quá nhiều.

Có người vợ trẻ nước mắt vắn dài chia tay chồng con, thấp thểnh theo chúng bạn rời quê lên phố. Dẫu đồng lương công nhân bèo bọt, dẫu Sài Gòn với xóm ấp của cô cách chỉ một thôi đường, nhưng nó ngày càng xa thăm thẳm. Dường như mỗi ngày mỗi khó, cô không thể trở về được đúng nơi mình đã ra đi. Cô không về được cái ngày cô còn là thôn nữ, quanh quẩn với ruộng vườn, lặng lẽ làm những công việc bếp núc, đồng áng, thuở cô không mơ mộng vì chưa hề biết có một thành phố rực rỡ phía chân trời. Hình ảnh người chồng với đứa con cùng căn nhà nhỏ ở quê cũng mờ dần trong cô như bị che bởi những giồng khói đốt đồng. Tờ hôn thú khi đó, liệu còn ràng níu được gì?

Và, những trường hợp như thế ở mảnh đất mang tên người chí sỹ yêu nước Phan Ngọc Hiển này không phải là cá biệt. Chỉ tính trong vòng 3 năm, từ năm 2013 đến 2015, TAND huyện Ngọc Hiển đã phải thụ lý và giải quyết đến 494 vụ án Hôn nhân và gia đình, trong đó phần lớn là các vụ ly hôn, đương sự hầu hết nằm trong quãng từ 25 đến 35 tuổi. Trong số các vụ ly hôn đó, có không ít cặp tan vỡ vì những mâu thuẫn phát sinh từ việc vợ hoặc chồng “đi Sài Gòn”, “đi Bình Dương” rồi cặp kè, bồ bịch, sao nhãng chuyện gia đình.

Chả cứ gì huyện mù xa như Ngọc Hiển, ngay như Bình Thủy, một quận của TP Cần Thơ cũng vậy, lượng án Hôn nhân và gia đình, trong đó phần lớn là ly hôn, luôn tăng lũy tiến, năm sau nhiều hơn năm trước. Gần 1000 vụ trong vòng 3 năm, từ 2013-2015, con số đó khiến ngay cả Chánh án quận Bình Thủy Trương Hoài Bình cũng phải bật lên câu hỏi: “Hôn nhân giờ sao mong manh thế?”.

Vợ đi lao động Đài Loan, Hàn Quốc, chồng ở nhà buồn tình à ơi, em út. Thời đại công nghệ thông tin, vợ biết, bỏ ngang giữa chừng về nước. Thế là ra Tòa. Chồng theo chúng bạn học nghề rồi kiếm việc trên thành phố, ngày quen ngắm những váy ngắn chân dài, quen đến nỗi thấy xa lạ, chán ghét và muốn dứt bỏ, đoạn tuyệt với tất cả những gì quê mùa, nhếch nhác, ngay cả đó là vợ, người đã từng một thời mặn nồng hương lửa với mình. Vậy là ly dị.

Chả biết những anh chồng, cô vợ đó sau này sẽ ra sao, duyên mới sẽ thắm đến mức nào, liệu "đò nát đụng nhau", họ có tìm được chốn yên bình để nương náu phận người? Chỉ biết là sau những cuộc hôn nhân tan vỡ ấy, đã có quá nhiều đứa trẻ bị ném bỏ ra đường như hòn đá, lăn cọc cạch. Và, điều quan trọng nữa là đường đời nhiều lắm những chông chênh, con người ta luôn cần một mái ấm để trở về? Không có nó, biết bấu víu vào đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện hôn nhân ở miền Tây sông nước