Bình Dương đúng đắn khi xây dựng thành phố thông minh

Thanh Thảo| 15/09/2020 21:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những năm gần đây, tỉnh Bình Dương gây sự chú ý với cả nước khi tuyên bố xây dựng thành phố thông minh. Với đề án này, Bình Dương vươn đến khát vọng đổi mới, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

Áp dụng mô hình “3 nhà” của thành phố Eindhoven vào Bình Dương

Được triển khai từ tháng 3-2016, Đề án thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương không áp dụng cách tiếp cận thông thường là ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết một số vấn đề như giao thông, năng lượng, hành chính điện tử… mà quyết định nghiên cứu mô hình đột phá của các TPTM trên thế giới đã thành công, đặc biệt là thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan.

Bình Dương đúng đắn khi xây dựng thành phố thông minh

Sự kiện tổ chức thành công liên tiếp 2 năm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis đã nâng tầm Bình Dương với bạn bè quốc tế

Điều gì ở thành phố Eindhoven, Hà Lan khiến Bình Dương phải học hỏi, trước hết chính là những nét tương đồng của 2 địa phương. Tại Hội nghị TPTM năm 2017 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam diễn ra tại Bình Dương, bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam đã phát biểu, cách đây 20 năm,  Eindhoven chỉ là vùng đất phát triển công nghiệp nhỏ lẻ và truyền thống, vì không có những lợi thế vốn có của các thành phố khác như sân bay, cảng biển... Tuy nhiên, sau đó họ đã mạnh dạn đưa ra một mô hình phát triển mới gọi là Triple Helix (3 vòng xoắn). Trên nền tảng công nghệ, họ từng bước xây dựng Eindhoven không chỉ là một nơi đáng làm việc mà là một nơi đáng sống. Eindhoven hiện nay lọt vào danh sách một trong những TPTM nhất thế giới.

Những lợi thế không có Eindhoven cũng giống với Bình Dương. Chính vì thế, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về tiềm năng và những nét tương đồng của 2 địa phương, Bình Dương công bố khởi động Đề án TPTM Bình Dương, áp dụng mô hình “3 nhà” (Nhà nước- Nhà trường- Nhà doanh nghiệp) của thành phố Eindhoven, theo đó hướng tới đặt những nền tảng cơ bản đầu tiên cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh trước năm 2021. Từ đó tạo tiền đề để Bình Dương tiến lên nền kinh tế tri thức, đón xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng Ban Điều hành TPTM cho biết, với góc nhìn từ Bình Dương, TPTM có thể được hiểu là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó tất cả thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa.

Lan tỏa khái niệm “Thành phố thông minh”

Vào thời điểm Bình Dương công bố triển khai xây dựng Đề án TPTM, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của đề án, đặc biệt là mơ hồ về khái niệm “Thành phố thông minh”. Tôi còn nhớ, trong một lần nói chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM, anh đã chia sẽ, không có một khái niệm chính thức nào về TPTM, mà đơn thuần chúng ta hiểu theo cách đơn giản là TPTM chính là việc tìm kiếm những giải pháp đột phá để tăng năng suất lao động, cải thiện dịch vụ, tiện ích, qua đó để phát triển kinh tế, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân.

Bình Dương đúng đắn khi xây dựng thành phố thông minh

Thông qua Diễn đàn HORASIS năm 2018, Bình Dương đã tìm kiếm được những sự hợp tác để hiện thức giấc mơ TPTM (Trong ảnh: Becamex IDC ký kết hợp tác với Tập đoàn Intelizest của Singapore về xây dựng nền tảng chuỗi khối blockhain, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật)

Để xây dựng TPTM, Bình Dương có cách làm bài bản, nghiêm túc, quan trọng nhất là lấy yếu tố con người làm trọng tâm cho mọi sự phát triển. Hiện nay những việc Bình Dương đã làm được đó là quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, cùng với đó là sẽ xây dựng một tuyến đường sắt chuyên dùng để giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa, container kết nối các nhà máy, cảng, sân bay...của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, trong Đề án TPTM, Bình Dương nêu cao tinh thần “khởi nghiệp” của giới trẻ, đã có một "vườn ươm khởi nghiệp" tại Đại học Quốc tế Miền Đông và tạo nên một môi trường đổi mới và sáng tạo để các bạn trẻ, các nhà khoa học, các doanh nhân và bất cứ ai có tâm huyết đều có thể tham gia đóng góp vào quá trình phát triển…

Có thế thấy, với cách làm kiên trì, bài bản của mình, hiện nay Bình Dương đang nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, còn đối với người dân Bình Dương họ đã dần đồng cảm và hiểu được hướng đi của Bình Dương là đúng đắn.

