Cần có chế tài nghiêm minh với tội phạm xâm hại trẻ em

Bảo Nam| 02/04/2016 16:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó.

Những con số giật mình

Ngày 1/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết đang tạm giữ ông A.Q.S. (giáo viên Trường tiểu học Bản Khoang, huyện Sa Pa) để điều tra về việc ông này bị tố dâm ô với học sinh tại trường.

Theo thông tin ban đầu, một học sinh nữ lớp 5 theo học bán trú tại trường đã bỏ về nhà không đi học, khi gia đình gặng hỏi thì được biết em sợ đến trường bị thầy giáo giở trò đồi bại.

Trước đó, tại Trường Tiểu học bán trú La Pan Tẩn (huyện Mường Khương, Lào Cai) đã phát giác sự việc bảo vệ trường là Đỗ Văn Nam (35 tuổi) dâm ô với hàng chục học sinh nữ ở trường. Những nạn nhân chủ yếu là các bé gái người Mông, có độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi. Để thực hiện hành vi thú tính, gã bảo vệ đã dùng bim bim, kẹo, sữa... để dụ dỗ các em vào phòng bảo vệ của mình rồi làm bậy.

Vào tháng 1/2016, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Vadim Scott Benderman (tên gọi khác là Ben, 46 tuổi, quốc tịch Canada) 4 năm tù về tội dâm ô với trẻ em. Ben nhập cảnh Việt Nam từ đầu tháng 6-2014, sau đó làm giáo viên dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở Q.Nam Từ Liêm và chơi nhạc tại một quán bar ở Q.Hoàn Kiếm. Trong vòng nửa năm, Ben đã dâm ô nhiều lần với khoảng 4 bé trai…

Cần có chế tài nghiêm minh với tội phạm xâm hại trẻ em

Đối tượng Đỗ Văn Nam bị điều tra về hành vi dâm ô trẻ em. (Ảnh: Tuấn Hiếu)

Theo số liệu được công bố tại buổi tại tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức, trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam.

Thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đưa ra cho hay, tội phạm xâm hại trẻ em đang gia tăng theo từng năm: Năm 2010 có 867 vụ, bắt 923 người; năm 2011 có 940 vụ, bắt 1.025 người; năm 2014 có 1.382 vụ, bắt 1.433 người.

Tuy nhiên, số liệu thống kê nói trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Hoàn thiện pháp luật để bảo vệ trẻ em tốt hơn

Theo khảo sát, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn mặc cảm, lo sợ, nghi ngờ, xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Ngoài ra, các em sau khi bị xâm hại phải còn gánh chịu nguy cơ hết sức nguy hiểm đó là lây lan các bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS. Hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả nặng nề như vậy song số vụ việc bị xử lý lại chưa tương xứng.

Hiện nay, thông tin tố giác tội phạm mà các cơ quan tố tụng nhận được từ gia đình các trẻ bị lạm dụng tình dục là khá nhiều, không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay cả các đô thị lớn. Tuy nhiên, thực tế có một khoảng cách lớn giữa số lượng thông tin tố giác vụ việc với số vụ việc được xử lý hình sự. Một trong những khó khăn là việc thu thập chứng cứ. Hiếm lắm mới có những vụ việc mà có người khác chứng kiến để có thể làm nhân chứng chứng minh hành vi phạm tội.

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, một trong những nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng là pháp luật ở nước ta xử lý chưa nghiêm. Nếu ở Mỹ mà có hành vi xâm hại tình dục với trẻ em thì phải lãnh mức án rất cao. Gia đình muốn bảo lãnh để bị can được tại ngoại phải bỏ ra một số tiền rất lớn.

“Chúng ta cũng cần chấn chỉnh, sửa đổi lại luật pháp với các quy định nghiêm minh hơn. Ví dụ như các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phải có mức án thật nghiêm khắc”, ông An kiến nghị.

Theo Bộ luật hình sự hiện hành, có 4 tội danh liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đó là: hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em và dâm ô đối với trẻ em. Thực tế có 2 tội danh thường gặp và cơ quan tố tụng áp dụng định tội rất khó chuẩn xác, rạch ròi là tội danh hiếp dâm trẻ em và dâm ô với trẻ em (mức hình phạt nhẹ hơn).

Trả lời báo chí, bà Trịnh Thị Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nguyên Chánh án TAND tỉnh Bến Tre bày tỏ sự ủng hộ việc xây dựng Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần này có bổ sung nội dung về tư pháp người chưa thành niên. Đây sẽ là nền tảng pháp lý tốt hơn để xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức TAND đã có quy định tổ chức Tòa chuyên trách về gia đình người chưa thành niên, với nhân sự được đào tạo phù hợp để xét xử, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em. Thông qua đó, nhận thức về quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại ngày càng được nâng lên đúng mức.

Điều 116 của Bộ luật Hình sự quy định “Tội dâm ô đối với trẻ em” như sau:

1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều trẻ em;

c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có chế tài nghiêm minh với tội phạm xâm hại trẻ em