Chuyện cây cầu gãy nơi rốn lũ

Hải Nam| 04/10/2018 15:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã hơn 20 năm kể từ ngày cầu Hà Tân khánh thành, nhưng những ký ức về “ngày ấy” vẫn vẹn nguyên với những người dân nơi đây.

Hình ảnh những đứa trẻ chúng tôi nô nức tập đi xe đạp trên cây cầu mới lại ùa về. Bởi ở cái xứ này, bao đời nay vốn chỉ quen mắt với chiếc cầu tre tạm bợ, với những chuyến đò ngang qua dòng sông Thu Bồn chứ nào biết đến cây cầu bê tông là gì.

Hơn 20 năm hiện hữu, cầu Hà Tân không chỉ làm tròn trọng trách nối đôi bờ như bao chiếc cầu khác, mà còn làm được điều lớn lao hơn, đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng mà lâu nay đang gối đầu lên sóng biển với giấc ngủ bình yên - một miền quê nghèo đã chuyển mình vươn dậy.

Ngày ấy, trong mắt một đứa trẻ như tôi cây cầu thật kỳ vĩ bắc qua dòng sông Thu hiền hòa, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ bao đứa trẻ với hình ảnh miền quê thanh bình. Và cứ thế “cây cầu kỳ vĩ của tuổi thơ” cứ thế trú ngụ trong tiềm thức, nhưng rồi tôi cứ đi qua nó rất nhiều lần mà chẳng hiểu thêm gì về nó. Cho đến lúc… con người dùng những khối bê tông thô kệch chặn hai đầu cầu, buộc nó gần 1 năm nay từ bỏ xứ mệnh của mình, vì đã gãy gập vào một ngày mưa bão tháng 10/2017.

“Có người nhắc chúng tôi về nỗi cô đơn của những cây cầu. Nỗi cô đơn không hình thể, cứ vậy miết vào lòng sông. Cũng như những người lái đò trên sông vậy, khách đến rồi đi, có ai để tâm nghe lấy câu chuyện của những cuộc đời”. Phải chăng nỗi cô đơn của những cây cầu là có thật , khi gần 1 năm nay các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã “bỏ quên” sứ mệnh của cây cầu Hà Tân.

Chuyện cây cầu gãy nơi rốn lũ

Học sinh vẫn bất chấp nguy hiểm qua cầu dù UBND xã Duy Vinh đã đổ lớp bê tông chặn 2 đầu cầu

Cây cầu Hà Tân bắc qua sông Bàn Thạch, một nhánh của hạ lưu sông Thu Bồn, nối liền con đường DH4 huyết mạnh của 3 xã vùng Đông huyện Duy Xuyên gồm Duy Thành, Duy Phước, Duy Vinh và Cẩm Kim của TP. Hội An. Thấy rõ được tầm quan trọng của cây cầu, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, phải khẩn trương xem xét, khắc phục sửa chữa cây cầu.

Việc đi lại, buôn bán, giao lưu hơn 8 tháng qua vô cùng vất vả, khó khăn. Từ trước tết Mậu Tuất năm 2018, UBND xã Duy Vinh đã phải lấy từ tiền ngân sách 430 triệu đồng để mua vật liệu, bắc một cây cầu gỗ cho người dân đi lại tạm qua sông Bàn Thạch. Đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, hàng ngày cây cầu tròng trành, gánh chịu hàng nghìn lượt người và xe máy, xe thô sơ rầm rập qua lại. Chưa xảy ra tai nạn, nhưng cũng cảm thấy bất an về sự an toàn, sáng nào lực lượng CA xã cũng phải phân công một tổ công tác chốt giữ 2 đầu cầu, không để người dân chen lấn xô đẩy khi qua cầu.

Đó là chuyện mùa nắng, nhưng khi mùa mưa bão về cây cầu tạm này chắc chắn sẽ bị tháo dỡ vì không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. “Xã đang tính sắm một con đò để đưa người dân qua sông, nhưng để mua một con đò máy đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường thủy bây giờ cũng phải vài tỷ đồng, chưa biết tính sao đây".

