Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Mập mờ cả cây chặt lẫn cây trồng

Phạm Huy| 23/03/2015 11:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyết định đến “sinh mệnh” của hàng ngàn cây xanh ở Hà Nội dù đã được tạm dừng nhưng phía sau đó, nhiều vấn đề mà dư luận vẫn đang muốn được làm rõ là xử lý ra sao với cây xanh bị đốn hạ và giống cây trồng mới được mua ở đâu?

Tẩu tán thần tốc

Chỉ trong một thời gian rất ngắn khi quyết định chặt hạ, thay thế được ký, khoảng 2.000 trên tổng số 6.700 cây xanh trong đó phần lớn là cây cổ thụ trên các tuyến phố  như Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Nguyễn Trãi…bị đốn hạ không thương tiếc.

Dư luận bức xúc, báo chí vào cuộc tạo lên một làn sóng phản đối cái quyết định có phần vội vàng của chính quyền Hà Nội.

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng quyết định trên, đồng thời đình chỉ một số cán bộ liên quan, kiểm điểm trách nhiệm và thanh tra toàn diện vụ việc.

Trong cuộc họp báo mới đây do Sở Xây dựng thành phố tổ chức, hàng loạt câu hỏi được đặt ra như cây xanh bị chặt hạ sẽ xử lý ra sao, cây giống mới mua ở đâu, giá cả như thế nào? Tuy nhiên, tất cả 21 câu hỏi liên quan đều không được trả lời.

Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Mập mờ cả cây chặt lẫn cây trồng

Những cây xà cừ cổ thụ bị đốn hạ

Về cây xanh bị chặt hạ, chỉ trong một thời gian ngắn tất cả được di chuyển ra các điểm tập kết. Điều khó hiểu là, ngay cả ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng không biết số cây bị chặt hạ giờ đang ở đâu? Thậm chí giá cả bao nhiêu, đơn vị nào đấu thầu đến nay vẫn kín như bưng!

Theo dân buôn gỗ thì những cây xà cừ bị đốn hạ ở Hà Nội có nhiều cây rất có giá trị, đường vanh lớn và nhất là nó không hề bị sâu mọt, mục rỗng như báo cáo trước đó. Một m3 gỗ xà cừ có giá gần chục triệu đồng chứ không hề thấp.

Đáng nói, sau khi bị chặt hạ, chia năm xẻ bảy những cây xà cừ cổ thụ được các xe tải âm thầm chở đi một cách thần tốc. Đáng lẽ, số gỗ này phải được kiểm đếm, đánh giá tình trạng gỗ công khai, niêm yết đấu thầu công khai cho mọi người dân đều biết thì nó lại được lén lút mang đi khỏi nội thành? Và đến nay, các bãi tập kết gỗ vẫn được xem như là điểm “bất khả xâm phạm”.

Trước đó, vào tháng 11/2014 hàng trăm gốc xà cừ cổ thụ ở đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ với lý do giải tỏa để làm tuyến đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh. Nhưng sau đó, số gỗ giá trị này cũng “bặt vô âm tín”. Không biết hiện tại nó đang ở bãi tập kết nào, số lượng còn bao nhiêu cây?

Ai mua, ai trồng đều không biết

Ngay sau khi những cây cổ thụ bị “quật ngã” thì Hà Nội bắt đầu trồng cây thay thế ở một số tuyến phố. Theo như đề án ban đầu, cây trồng thay thế là cây gỗ vàng tâm. Vàng tâm là cây gỗ quý, có giá trị cao ngang với gỗ sưa. Ban đầu nhiều người đã lo ngại việc trồng vàng tâm sau này sẽ mất rất nhiều công sức trông giữ và giống cây này cũng chậm lớn, lâu cho bóng mát.

Vậy nhưng, khi cây mới vừa được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh thì một số chuyên gia về lâm nghiệp lại khẳng định rằng, đó không phải là cây vàng tâm mà đó là cây mỡ?

Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Mập mờ cả cây chặt lẫn cây trồng

Cây trồng thay thế bị nghi ngờ là cây gỗ mỡ

Cây mỡ là cây lâm nghiệp có giá trị không cao, được trồng nhiều ở các khu rừng tái sinh vì nó sinh trưởng nhanh, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Các chuyên gia khẳng định, trồng cây mỡ ở phố thì đúng là chuyện nực cười.

Tại sao lại là cây mỡ? Liệu có chuyện “lập lờ đánh lận con đen” hay không? Bởi theo các nhà khoa học thì cây mỡ với cây vàng tâm là cùng họ với nhau, nhưng giá trị khác nhau một trời một vực.

Trước đó, có khái niệm cho rằng, gỗ vàng tâm là lõi của cây gỗ mỡ. Nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, Chủ nhiệm khoa Lâm học, Trường Đại học Lâm Nghiệp thì cây mỡ và cây vàng tâm là hoàn toàn khác nhau, nó cùng chi nên không có chuyện cây mỡ cho ra gỗ vàng tâm.

Khi được hỏi về giá cả, đơn vị cung cấp giống cây trồng thay thế mới này, ông Nguyễn Xuân Hưng cũng nói, đơn vị không biết ai mua, giá bao nhiêu và nguồn gốc cây ở đâu? Một câu chuyện hết sức khó hiểu.

Trước đó, lãnh đạo Hà Nội khi trả lời về việc này thì lại cho rằng, cây trồng mới đều là nguồn từ xã hội hóa, việc mua cây mới ở đâu, giá cả bao nhiêu, thời gian nào là do các nhà đầu tư quyết định.

 Cũng trước đó, khi trả lời báo chí ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói rằng, việc chặt hạ cây xanh là do các nhà tài trợ nôn nóng.

Phát biểu này của ông Hùng đã bị đồng loạt các nhà tài trợ lớn phản đối cho rằng họ không hề thúc giục chính quyền Hà Nội chặt hạ cây xanh, đó là sự “nhiệt tình” của thành phố.

Chính vì những chuyện mập mờ trên chưa có câu giải thích thỏa đáng nên người dân có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của quyết định cũng như “lợi ích” trong vụ “thảm sát” cây xanh nghiêm trọng ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Mập mờ cả cây chặt lẫn cây trồng