Bộ đội biên phòng giúp cho dân bình yên, no ấm

Nguyễn Hòa Diễm| 06/03/2015 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều Tây Nguyên. Giữa nhà rông làng Kà Đin, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, già làng A Teng nắm chặt lấy tay tôi, ông nói: “Nhà mình có nuôi được mấy con heo, để dành mấy ghè rượu ngon, mời cán bộ về làng mình nhé!”.

Ông khoát tay chỉ về mấy cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng 707 đứng quanh đó rồi ôn tồn: “Cả thằng Việt, thằng Ngân, thằng Khiển, thằng Ánh… nó là con của cái làng ta rồi, nhất định phải ở lại làng, cho già vui cái bụng đó nghe”.

Bám đất giữ biên cương

Đồn biên phòng 707 đứng chân trên địa bàn xã biên giới Mô Rai thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Xã Mô Rai có diện tích tự nhiên hơn 1500km2, gần bằng cả diện tích của tỉnh Thái Bình. Thượng tá Nguyễn Trọng Ngân, Bí thư Chi bộ, Đồn trưởng đồn 707 tâm sự: Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21km đường biên giới xã Mô Rai, cán bộ, chiến sỹ nơi đây đã khắc phục vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng, bám trụ vững vàng nơi vùng biên đầy khắc nghiệt. Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 707 có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Với hơn 2000 nhân khẩu gồm 11 dân tộc  anh em, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ja Rai và Rơ Mâm, trong đó Rơ Mâm là một trong các dân tộc còn ít người nhất Việt Nam, hiện nay còn trên 130 hộ, gần 400 khẩu đang sống tập trung ở làng Le.

Bộ đội biên phòng giúp cho dân bình yên, no ấm

Bộ đội Biên phòng Kon Tum dạy xóa mù chữ cho học sinh dân tộc thiểu số

Chúng tôi cùng Thượng tá Nguyễn Văn Khiển, trung tá Đồng Thanh Tĩnh về các làng GRập, làng Rẽ, làng Kênh, làng Xộp, làng Le… đi đến đâu cũng được bà con đón tiếp như người thân lâu ngày gặp lại. Bí thư Chi đoàn Đồng Thanh Tĩnh giở sổ ghi chép rồi thông tin những con số giúp dân những năm qua: Trên 1000 ngày công giúp dân làm nhà, làm cỏ lúa, vệ sinh thôn làng… xây dựng 27 ngôi nhà tình nghĩa, trị giá gần 500 triệu đồng; quyên góp tặng 7 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 200.000 đồng tặng gia đình chính sách, neo đơn; xây dựng các làng Tang, làng Le, làng Kênh trở thành các làng văn hóa; vận động 122 học sinh bỏ học trở lại trường; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Trong “Nhật ký giúp dân” của Chi đoàn 707 còn dài lắm với những con số chi tiết hàng ngày được Chính trị viên phó Đồng Thanh Tĩnh coi như cuốn sổ truyền thống của Chi đoàn.

Là con một nhà

Đêm biên giới Mô Rai đã gieo vào lòng chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Trong men rượu cần ngây ngất chốn vùng biên, già làng A Glá vít cần rượu thật sâu mời tôi cùng uống. Xong ông nắm chặt lấy tay tôi, nói: “Cán bộ à, người dân Mô Rai với bộ đội biên phòng như anh em một nhà thôi. Cái bụng của bộ đội nó tốt lắm, nó mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”. Ông nhắc lại những cái tên, có những người đã chuyển công tác khỏi Đồn 707 đã lâu như Phạm Xuân Bốn, Hoàng Văn Hà… Chiến sĩ Lưu Văn Hiệp nhớ lại: “Hôm tôi và Bốn trở lại Mô Rai, người dân làng Xộp, làng Le, làng Kênh cứ vây lấy, ôm lấy tôi và Bốn mà khóc, khóc thành tiếng. Xúc động hơn là hình ảnh ông A Chóc, năm nay đã ngoài 80 tuổi cứ ôm lấy Bốn xuýt xoa: “Thằng em mình năm nay lớn quá, anh nhìn mãi mới nhận ra”. Thì ra A Chóc và Bốn đã kết nghĩa anh em. Ông lại nói như với chính mình: “Thằng Bốn tốt bụng lắm, nó dạy mình biết cái chữ, giúp trồng cây lúa nước, đêm nằm ngủ mình mơ thấy nó nhiều lần thì thương nó quá. Chỉ có anh em trong nhà thì mới giúp nhau như thế chứ?”. Cái lý của ông A Chóc giản đơn, mộc mạc như chính lòng người dân Mô Rai vậy. Còn già làng A Buông ở làng Xộp thì tâm sự: “Bộ đội biên phòng vừa dạy học, vừa giúp dân lao động sản xuất, khám chữa bệnh cho bà con nên bà con quý lắm. Việc lớn nhỏ gì của làng cũng gọi bộ đội biên phòng”.

Bí thư Chi bộ, Đồn trưởng Nguyễn Trọng Ngân nhớ lại, ở Mô Rai trước đây còn hủ tục, nếu người mẹ chết mà đứa con còn nhỏ thì đứa con cũng được chôn theo mẹ. Đây được xác định là vấn đề “nóng nhất” mà Đồn biên phòng 707 quyết tâm vận động bà con xóa bỏ. Bước đầu, anh em phải đối mặt với những thách thức vì hủ tục đã bám sâu chặt trong lòng người dân nơi đây. Anh em dám đương đầu với thử thách và đã cứu được những đứa trẻ sơ sinh thoát khỏi sự nghiệt ngã của hủ tục, viết nên những “câu chuyện cổ tích” dưới chân núi Mô Rai những năm về trước. Có nhiều cháu được cứu sống, trong đó có cháu Y Đức hiện đang sống, học tập, lớn lên trong vòng tay yêu thương tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum.

Xuân đã về khắp núi rừng biên giới. Giữa đất trời Tây Nguyên nắng và gió, những người lính Đồn biên phòng 707 vẫn âm thầm thả bước tuần tra, lặng lẽ mang niềm vui, cuộc sống mới đến với buôn làng. Đi dọc đường biên, tôi đã nghe tiếng hát của những chiến sỹ biên phòng nơi đây vọng vào vách núi, bài hát của nhạc sĩ Trần Chung mà thấy tha thiết, thân thương quá: “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào vui hơn, nơi đầu sông đầu suối, nơi đầu sóng, đầu gió, nơi tình yêu đôi ta ...”.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ đội biên phòng giúp cho dân bình yên, no ấm