Đã có nhiều thông tin, nào là sẽ sửa chữa nâng cấp lại cây cầu, nào là sẽ xây dựng lại cầu mới trong tháng 6/2018… Nhưng đến tận ngày 7/6/2018, UBND tỉnh Quảng Nam mới có Quyết định 1778, chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Cầu Hà Tân, huyện Duy Xuyên.

Quyết định nêu rõ: Dự án cầu Hà Tân, chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên. Mục tiêu đầu tư: Khắc phục thiệt hại do thiên tai năm 2017 gây ra, kịp thời ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng nối huyện Duy Xuyên với TP. Hội An và các khu lân cận khác thuộc xã Duy Vinh; khắc phục được tình trạng hạn chế tải trọng cho phép, tạo tiền đề để hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ, đường thủy trong khu vực và vùng lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn vùng.

Chuyện cây cầu gãy nơi rốn lũ

Dù đã được phê duyệt chủ trương xây mới, tuy nhiên do thay đổi thiết kế so với ban đầu nên đến nay cầu Hà Tân vẫn chưa triển khai thi công

Theo thông báo của UBND tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo một số yêu cầu kỹ thuật cần thiết trong việc đầu tư xây dựng cầu Hà Tân mới, đáp ứng yêu cầu thông thuyền sông cấp V theo quy hoạch và phù hợp với cao độ hiện trạng khu vực dân cư đang sinh sống hai bên đầu cầu, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất với đề nghị của UBND huyện Duy Xuyên về việc điều chỉnh, bổ sung quy mô xây dựng cầu Hà Tân, với khổ thông thuyền sông cấp V, bề rộng cầu 8m. Cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ khắc phục thiên tai trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2018 – 2020 không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, phần còn lại do ngân sách huyện Duy Xuyên đảm bảo.

"Cái lo nhất của xã bây giờ là vấn đề xây dựng nông thôn mới" – một cán bộ địa phương băn khoăn. Được biết năm qua, xã Duy Vinh đã đăng ký hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, thế nhưng đến giữa năm 2018, nhiều tiêu chí vẫn còn "đứng sựng" cũng chỉ vì lý do cây cầu gãy. Hiện tại, xã còn 37 ngôi nhà chính sách cho gia đình thương binh liệt sĩ cần sửa chữa và xây dựng mới, 15 ngôi nhà phòng chống bão lũ, 5 km kênh mương nội đồng cần bê-tông hóa, rồi nâng cấp mở rộng trường mẫu giáo... Nhưng cây cầu gãy, giá cả vật liệu tăng vọt, với định mức một nhà tình nghĩa 40 triệu đồng, một nhà chống bão lụt 60 triệu đồng... nay đành phải dừng hết lại, vì kinh phí đã đẩy xa định mức... Vậy là kế hoạch hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới đành lùi lại mà chưa biết đến bao giờ... Thế mới hay, chuyện cây cầu gãy tưởng chừng như một sự cố, nhưng nó là cả một hệ lụy cho cả một tiến trình...

Thông tin sẽ xây cây cầu mới là niềm háo hức, phấn khởi chờ đón của gần 15 nghìn hộ dân ở Duy Vinh, cùng hàng trăm nghìn người dân ở vùng Đông Duy Xuyên, nhưng đến giờ phút này thì chắc  người dân nơi đây lại phải chịu thêm cảnh “đò ngang cách trở” một mùa mưa nữa.

Mùa lụt lại sắp về trên vùng rốn lũ Duy Xuyên, chuyện về cây cầu gãy lại tiếp tục lỗi hẹn. Hình ảnh về những chuyến đò ngang, cây cầu tre tạm bợ bắc qua dòng Thu Bồn đã không còn là ký ức trên mảnh đất đang vươn mình lớn dậy này…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cây cầu gãy nơi rốn lũ