“Trái ngọt” cho những cố gắng không ngừng nghỉ

Sự kiện Diễn đàn cộng đồng thông minh Thế giới (ICF) công bố danh sách 21 Thành phố, khu vực được vinh danh là các tỉnh, thành có chiến lược Phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu của Thế giới (Smart21), trong đó tỉnh Bình Dương là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vinh dự lọt vào danh sách này đã minh chứng cho những bước đi trên con đường chinh phục TPTM của Bình Dương là đúng đắn và hợp lý.

Cùng với đó là việc tổ chức thành công các sự kiện mang tầm quốc tế như Hội nghị Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis đã khẳng định được vị thế của Bình Dương với bạn bè quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội “vàng” để Bình Dương thu hút đầu tư, đặc biệt là hợp tác xây dựng thành phố thông minh…Cũng tại đây, ngoài cơ hội để Bình Dương quảng bá được hình ảnh thương hiệu Bình Dương với các đối tác, bạn bè quốc tế, tạo thêm tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp vào tỉnh, thì còn tạo điều kiện để Bình Dương tiếp cận ứng dụng công nghệ như ứng dụng trong tiện ích giao thông, y tế, quản lý nhà nước, đưa những cuộc thảo luận về AI (trí tuệ nhân tạo), Công nghiệp 4.0 cùng với sự phát triển không ngừng về giáo dục đi đôi với kinh doanh và đổi mới, làm thế nào để đưa khái niệm TPTM đến với thực tiễn với sự chia sẻ của những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này…

Có một điều mà các diễn giả, CEO hay chính khách khi đặt chân đến Bình Dương phải thốt lên là Bình Dương phát triển quá thần tốc, với cơ sở vật chất đồng bộ hiện đại, đặc biệt tại TP mới Bình Dương, nơi đây có Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế có sức chứa trên 2.500 người với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đảm bảo đầy đủ điều kiện để tổ chức những sự kiện quốc tế. Khánh sạn Becamex Hotel TP mới Bình Dương đạt chuẩn quốc tế, với trên 323 phòng cao cấp và các dịch vụ, tiện ích đi kèm như sân quần vợt, thể thao, hồ bơi…Có hệ thống giáo dục đạt chuẩn quốc tế, tiêu biểu là Trường Đại học Quốc tế miền Đông.

Hệ thống giao thông ở TP mới Bình Dương được đánh giá vào loại hiện đại thông thoáng nhất hiện nay. Đường Mỹ Phước Tân Vạn, Phạm Ngọc Thạch, Hùng Vương, Võ Văn Kiệt… được đầu tư xây dựng bài bản, khả năng kết nối các khu công nghiệp, TP mới Bình Dương với quốc lộ 13, sân bay, cảng biển… là những yếu tố quan trọng đã được Bình Dương chuẩn bị từ trước để phát triển.

Có thể thấy, Mới hơn 23 năm hình thành và phát triển nhưng Bình Dương đã làm được những điều mà địa phương khác chưa làm được, luôn đứng trong top đầu của cả nước trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba cả nước, là một trong năm tỉnh có đóng góp và tỉ lệ trích nộp vào ngân sách trung ương nhiều nhất, là một trong số ít địa phương luôn có tỉ lệ xuất siêu cao nhất cả nước. Bình Dương còn là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí trung ương, nhờ công tác xã hội hóa, những gia đình chính sách trong địa bàn tỉnh cũng được chăm lo, phụng dưỡng chu đáo hơn. Công nhân lao động từ các tỉnh thành khác đến Bình Dương sinh sống và lập nghiệp được chăm lo tốt cả đời sống vật chất lẫn tinh thần…Như lời của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam đã nói, người dân Bình Dương phải được hưởng những thành quả từ sự phát triển của tỉnh.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương đúng đắn khi xây dựng thành phố thông minh