Chung sức đồng lòng để làm sạch bom mìn

Hương Lan| 15/11/2014 06:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam được biết đến như một đất nước có tình trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề nhất thế giới. Có tới hơn 20% diện tích đất đai của Việt Nam, trải khắp 63 tỉnh, thành phố, bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với khối lượng ước tính còn 800.000 tấn.

Hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn

Ô nhiễm bom mìn, vật nổ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội. Số nạn nhân bom mìn được ghi nhận lên đến 102.000 người, trong đó khoảng 40.000 người chết và 62.000 người bị thương. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Điều đáng nói là con số đó vẫn hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đứng trước nguy cơ tiếp tục gia tăng, dù những năm gần đây, tai nạn do bom mìn đã giảm đáng kể nhờ diện tích ô nhiễm bom mìn được làm sạch tăng lên và công tác giáo dục, truyền thông giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh.

Chung sức đồng lòng để làm sạch bom mìn

Bộ đội công binh đang rà phá bom mìn

Hàng năm, nhà nước dành nguồn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Chính phủ được xây dựng với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Cùng sự nỗ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, của Nhà nước, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt được những kết quả đáng khích lệ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điển hình mẫu mực về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội và nhân dân Việt Nam. Trong quá trình đó, Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và bạn bè quốc tế.

 Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 được thành lập.

Trong 2 năm (2012 và 2013), trên cả nước có gần 100.000 ha đất được tổ chức rà phá bom mìn. Ban chỉ đạo đã đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nước và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; tổ chức sự kiện, chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; tổ chức hội nghị vận động tài trợ; tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.

Nghĩa tình và trách nhiệm

Chung sức đồng lòng, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm của toàn xã hội để làm sạch bom mìn, giải phóng đất đai, phát triển sản xuất, giảm thiểu tai nạn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Đó là lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, ngày 12/11.

Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là tổ chức xã hội, tổ chức, hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá sự ra đời của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ là nòng cốt để tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục phòng tránh, vận động tài trợ, tham gia đối ngoại nhân dân và cả những hoạt động nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực này. Đây sẽ là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với với những nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Phó Thủ tướng trân trọng trước tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình và trách nhiệm đa số hội viên của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, những người đã từng trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt. Nhiều người đã trực tiếp chứng kiến đồng đội, người thân ngã xuống bởi bom đạn.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội cho biết, các nhiệm vụ chính của hội là tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn; các biện pháp phòng tránh tối đa hậu quả bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bởi bom mìn; tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực để tiến hành chương trình khắc phục hậu quả bom mìn có hiệu quả sâu rộng, triệt để hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung sức đồng lòng để làm sạch bom mìn