Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Cần tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún

01/04/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tín dụng ưu đãi cho người nghèo đã góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi tín dụng cho giảm nghèo cần phải được tăng nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún…

Mức vay quá thấp

Năm 2014, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Qua giám sát tại các địa phương, bà con cho rằng nguồn vốn được vay là quá thấp, chưa đủ nguồn lực để đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững. Đoàn giám sát nhận thấy một trong những khó khăn trong công tác giảm nghèo là nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ cận nghèo mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay, hạn chế khả năng thoát nghèo bền vững.

Mức cho vay mang tính dàn trải nên hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn không cao. Nhiều hộ dân được vay vốn nhưng mức vay quá ít nên không thể đầu tư sản xuất. Ví như tại Đăk Nông, bình quân mỗi hộ được vay khoảng 20 triệu đồng trong khi mức vay tối đa 30 triệu đồng cũng chỉ đủ để mua phân bón một lần cho cà phê, cao su, không đủ điều kiện để duy trì, phát triển sản xuất đối với các cây công nghiệp lâu năm. Từ đó, các hộ nghèo tỉnh Đăk Nông đề nghị tăng vốn vay tín dụng mức tối đa từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng để tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất. Đồng thời, hạ lãi suất vốn vay ngân hàng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế.

Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Cần tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún

Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội

 

Tại Thanh Hóa, nguồn vốn cho vay còn mang tính bình quân, do đó, một bộ phận hộ nghèo không có nhu cầu vay vốn vẫn được vay, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Đoàn giám sát đề xuất nâng mức vay vốn ưu đãi và giảm lãi suất để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại tỉnh Hậu Giang, trong giai đoạn 2005 - 2012, mức vay bình quân từ Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp, chỉ đạt 5,3 triệu đồng/hộ, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất của các hộ nghèo.

Qua giám sát tối cao, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2020, trong đó yêu cầu Chính phủ: tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn. Chính phủ cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Cho vay có mục tiêu

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong chính sách và đầu mối giảm nghèo, các nguồn lực giảm nghèo bị phân tán và dàn trải như hiện nay; làm thế nào để nguồn tín dụng cho người nghèo ngày càng nhiều hơn, có hiệu quả hơn, giúp người nghèo và các gia đình cận nghèo có cơ hội được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi đánh giá cao sự bao phủ của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với từng thôn, từng bản ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi bày tỏ trăn trở: chúng ta thiếu nguồn lực trong thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo nên mức độ bao phủ vẫn chưa thật sự toàn diện. Mặt khác, để các hộ thoát nghèo bền vững, giảm tỷ lệ các hộ tái nghèo, thì phải nuôi dưỡng và tiếp tục ưu đãi tín dụng cho các hộ cận nghèo, các hộ mới thoát nghèo. Khi các hộ thoát nghèo đã có động lực ban đầu mà chúng ta không tiếp tục duy trì và đẩy mạnh động lực đó thì các hộ dân rất dễ rơi vào tình cảnh tái nghèo.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi, qua giám sát có một mô hình tín dụng ưu đãi cho người nghèo rất hay ở Lâm Đồng là cho vay có mục tiêu, có sản phẩm đầu ra. Khi các hộ nghèo vay một khoản tín dụng và đăng ký trong một thời gian là một số năm nhất định sẽ thoát khỏi hoàn cảnh nghèo và làm giàu. Đây là một mô hình rất tốt, nên triển khai rộng rãi. Bài toán đặt ra là nguồn lực để thực hiện. Chúng ta phải tập trung các nguồn lực phục vụ mục tiêu giảm nghèo để huy động vốn, ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để phân bổ nguồn vốn đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng mức vay và thời hạn cho vay.

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống dưới 5%. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Võ Minh Hiệp cho biết, Đảng, Quốc hội và mới đây là Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt vấn đề, tăng cường nguồn lực cho tín dụng ưu đãi thì phải nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trên cơ sở đó tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm như đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Một điểm đáng chú ý là, suốt 12 năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu sử dụng ngân sách trung ương. Nguồn vốn của ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng hơn 2% tổng vốn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương, UBND các cấp tăng thu, tiết kiệm chi, dồn nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, dồn nguồn lực tổng hợp cả trung ương và địa phương cho ngân hàng chính sách để thực hiện tín dụng ưu đãi. Điều đáng mừng, từ đầu năm đến nay, một số địa phương đã dành ngân sách địa phương cho tín dụng ưu đãi.

Để giảm nghèo bền vững

Phó chủ nhiệm Bùi Sĩ Lợi cho rằng, cần tập trung nguồn lực giảm nghèo vào các nhiệm vụ trọng tâm, tránh dàn trải, manh mún. Thứ hai, cần điều chỉnh mức vay, lãi suất, thời hạn vay theo hướng nên giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động linh hoạt điều chỉnh mức vay, lãi suất và thời hạn vay theo thời điểm, theo ngành nghề, theo vùng miền để giải quyết khó khăn người dân. Thứ ba, cần gắn kết việc cho vay vốn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, chứ không phải là đối tượng hưởng chính sách một cách thụ động. Thứ tư, cần phải liên kết sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ hàng hóa. Chuyển từ phương thức sản xuất tự cung tự cấp sang phương thức sản xuất hàng hóa thì mới góp phần giảm nghèo bền vững.

Tại buổi làm việc với ngân hàng Chính sách xã hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tín dụng chính sách là giải pháp căn cơ, tạo “cần câu” cho hộ nghèo thoát nghèo. Về đối tượng vay vốn, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại các đối tượng để tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá tiếp tục hỗ trợ thiết thực các đối tượng chính sách, trước hết là hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…

Trên cơ sở rà soát, xác định đối tượng, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan tính toán, giao tăng thêm tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội lên 10%, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo bước đột phá để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững… 

 

Thời gian qua, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay trên 285 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động…

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo: Cần tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún